Xã Tân Lộc (huyện Thới Bình, Cà Mau) vừa thu hoạch xong vụ lúa Hè – Thu, nông dân đang chuẩn bị đất tái vụ lúa mới. Điều đáng mừng năm nay trên địa bàn xã không còn thấy bóng dáng người dân cầm bộ dụng cụ kích điện đi theo sau máy gặt đập liên hợp để xiệt cá. Nguồn lợi cá non cũng từ đó được sản sinh khá nhiều ở các kênh, mương nội đồng.
Khác với các địa phương trong huyện, Công an xã đã phối hợp với Hội LHPN xã và Xã đoàn Tân Lộc ngoài việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, còn tổ chức phát động phong trào đổi các vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, dụng cụ kích điện (xiệt cá) lấy gạo, nhu yếu phẩm. Qua 2 đợt phát động chưa đầy 2 tháng, người dân đã tự nguyện giao nộp gần 60 bộ kích điện.
Ngay khi được địa phương tuyên truyền, ông Hữu Nghị (ấp 7, xã Tân Lộc, huyện Thới Bình) đã chủ động liên hệ và đem bộ dụng cụ xiệt cá trị giá 3,5 triệu đồng của gia đình dùng mưu sinh lâu nay đến trụ sở Công an xã Tân Lộc để giao nộp.
Người dân tự giác giao nộp bộ kích điện sẽ được hỗ trợ phần quà, nhu yếu phẩm
“Nhờ được xã tuyên truyền mà tôi thấy rõ được việc đánh bắt cá bằng kích điện là hết sức nguy hiểm và ảnh hưởng đến môi trường cũng như nguồn lợi thủy sản. Tôi sẽ vận động, tuyên truyền cho anh em gần nhà biết để đem nộp hết các dụng cụ xiệt, kiếm nghề khác mưu sinh”, ông Nghị chia sẻ.
Chi Hội LHPN ấp 7 (xã Tân Lộc, huyện Thới Bình) - Ngô Thị Phướng thông tin thêm: “Qua đợt phát động, các chị em phụ nữ đã hiểu và ủng hộ việc chung tay bảo vệ nguồn lợi thủy sản nên khi về nhà tích cực vận động chồng, con đem giao nộp bộ kích điện”.
Đợt phát động phong trào "đổi kích điện lấy quà" được xã Tân Lộc thực hiện từ ngày 19/8 đến hết ngày 20/10. Trong đợt cao điểm này, người dân khi đến giao nộp sẽ được hỗ trợ gạo, nhu yếu phẩm (thùng mì, dầu ăn…) Kinh phí này một phần được trích từ nguồn quỹ của xã, còn lại được vận động xã hội hóa.
Công an tiếp nhận, xin ý kiến tiêu hủy bộ kích điện người dân giao nộp
Ông Nguyễn Văn Toàn – Chủ tịch UBND xã Tân Lộc cho biết, chủ trương chống khai thác nguồn lợi thuỷ sản có tính huỷ diệt là rất lớn, phù hợp với tình hình thực tế của địa phương. Trên tinh thần đó, xã đã tuyên truyền, vận động sâu rộng đến nhân dân tự giác giao nộp các công cụ hỗ trợ, vũ khí, vật liệu nổ, dụng cụ kích điện để đổi lấy phần quà, nhu yếu phẩm.
“Qua đợt phát động, xã nhận thấy người dân nghiêm túc chấp hành và hưởng ứng nhiệt tình trong việc giao nộp kích điện. Hơn nữa, tình trạng xiệc cá trên đồng ruộng, hệ thống sông ngòi, kênh rạch không còn nữa. Từ đó, nguồn lợi cá đồng, cá dưới sông cũng sinh sôi khá phong phú, dồi dào và đang có tín hiệu phục hồi, phát triển”, ông Toàn cho hay.
Người dân dùng lưới bắt cá lớn, bảo vệ cá con
Theo ông Toàn, để khuyến khích người dân mưu sinh chính bằng nghề sử dụng kích điện đánh bắt mà tự nguyện giao nộp “cần câu” của gia đình, UBND xã đã chỉ đạo các ấp phối hợp các hội, đoàn thể cũng như các tổ trưởng tổ tiết kiệm vay vốn rà soát những trường hợp này được tiếp cận nguồn vốn để chuyển đổi ngành nghề phù hợp.
Ông Phan Hoàng Vũ – Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Cà Mau thông tin, thời gian qua, người dân đã tự nguyện giao nộp trên 1.800 bộ xung kích điện và các lực lượng chức năng địa phương đã xử phạt trên 500 vụ dùng xung kích điện để khai thác nguồn lợi thủy sản. “Chúng tôi sẽ tiếp tục duy trì, tăng cường cho đến khi nào chấm dứt hoàn toàn việc dùng xung kích điện để khai thác nguồn lợi thủy sản”, ông Vũ khẳng định.
Xem nhiềuXã hội
Bí thư Thành ủy Hà Nội: Đảng lãnh đạo toàn diện nhưng không bao biện, làm thay chính quyền
Xã hội
Chủ tịch nước Lương Cường và Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn dự triển lãm ‘Nhật báo Quốc hội’
Xã hội
Miền Trung, Nam Bộ tiếp tục mưa lớn
Xã hội
Gắn biển công trình trụ sở Công an quận Hoàn Kiếm, di sản kiến trúc cổ từ năm 1915
Xã hội
Đăng thảo luận