(NLĐO) - Vật thể ra đời trong giây đầu tiên sau Vụ nổ Big Bang có thể vừa lướt qua và làm rung chuyển các hành tinh trong hệ Mặt Trời.

Theo Science Alert, nhóm nghiên cứu dẫn đầu bởi nhà vật lý thiên văn Tung Tran từ Viện Công nghệ Massachusetts (MIT - Mỹ) vừa chỉ ra rằng cứ 10 năm, hệ Mặt Trời của chúng ta lại đón một vị khách không mời, vô hình và đáng sợ, đã hơn 13,8 tỉ năm tuổi.

Đó là các lỗ đen nguyên thủy (PBH), những vật thể giả thuyết có thể được sinh ra trong giây đầu tiên sau sự kiện Vụ nổ Big Bang khai sinh vũ trụ.

 "Bóng ma" 13,8 tỉ tuổi xuyên thủng hệ Mặt Trời 第1张

Các lỗ đen nguyên thủy có thể đã nhiều lần bay ngang hệ Mặt Trời và làm các hành tinh lắc lư, nhất là Sao Hỏa - Minh họa AI: ANH THƯ

Lỗ đen nguyên thủy hình thành từ các túi vật chất ion hóa dày đặc sụp đổ và phân tán khắp vũ trụ trong hơn 13,8 tỉ năm qua.

Theo các nhà nghiên cứu MIT, chúng nặng như một tiểu hành tinh dù kích thước chỉ bằng một nguyên tử.

Tuy vậy, những con quái vật siêu nhỏ này vẫn đủ làm rung lắc các hành tinh trong hệ Mặt Trời bằng cú lướt có tốc độ lên tới 200 km/giây và sức mạnh của một lỗ đen.

Theo bài công bố trên tạp chí khoa học Physical Review D, nhóm nghiên cứu đã mô phỏng các tác động có thể xảy ra nếu một lỗ đen nguyên thủy bay ngang qua Sao Thủy, Sao Kim và Sao Hỏa.

Nó đủ mạnh để làm rung chuyển tất cả các hành tinh này, nhưng Sao Hỏa sẽ cho tín hiệu rõ ràng nhất, bởi đây cũng là hành tinh mà người Trái Đất có thể dễ dàng theo dõi nhất.