“Dạt dào tình quê”
Tôi tình cờ gặp nhạc trưởng Lê Phi Phi (SN 1967), con trai nhạc sỹ Hoàng Vân từ đất nước Macedonia xa xôi về Quảng Bình làm cố vấn cho “Đêm nhạc Hoàng Vân - 60 năm vang mãi bài ca”, nhân 60 năm ca khúc Quảng Bình quê ta ơi! ra đời (1964 -2024). Đồng thời, chứng kiến cuộc gặp đầy xúc động giữa nhạc trưởng Lê Phi Phi và người con gái đầu Nguyễn Thị Thu Thủy (SN 1948) của cố Bí thư Tỉnh ủy Quảng Bình Nguyễn Tư Thoan - người đã gợi mở giúp nhạc sỹ Hoàng Vân viết nên ca khúc Quảng Bình quê ta ơi! “dạt dào tình quê” đến vậy.
Trong ngôi nhà 2 gác, nằm khiêm tốn trên con phố nhỏ Dương Văn An, TP. Đồng Hới, trước ban thờ tư gia của Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Tư Thoan, 2 người con của 2 nhân vật lớn, ngậm ngùi hồi tưởng về một thời khói lửa chiến tranh mà 2 người cha đáng kính, đáng tự hào của họ đã từng trải qua.
Lật giở những trang hồi ký của ba đã ố vàng theo thời gian, bà Thủy giới thiệu: Đảm nhiệm cương vị Bí thư Tỉnh ủy Quảng Bình từ năm 1961, ông Nguyễn Tư Thoan ngày đêm lăn lộn với thực tế ác liệt của một địa phương vừa là hậu phương nhưng cũng vừa là tiền tuyến. “Nhiều hôm ba lăn lộn ở ngoài cả ngày đến tối khuya mới về. Ăn vội bát cơm nguội, ba lại vùi đầu vào đống hồ sơ, giấy tờ chằng chịt sơ đồ giăng mắc. Ba nói, “muốn đánh thắng giặc trước hết phải ấm no đã”. Câu nói này của ba khiến tôi thắc mắc nhưng không dám hỏi. Bởi, không mấy khi ba “ấm no” như ba nói. Sau này tôi mới biết, hoá ra những sơ đồ giăng mắc ấy là bản thiết kế sơ bộ cho những công trình đại thủy nông, mang nước về tưới tắm cho ruộng đồng” - bà Thủy nhớ lại.
Bà Thủy tiếp câu chuyện: Sinh thời, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Bình Nguyễn Tư Thoan rất thích văn nghệ và yêu thơ nên ông rất quý văn nghệ sỹ, báo chí… Dù bận trăm công nghìn việc nhưng khi có đoàn văn công hay nhà văn, nhà thơ, nhà báo đến làm việc hoặc đi ngang qua Quảng Bình ông đều sắp xếp gặp gỡ, khi thì mời bữa cơm đạm bạc, hay gói quà quê từ khoai, sắn… “Nghe ba tôi kể lại rằng, đầu năm 1964, có đoàn văn nghệ sỹ trên đường vào Nam, ông đã tổ chức mời cơm khi họ đi qua Quảng Bình. Trong đoàn có nhạc sỹ Hoàng Vân đang bị ốm nặng. Thấy vậy ba khuyên ông không nên vào Nam và ba sẽ báo lên trên xin phép cho ông ở lại Quảng Bình sáng tác và giúp cho phong trào văn nghệ Quảng Bình. Sau này nghe nói, ý tứ và những địa danh là ba đã gợi ý cho nhạc sỹ Hoàng Vân đi thực tế, để rồi sau này vang lên đầy tự hào trong bài hát Quảng Bình quê ta ơi!” - bà Thủy kể.
Bản gốc ca khúc Quảng Bình quê ta ơi!
Với nhạc trưởng Lê Phi Phi, ấn tượng đầu tiên của anh về Quảng Bình là chiếc đài bán dẫn của Liên Xô mà Bí thư Tỉnh ủy Quảng Bình Nguyễn Tư Thoan tặng nhạc sỹ Hoàng Vân và được ông xem như báu vật, thường xuyên mang theo bên mình. Lớn lên thêm một chút, anh bắt đầu cảm nhận được tình cảm của người Quảng Bình dành cho ba mình qua những món quà quê nhân dịp lễ, Tết. “Không cao lương, mỹ vị, khi thì bao gạo, khi thì cân cá, mớ khoai… nhưng không năm nào đến dịp lễ, Tết lại không có quà của Quảng Bình gửi ra. Những món quà đơn sơ, mộc mạc nhưng thấm đẫm tình quê ấy đã nuôi lớn trong tôi một tình cảm đặc biệt với Quảng Bình” - nhạc trưởng Lê Phi Phi tâm sự.
Ca từ đi theo năm tháng
“Tôi còn nhớ khoảng trung tuần tháng 8/1964, khi đó tôi đang học lớp 10 thì được nhà trường gọi đi tập văn nghệ. Ca khúc mà chúng tôi tập là Quảng Bình quê ta ơi!, mới tinh chưa từng nghe ai hát bao giờ. Sau này tôi mới biết, khi nhận được bản thảo của ca khúc Quảng Bình quê ta ơi!, Tỉnh ủy Quảng Bình ngày đó ngay lập tức yêu cầu nhanh chóng phổ cập bài hát này về đến làng xã để kịp thời cổ vũ, động viên quân và dân trong đánh giặc và sản xuất” - bà Thủy nhớ lại.
Kết thúc Đêm nhạc Hoàng Vân - 60 năm vang mãi một bài ca, nhân kỷ niệm 60 năm ca khúc Quảng Bình quê ta ơi! ra đời vào tối ngày 5/7, nhạc trưởng Lê Phi Phi đã nhắn cho tôi qua điện thoại: “Anh vô cùng cảm động những ngày qua đã được sống trong một không khí rất gia đình cùng em và các bạn. Suốt đêm nhạc hôm nay, anh cứ ngồi lau nước mắt vì cảm động với tấm lòng của người dân Quảng Bình đối với ông. Nhưng lúc như thế này, anh nhớ ông vô cùng!”.
“Có một số thông tin nói rằng, bài hát Quảng Bình quê ta ơi! được bố sáng tác tại trận địa pháo, hay ở Hà Nội, nhưng chính xác là ông cụ sáng tác tại Hợp tác xã nông nghiệp Đại Phong, huyện Lệ Thủy. Thông tin này tôi cũng chỉ mới biết cách đây hơn 2 năm, khi có một người cựu chiến binh liên lạc và nói muốn tặng lại cho gia đình tôi bản gốc của bài hát Quảng Bình quê ta ơi!. Vị cựu binh này kể, vì quá yêu bài hát này mà ông đã tìm đến nhạc sỹ Hoàng Vân. Sau một hồi trò chuyện, nhạc sỹ Hoàng Vân đã tặng ông bản gốc của bài hát Quảng Bình quê ta ơi! và ông gìn giữ như báu vật cho đến ngày nay” - nhạc trưởng Lê Phi Phi kể.
Nhạc trưởng Lê Phi Phi trao tặng bản gốc ca khúc Quảng Bình quê ta ơi! cho tỉnh Quảng Bình trong Đêm nhạc Hoàng Vân - 60 năm vang mãi một bài ca.
Lí giải về sự “cho đi” bản gốc của ca khúc Quảng Bình quê ta ơi!, nhạc trưởng Lê Phi Phi nói: Với nhạc sỹ Hoàng Vân, cả cuộc đời ông gần như chỉ biết cống hiến cho âm nhạc mà không hề giữ thứ gì cho riêng mình. Ông là người rất trân trọng khán giả, nên khi ai đó muốn xin bản nhạc nào đó làm kỷ niệm, ông thường viết lại bằng tay. Có thể, khi vị cựu binh này xin bản nhạc, có lẽ do vội không kịp chép lại nên ông đã tiện thể lôi bản nhạc gốc Quảng Bình quê ta ơi! ra tặng mà không hề toan tính, nghĩ suy.
Nói về ca khúc Quảng Bình quê ta ơi!, nhạc trưởng Lê Phi Phi cho rằng, nhạc sỹ Hoàng Vân sáng tác rất nhiều bài hát nổi tiếng trên nhiều lĩnh vực nhưng ông vẫn luôn xem ca khúc Quảng Bình quê ta ơi! như “đứa con cưng” của mình. Quảng Bình quê ta ơi! có ảnh hưởng bởi chất liệu âm nhạc dân gian Hò khoan Lệ Thủy, nhưng được sử dụng một cách chủ động và biến hoá theo phong cách riêng. Khi mượt mà, êm dịu như lời ru, khi tươi vui, khỏe khoắn, khi trĩu nặng sâu lắng, khi lại thân thiết mộc mạc như lời trò chuyện, dặn dò nhau…, nên ca khúc Quảng Bình quê ta ơi! dễ thấm vào lòng người, đi đến đâu cũng được yêu thích. “Tự hào lắm chứ, khi giữa trời Tây, trong những bữa tiệc sum họp, dù không phải là con em Quảng Bình nhưng ca khúc Quảng Bình quê ta ơi! vẫn luôn được vang lên như một sự kết nối linh thiêng nào đó của những con người xa Tổ quốc” - nhạc trưởng Lê Phi Phi tâm sự.
“Tôi đã đi nhiều vùng miền, sáng tác hàng trăm ca khúc về những nơi đó, về các ngành nghề... Nhưng Quảng Bình quê ta ơi! có lẽ là 1 trong những ca khúc mà chính tôi, người dân Quảng Bình và nhân dân cả nước yêu thích và luôn luôn hát nó với một tình cảm đặc biệt qua nhiều thế hệ. Quảng Bình luôn ở trong trái tim tôi”
Nhạc sĩ Hoàng Vân
Nhạc trưởng Lê Phi Phi nói, trong chuyến trở về Quảng Bình lần này, anh đã thực hiện được ước nguyện ấp ủ bây lâu nay là theo dấu chân cha, trở lại những vùng đất, địa danh mà nhạc sỹ Hoàng Vân đã từng qua để làm nên ca khúc Quảng Bình quê ta ơi!: Một Cảnh Dương “đứng nơi đầu sóng gió”, một Bến Tiến với “tay cuốc khai hoang đã đẩy lùi quá khứ nghèo nàn”, hay Rào Nan, Cự Nẫm “nay đã đổi mới muôn màu”… đã tận thấy “mỗi một ngày qua quê ta trưởng thành” và đang cùng nhau “giữ lấy những gì mà ta yêu quý”.
Xem nhiềuVăn hóa
Nguyên nhân bà Xuân Hòa - chủ phòng trà Tiếng Xưa - đột ngột qua đời
Văn hóa
Biệt thự 100 tuổi trong phim 'Người đẹp Tây Đô' trước nguy cơ bị xóa sổ
Văn hóa
12 tỷ đồng để nâng cấp Khu lưu niệm nữ tướng Nguyễn Thị Định
Văn hóa
Làm thiện nguyện chuyên nghiệp
Văn hóa
Đăng thảo luận
2024-10-24 10:24:44 · 来自61.234.188.109回复