Trùng trùng quân đi như sóng,/Lớp lớp đoàn quân tiến về,/Chúng ta nghe vui lúc quân thù đầu hàng, cờ ngày nào tung bay trên phố.../Năm cửa ô đón mừng đoàn quân tiến về,/Như đài hoa đón mừng, nở năm cánh đào, chảy dòng sương sớm long lanh.
Bài hát không chỉ thể hiện tài năng của nhạc sỹ, mà còn là một dự báo tương lai đúng như những sự kiện diễn ra trong ngày đoàn quân chiến thắng trở về tiếp quản Thủ đô.
Bác sỹ Trần Duy Hưng vẫy tay chào đồng bào Hà Nội. Ảnh: Vũ Minh
Số nhà báo chụp ngày giải phóng Thủ đô không nhiều, kể cả các nhà báo từ kháng chiến về, các nhiếp ảnh gia tại chỗ và các phóng viên nước ngoài như phóng viên tạp chí Life, BBC... Song bên cạnh các nhà báo được phép tác nghiệp công khai tại hiện trường, tác phẩm của họ được đăng tải trên các tờ báo trong nước và quốc tế, còn có một lực lượng nghiệp dư khá đông, họ đứng đâu đó: trên ban công nhà mình hay men các đường phố nơi có đoàn quân đi qua, họ bấm máy với tất cả cảm xúc... Những bức ảnh đó ít được công bố trên các phương tiện thông tin đại chúng. Nhưng tôi tin, số ảnh đó không phải là ít, trong đó có nhiều tác phẩm rất sinh động, bởi họ chụp “lén”, tự nhiên, không bố trí dàn dựng, với một tình cảm chân thành xúc động thật sự.
Với những tác phẩm ảnh được công bố lâu nay do các phóng viên chụp, trước hết phải kể đến hai bức ảnh tư liệu mang tính thời sự nóng hổi (vào thời điểm đó) là: “Những tên lính Pháp rút khỏi bốt Hàng Đậu” và “Những tên lính Pháp cuối cùng rút khỏi Hà Nội qua cầu Long Biên”, của phóng viên ảnh Quân đội Nhân dân Việt Nam cố nghệ sỹ Triệu Đại, người mà trước đó không lâu đã gặt hái được một bộ ảnh chiến thắng Điện Biên Phủ “chấn động địa cầu”, trên 56 tác phẩm, là những tác phẩm có nội dung phong phú nhất, mang tính sử thi hoành tráng, có giá trị lịch sử lớn, sức lan tỏa rộng và sống mãi với thời gian. Trong lúc đó, nhiếp ảnh gia Vũ Minh ở ngay Hà Nội, phấn khởi trước sự kiện lịch sử có một không hai, chỉ có thể sánh với chiến thắng Đống Đa - Ngọc Hồi cách nay 235 năm do Quang Trung-Nguyễn Huệ lãnh đạo đã đánh tan 29 vạn quân Thanh, giải phóng hoàn toàn Thăng Long, đã nhanh chóng ghi được cảnh “Nhân dân Thủ đô tràn ra đường nồng nhiệt đón chào đoàn quân chiến thắng trở về Thủ đô” và hình ảnh “Chủ tịch Trần Duy Hưng đứng trên xe mui trần vào tiếp quản Thủ đô, vẫy tay chào đồng bào Hà Nội”.
Đoàn quân chiến thắng vào tiếp quản Thủ đô.
Không khí của Thủ đô ngày ấy, như nghệ sỹ Quang Phùng (làm việc cho UB Giám sát Quốc tế về Việt Nam) kể: Khi các đơn vị quân đội của Trung đoàn Thủ đô, Đại đoàn 308, từ năm cửa ô tiến vào trung tâm thành phố, ngày 10/10/1954, người Hà Nội trong những bộ trang phục đẹp, đầy màu sắc, mang cờ hoa và ảnh Bác Hồ kính yêu đứng dọc hai bên phố, vẫy tay chào đoàn quân chiến thắng. Trên cổng các công sở, trường học, bệnh viện... và khắp các phố phường đều được trang hoàng cờ hoa rực rỡ và ảnh Bác Hồ.
Trong niềm vui hân hoan chờ đợi, đoàn xe đầu tiên tiến vào thành phố là của Thiếu tướng Vương Thừa Vũ, Tư lệnh Đại đoàn 308, Chủ tịch Ủy ban Quân chính Thủ đô và bác sỹ Trần Duy Hưng, Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến Hành chính Hà Nội đi qua phố Hàng Đào để vào trung tâm thành phố với nụ cười rạng rỡ, vẫy tay chào bà con Hà Nội thân yêu đã 9 năm xa cách, mà lòng vẫn canh cánh nhớ nhung...
Tác nghiệp tại hiện trường sự kiệt đặc biệt này, ngoài một số phóng viên quân đội như Triệu Đại, Đinh Ngọc Thông, Nguyễn Đình Ưu... còn có nghệ sỹ Hữu Cây, và một số nhà báo của tạp chí Life. Hữu Cây với bức ảnh “Một đơn vị của Trung đoàn Thủ đô, Đại đoàn 308, giương cao lá cờ “Quyết chiến Quyết thắng” do Chủ tịch Hồ Chí Minh trao tặng tham dự lễ chào cờ” và tác phẩm “Thiếu tường Vương Thừa Vũ, Tư lệnh Đại đoàn 308, Chủ tịch Ủy ban Quân chính Hà Nội, đọc lời kêu gọi của Hồ Chủ tịch gửi đồng bào tại lễ chào cờ đầu tiên trong ngày giải phóng Thủ đô”.
Đặc biệt bộ ảnh quý của nghệ sỹ Nguyễn Duy Kiên là hình ảnh những ngày bộ đội ta vào tiếp quản Hà Nội. Trong đó đáng quan tâm nhất là tác phẩm “Ngày giải phóng thủ đô”, từ góc độ trên cao, Nguyễn Duy Kiên đã thu được toàn cảnh Đại đoàn 308, đi đầu là Trung đoàn Thủ đô đang tiến vào Quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục. Cả biển người cuồn cuộn như sóng dậy đón mừng ngày giải phóng, tràn đầy khí thế và niềm vui rạng ngời của người chiến thắng với đầy đủ gương mặt nam phụ lão ấu. Nét hoành tráng của tác phẩm gợi mở sự liên tưởng người Hà Nội như đang ôm ấp đoàn quân thân yêu vào tiếp quản Thủ đô.
Phóng viên tạp chí Life có bộ ảnh ngày Giải phóng Thủ đô rất có giá trị tư liệu lịch sử, nhưng đáng nhớ nhất là tác phẩm “Toàn cảnh các đơn vị của Đại đoàn 308 tiến hành nghi lễ chào cờ”.
Phố Hàng Đào ngày tiếp quản. Ảnh: Lê Sửu
Chụp ảnh ngày Giải phóng Thủ đô còn có nghệ sỹ, nhà báo Nguyễn Bá Khoản, người nổi tiếng với tác phẩm “Đoàn quân Nam tiến”. Sáng ngày 10/10/1954, nhiếp ảnh gia Nguyễn Bá Khoản, đứng chờ sẵn ở trước chợ Hàng Da, Hà Nội, khi đoàn quân vào tiếp quản Thủ đô đi ngang qua vẩy chào người dân Hà Nội, ông đã kịp thời ghi được “khoảnh khắc vàng” khi một số nam nữ thanh niên ùa ra ôm chầm lấy những chàng lính trẻ vừa ở chiến trường trở về, thân tình như người thân ruột thịt đã lâu năm xa cách.
Đã 70 năm trôi qua (1954 - 2024), những ai từng chứng kiến đoàn quân chiến thắng tiến về giải phóng Thủ đô, ngày 10/10/1954, hẵn còn nhớ bức ảnh của một người dân bình thường, một nhiếp ảnh nghiệp dư, nhưng say mê nghề - anh Lê Sửu - lúc đó mới 17 tuổi, ở phố Hàng Đào, quận Hoàn Kiếm. Anh đã ghi được khoảnh khắc lịch sử, khi đoàn quân đầu đầu tiên tiến vào tiếp quản thủ đô đi qua phố Hàng Đào. Bức ảnh có chú thích đơn giản “Phố Hàng Đào trong ngày tiếp quản”. Trong ảnh là một cậu bé khoảng 6, 7 tuổi (em ruột của anh Sửu), khuôn mặt bầu bĩnh, ngây thơ, tay cầm cờ đỏ sao vàng vẫy chào các chú bộ đội pháo binh hùng dũng.
Sẽ là thiếu sót khi viết về ngày Thủ đô giải phóng, mà không nói đến các hình ảnh vô cùng xúc động đã được cố nghệ sỹ Đinh Đăng Định (một nhiếp ảnh gia nổi tiếng, chuyên trách chụp Bác Hồ) ghi lại hình ảnh Bác Hồ trở lại Thủ đô. Trên đường về Hà Nội, Bác đã đến thăm Đền Hùng, Tại đây, Bác đã nói chuyện với bộ đội, với câu nói nổi tiếng:
Các Vua Hùng có công dựng nước
Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước
Cùng với bức ảnh trên, cố nghệ sỹ Đinh Đăng Định còn có cả một loạt tác phẩm mô tả cuộc mít tinh của nhân dân Hà Nội nồng nhiệt chào đón Trung ương Đảng, Chính phủ và Bác Hồ tiếp quản Thủ đô, sau 9 năm chiến đấu gian khổ.
Địa danh lịch sử gắn liền với 70 năm Giải phóng Thủ đô 08/10/2024 Thời tiết Hà Nội dịp Lễ Kỷ niệm 70 năm Giải phóng Thủ đô 08/10/2024 Hình ảnh ấn tượng tái hiện ngày giải phóng Thủ đô 70 năm trước 06/10/2024Xã hội
Trở lại nơi bùng phát dịch bạch hầu
Phóng sự
70 năm giải phóng Thủ đô: Cựu chiến binh kể chuyện tiếp quản Hà Nội
Xã hội
Nơm nớp trong nhà cổ phố Hội
Phóng sự
Chuyện ba cha con liệt sĩ gắn với những ngôi nhà Hà Nội
Phóng sự
Đăng thảo luận