Việc ứng dụng các dịch vụ công trực tuyến cần phải làm bài bản và đến nơi đến chốn, tránh tình trạng "đánh trống bỏ dùi"
Tuần rồi, thiết bị (kiosk) đăng ký khám bệnh tự động của bệnh viện nơi tôi trở lại khám theo định kỳ bỗng dưng trở chứng. Không chỉ chạy lờ đờ, quẹt mã lúc được lúc không, có lúc máy bị treo cứng ngắt, không hiển thị đủ các phòng khám như trước. Nhiều người khám bệnh phải quay lại quầy đăng ký thủ công. Thiết bị hoạt động không hiệu quả bởi việc đặt máy tự động với những bộ phận điện tử và màn hình ở nơi nắng nóng, cảm ứng chất lượng thấp.
Một phụ huynh cuối năm học lên mạng ca cẩm. Từ đầu năm học, người này đã đăng ký và đóng lệ phí sử dụng sổ liên lạc và báo bài điện tử chạy trên điện thoại thông minh. Tưởng sẽ tiện lợi vì mọi thứ có thể được biết và thao tác trên ứng dụng; tuy nhiên, ứng dụng chỉ có thể cung cấp những thông tin cơ bản. Hằng ngày, cô giáo gửi thông tin bài vở ngày hôm sau để phụ huynh chuẩn bị cho con em. Ngặt nỗi, cô giáo lại gửi vào lúc 9-10 giờ đêm, phụ huynh và con em khó bề trở tay. Có báo bài điện tử nhưng cô giáo vẫn cứ theo cách truyền thống in thêm một mảnh giấy nhỏ kẹp trong cuốn sổ liên lạc giấy để phụ huynh đọc và ký tên.
Trong cuộc chạy đua chuyển đổi số, triển khai từ cấp trung ương tới cơ sở; các dịch vụ hành chính công và tiện ích công được số hóa đưa lên internet ngày càng nhiều. Theo thống kê, đến cuối tháng 10-2023, TP HCM đã triển khai 635/740 dịch vụ công trực tuyến, đến năm 2025 sẽ triển khai 100% dịch vụ công trực tuyến đến người dân; đồng thời đã tổ chức cấp 469.603 chữ ký số miễn phí cho người dân. Tại kỳ họp thứ 15, HĐND TP HCM đã thông qua chính sách áp dụng mức thu lệ phí bằng 0 đồng đối với 5 loại hồ sơ thủ tục hành chính áp dụng dịch vụ công trực tuyến toàn trình và một phần trên địa bàn.
Rất nhiều ứng dụng số trong lĩnh vực hành chính và dịch vụ công từ cấp phường - xã cho đến quận - huyện, rồi tỉnh - thành và ban ngành, cấp trung ương đang được triển khai. Có nhiều ứng dụng, tiện ích dùng chung bên cạnh những thứ của riêng từng ngành, từng địa phương. Tuy nhiên, cần hướng tới những ứng dụng dùng chung, đồng bộ, thống nhất để khai thác hiệu quả, tối ưu thế mạnh của hệ thống.
Việc ứng dụng các dịch vụ, tiện ích công trực tuyến cần phải làm bài bản và đến nơi đến chốn, tránh tình trạng "đánh trống bỏ dùi". Mặt khác, nơi triển khai cần cử cán bộ giám sát chặt chẽ, có các hình thức cho người dùng phản hồi. Cần bổ sung, điều chỉnh hay khắc phục ngay khi xảy ra vấn đề. Chẳng hạn bên cạnh các máy, các kiosk tự động cần có bảng hướng dẫn thao tác trực quan dễ hiểu, dễ làm cho người dùng; đồng thời có in số điện thoại trực để người dùng báo tin khi có sự cố.
Đăng thảo luận