Thực tế cho thấy số lượng bệnh nhân đông chỉ xuất hiện cục bộ ở một số thời điểm trong ngày

Tình trạng quá tải tại nhiều bệnh viện tuyến tỉnh, trung ương thường xuyên diễn ra. Các bệnh viện đã có hàng loạt giải pháp để giảm tải, trong đó có việc tổ chức khám bệnh đến khuya.

Chọn giờ khám, chọn bác sĩ theo nhu cầu

Chị Phạm Thùy Dương (ngụ Hà Nội) là một trong số gần 200 bệnh nhân đăng ký khám bệnh ca tối tại Bệnh viện Bạch Mai sau khi bệnh viện này tổ chức khám đến 21 giờ.

"Việc bệnh viện triển khai khám bệnh ngoài giờ rất phù hợp với người làm trong giờ hành chính và ở xa. Mỗi khi cần đi khám bệnh, tôi không phải xin nghỉ phép như trước" - chị Dương cho hay.

Theo bà Nguyễn Thị Xuân (ngụ Hà Nội), dù nhà cách Bệnh viện Bạch Mai không quá xa nhưng mỗi lần đi khám, bà phải chờ 1-2 giờ mới tới lượt; đợi bác sĩ đọc kết quả thì đã 15-16 giờ. Thế nhưng, khi đi khám buổi tối, bà chỉ mất 10 phút làm thủ tục rồi vào phòng khám để bác sĩ thăm khám, hỏi bệnh.

 Khám bệnh ca đêm: Chưa nên nhân rộng 第1张

Người dân đến khám bệnh tại Bệnh viện Bạch Mai trong buổi tối

Có mặt tại Bệnh viện Bạch Mai từ 17 giờ, ông Hoàng Thanh Đức (ngụ tỉnh Hải Dương) chia sẻ khi nghe tin bệnh viện khám ngoài giờ, ông đã cùng vài người trong gia đình thuê xe để đến thăm khám...

Theo PGS-TS Đào Xuân Cơ, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, mỗi ngày bệnh viện tiếp nhận 6.000-8.000 bệnh nhân ngoại trú đến khám. Bệnh viện cũng luôn có khoảng 4.000 bệnh nhân nội trú nằm điều trị. Quyết định khám thêm giờ buổi tối được thực hiện trong bối cảnh số lượng bệnh nhân đến khám và chữa bệnh tại bệnh viện tăng cao. Có ngày, lượng bệnh nhân đến khám cao kỷ lục với 10.000 người/ngày, hầu hết dồn vào buổi sáng nên gây ùn tắc.

Từ ngày 1-8, Bệnh viện Bạch Mai mở thêm giờ khám từ 17 giờ đến 21 giờ (từ thứ hai đến thứ sáu) với đầy đủ các chuyên khoa khám, xét nghiệm, chiếu chụp nhằm tạo thuận tiện cho bệnh nhân và giảm quá tải. Để giúp người dân giảm bớt thời gian chờ đợi, Bệnh viện Bạch Mai có phương án đặt lịch khám qua điện thoại, ai có nhu cầu thì đăng ký. Với hệ thống đặt lịch khám trực tuyến, bệnh nhân giờ đây có thể chủ động chọn khung giờ khám phù hợp, tránh được tình trạng chờ đợi.

"Việc bệnh viện khám bệnh thêm vào buổi chiều tối, ngoài giờ không chỉ giúp người dân chủ động sắp xếp thời gian mà còn có cơ hội đặt lịch khám dễ dàng hơn, có nhiều lựa chọn hơn trong khung giờ khám và chọn bác sĩ khám theo nhu cầu" - ông Cơ nhìn nhận.

Bác sĩ Trần Minh Thảo, Phó trưởng Khoa Khám bệnh theo yêu cầu - Bệnh viện Bạch Mai, cho biết người dân đến khám ca tối thì sẽ vắng hơn, không phải chờ đợi lâu. Các xét nghiệm cũng 2-3 giờ là có kết quả. Những bệnh nhân vừa đến khám ca tối đều vui mừng vì việc khám bệnh diễn ra thuận tiện, nhanh chóng.

"Quá tải giả", dồn ứ cục bộ

Tuy nhiên, đánh giá về mô hình khám bệnh buổi tối, trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, lãnh đạo một số bệnh viện tuyến trung ương cho rằng chưa nên nhân rộng hình thức này. Đại diện một bệnh viện tuyến cuối cho rằng quá tải ở một số bệnh viện hiện nay là "quá tải giả". Thực tế, số lượng bệnh nhân đông chỉ xuất hiện cục bộ ở một số thời điểm, khung giờ chứ không diễn ra trong cả buổi sáng hoặc ngày làm việc.

Theo lãnh đạo các bệnh viện, người dân đi khám bệnh, nhất là người ở tỉnh xa, thường chọn buổi sáng vì họ có thể đi từ sáng sớm. Khi làm xong các xét nghiệm, bác sĩ đọc kết quả, kê đơn thuốc..., họ có thể về nhà ngay trong ngày. Trong khi đó, nếu bệnh viện huy động một lực lượng lớn nhân viên, vận hành máy móc, tiêu thụ điện nước chỉ để phục vụ một số đối tượng là công chức, số ít người dân do không có thời gian khám bệnh ban ngày là lãng phí.

"Ngành y là ngành đặc thù, nguy cơ rủi ro rất cao, nhiều áp lực, không chỉ con người cần nghỉ ngơi theo nhịp sinh học mà máy móc cũng vậy. Do đó, chỉ nên làm việc trong giờ hành chính theo quy định để các y - bác sĩ có thời gian nghỉ ngơi, tái tạo sức lao động. Khi cơ thể mệt mỏi dẫn đến việc cáu kỉnh, dễ sai sót" - lãnh đạo một bệnh viện lo ngại.

Việc khám bệnh buổi tối để giảm tải cho ban ngày cũng được nhiều bác sĩ và lãnh đạo một số bệnh viện cho rằng không khả thi. Nếu quá tải thực sự thì chỉ cần mở thêm các phòng khám vào giờ cao điểm, tổ chức phân luồng, hướng dẫn người bệnh, ứng dụng công nghệ thông tin…, sao cho việc khám bệnh, chụp chiếu, xét nghiệm diễn ra thuận lợi, nhanh chóng.

Một số bác sĩ cho biết dù các bệnh viện đều có nhân viên hướng dẫn nhưng không ít bệnh nhân phàn nàn đến bệnh viện mà như "vào mê hồn trận", không biết đi đường nào, làm thủ tục sao cho nhanh. Ngay cả những bệnh viện lớn như Việt Đức, Bạch Mai, Lão khoa, Xanh Pôn, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội... cũng có những thời điểm vào buổi sáng rất đông nhưng đến chiều chỉ rải rác bệnh nhân đến khám.

Trước đó, một bệnh viện ở Hà Nội từng tổ chức khám bệnh ngoài giờ. Song, chỉ sau một thời gian thực hiện, bệnh viện đã ngưng mô hình này. 

Giải pháp tạm thời

PGS-TS-BS Vũ Văn Giáp, Phó Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, đánh giá việc tăng cường ca khám bệnh buổi tối là một trong những giải pháp để phục vụ người dân tốt hơn, giảm tải cho ca khám trong ngày. Tuy nhiên, đây chỉ là giải pháp tình thế, tạm thời. Về lâu dài, cần phải tăng cường chất lượng khám chữa bệnh tuyến dưới, giúp người dân yên tâm khám chữa bệnh tại địa phương, không dồn lên tuyến trung ương, gây quá tải.

Theo lãnh đạo Bệnh viện Bạch Mai, hơn 2.000 chuyên gia, bác sĩ, điều dưỡng, kỹ thuật y, người lao động của bệnh viện đăng ký tự nguyện làm ngoài giờ. Trong đó, hơn 500 chuyên gia, bác sĩ lâm sàng, cận lâm sàng sẵn sàng làm việc trong khung giờ khám chữa bệnh ngoài giờ hành chính. Đặc thù của ngành y là làm việc theo ca kíp, Bệnh viện Bạch Mai sẽ chủ động bố trí nhân lực phù hợp để nhân viên được nghỉ ngơi, dành thời gian cho gia đình, không phải làm việc quá tải. Bệnh viện đã xây dựng lịch làm việc khoa học để bảo đảm sức khỏe cho nhân viên mà vẫn phục vụ được bệnh nhân tốt nhất.