Căn bệnh này thường gặp ở các nước châu Á, ước chừng khoảng 50-100 trường hợp/100.000 dân
Bệnh viện Chợ Rẫy (TP HCM) vừa cứu kịp bệnh nhi N.N.M.D (6 tuổi, ở Khánh Hòa) sau ca phẫu thuật đầy khó khăn, phức tạp. Bé D. mắc phải bệnh lý Kawasaki hiếm gặp, nếu không phát hiện và can thiệp sớm thì khó tránh khỏi đột tử.
Ca mổ đầu tiên phía Nam
TS-BS chuyên khoa II Lê Thành Khánh Vân, Trưởng Khoa Hồi sức Phẫu thuật tim trẻ em - Bệnh viện Chợ Rẫy, cho biết đây cũng là trường hợp đầu tiên tại khu vực phía Nam được bệnh viện can thiệp thành công. Trước đó, vào giữa tháng 6, bé D. nhập viện trong tình trạng thỉnh thoảng nặng ngực khi gắng sức, có những vết bầm về rối loạn đông máu do điều trị bằng thuốc kháng đông trước đó. Các bác sĩ đã tiến hành các chẩn đoán tích cực như siêu âm tim, CT-scan và chụp mạch vành. Kết quả phát hiện bệnh nhi có nhiều túi phình, 2 túi phình ở động mạch vành bên phải rất to, có huyết khối bên trong và nguy cơ vỡ rất cao.
Bệnh nhi mắc bệnh hiếm vừa được bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy (TP HCM) phẫu thuật cứu kịp
Đánh giá nguy cơ nếu không được can thiệp phẫu thuật kịp thời, bệnh nhi có thể tử vong. Có 2 nguy cơ xấu bé D. phải đối mặt, gồm: Thứ nhất là nếu bị tắc động mạch vành cấp tính sẽ khiến cho bệnh nhi thiếu máu hoàn toàn tim bên phải, dẫn đến nhồi máu cơ tim và đột tử. Nguy cơ thứ hai là túi phình quá to (gần như gấp 10 lần kích thước động mạch vành bình thường) sẽ gây nguy cơ vỡ động mạch vành bên phải cũng dẫn đến tử vong. "Chính vì vậy, chúng tôi đã phối hợp cùng các chuyên khoa hội chẩn kỹ và tiến hành phẫu thuật cứu người" - bác sĩ Khánh Vân nhấn mạnh.
Ca phẫu thuật đã hoàn tất sau 8 giờ. Ê-kíp đã lấy hoàn toàn huyết khối thành công trong phình động mạch vành ở cả 2 nơi của động mạch vành bên phải. Túi phình thứ nhất với kích thước khoảng 30 mm và túi phình thứ hai khoảng 20 mm. Sau đó, các bác sĩ đã dùng đường dẫn bằng màng ngoài tim khoảng 5 mm để nối từ chỗ xuất phát của động mạch vành bên phải cho đến đầu xa của động mạch vành còn lại, cắt bỏ bao túi phình và tạo lại.
Sau phẫu thuật 24 giờ, bệnh nhi được rút nội khí quản, kết quả điện tâm đồ cho thấy ổn định, siêu âm kiểm tra tim đập với chức năng tim phục hồi tốt. Diễn tiến hậu phẫu thuận lợi, không phát hiện tràn dịch màng ngoài tim, không nhồi máu cơ tim, sinh hiệu ổn. Một tuần sau phẫu thuật, bệnh nhi có thể ngồi được, tự đi lại, sức khỏe phục hồi tốt và xuất viện trong niềm vui của cả gia đình và bác sĩ.
Ứng xử thế nào với bệnh hiểm?
Trước đó chưa lâu, gia đình bé Đ.M.H (4 tuổi, ở TP HCM) cũng tá hỏa khi được các bác sĩ phát hiện bé mắc bệnh hiểm hiếm gặp Kawasaki mà người nhà cứ tưởng do sốt siêu vi. Khởi bệnh phát sốt nhiều ngày, đi thăm khám phòng khám tư không cải thiện, bé H. được đưa nhập viện cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh (TP HCM) trong tình trạng sốt cao, không có dấu hiệu hạ nhiệt. Tại đây, các bác sĩ chẩn đoán bé mắc bệnh Kawasaki nguy hiểm với các dấu hiệu điển hình: Viêm kết mạc mắt, môi đỏ, lưỡi đỏ, họng đỏ, thay đổi đầu chi (lòng bàn tay, lòng bàn chân hơi phù). Cùng với đó, xét nghiệm máu phát hiện lượng bạch cầu trong máu tăng cao, hình ảnh siêu âm của bé cho kết quả có rất nhiều hạch, có đầy đủ triệu chứng của bệnh. Ngay lập tức, bệnh nhi được chỉ định truyền thuốc, kết quả đáp ứng điều trị, tránh được các biến chứng nguy hiểm.
Theo ThS-BS Lê Phan Kim Thoa, Trưởng Khoa Nhi - Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, bệnh nhi này may mắn được điều trị kịp thời, hiệu quả, tránh được các biến chứng đáng tiếc xảy ra. Nếu nhập viện muộn, điều trị trễ hơn có thể không điều trị được, mạch vành tổn thương dẫn đến biến chứng giãn mạch vành, dễ tạo thành huyết khối. "Thêm vào đó, biến chứng giãn mạch vành có thể gây hậu quả nhồi máu cơ tim sau này, có khả năng giãn ra gây hẹp, bít tắc động mạch vành, thiếu máu cơ tim xuyên mạch vành mạn tính" - bác sĩ Kim Thoa nhấn mạnh.
Theo các bác sĩ nhi khoa, bệnh Kawasaki thường xảy ra ở trẻ nhũ nhi và trẻ dưới 5 tuổi, tuy nhiên trẻ lớn hơn vẫn có khả năng mắc bệnh. Bệnh này là tình trạng sưng viêm của các mạch máu nhỏ và vừa trên toàn cơ thể, bao gồm cả động mạch vành cung cấp máu cho cơ tim, nguyên nhân gây bệnh chưa được làm rõ. Đặc biệt nguy hiểm là khi để bệnh lâu, trẻ bị biến chứng viêm tắc mạch vành dẫn đến giãn mạch vành. Từ đây sẽ dẫn đến tình trạng trẻ bị nhồi máu cơ tim như người lớn. Biến chứng này rất nguy hiểm và có thể tử vong.
Bệnh lý này thuộc dạng mắc phải ở trẻ em. Căn bệnh này rất hiếm gặp và tùy theo từng quốc gia, song thường gặp ở các nước châu Á, đặc biệt là ở Nhật Bản. Ước chừng khoảng 50-100 trường hợp/100.000 dân. Bệnh lý này nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời có thể gây tổn thương tất cả động mạch trung bình và động mạch nhỏ, làm tổn thương các nội mạc. Đặc thù là động mạch vành bên phải bị tổn thương nhiều dẫn đến tình trạng giãn, phình động mạch. Tình trạng này hình thành nên huyết khối tiếp tục gây tắc động mạch vành bên phải, dẫn đến nguy cơ nhồi máu cơ tim cấp hoặc nghiêm trọng hơn là vỡ ra gây nên chèn ép tim cấp và có thể dẫn đến đột tử.
Để tránh việc phát hiện và điều trị chậm trễ đối với bệnh lý nguy hiểm này, TS-BS chuyên khoa II Lê Thành Khánh Vân khuyến cáo khi phát hiện trẻ có bệnh lý về tim mạch từ bẩm sinh cho đến mắc phải, cần đưa trẻ đến các bệnh viện có chuyên khoa sâu về tim mạch tại TP HCM cũng như trên cả nước để được thăm khám và điều trị kịp thời. Việc điều trị đúng chuyên môn, can thiệp đúng thời điểm sẽ tránh được những hệ lụy đáng tiếc về sau.
Những vấn đề phụ huynh lưu ý
Phụ huynh cần biết rõ những thông tin về bệnh, để tránh nhầm lẫn với bệnh khác (tưởng trẻ sốt vì mọc răng, sốt xuất huyết, viêm mắt đỏ). Bệnh này rất khó phát hiện vì triệu chứng thường xuất hiện không đầy đủ cùng lúc trong giai đoạn đầu. Đã có những trường hợp bệnh tự lành khiến phụ huynh chủ quan dù sau đó tái đi tái lại nhiều lần. Chỉ đến khi trẻ có biến chứng tim mới phát hiện thì đã để lại nhiều hậu quả nghiêm trọng.
Cách duy nhất để bảo vệ trẻ là luôn cẩn thận theo dõi khi con bị sốt kéo dài. Trẻ sốt 2-3 ngày thì đưa đến bệnh viện thay vì chủ quan chỉ chăm sóc tại nhà. Nếu được phát hiện bệnh trong vài ngày đầu thì không nguy hiểm vì bệnh có thể được điều trị hiệu quả. Đặc biệt, nếu phát hiện bệnh trong vòng 10 ngày kể từ khi mắc phải, các bác sĩ có thể ngăn ngừa biến chứng ở tim. Trường hợp việc điều trị bệnh tiến triển tốt thì khoảng 48 giờ sau điều trị, bệnh sẽ lui dần, trẻ hết sốt và có thể về nhà.
Đăng thảo luận