Do chưa đủ tuổi lao động hoặc vì một số lý do cá nhân nhiều người đã mượn hồ sơ của người thân, bạn bè để xin việc làm và tham gia BHXH
Hiện tượng mượn hồ sơ lý lịch trong quá trình làm việc vừa được BHXH Việt Nam cảnh báo và cho biết sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng nhằm làm rõ và xử lý các hành vi này.
Nhiều rủi ro
Bà V.T.T., 58 tuổi ở TP HCM phải mất hơn 3 năm cầu cứu khắp nơi với hy vọng nhận được lương hưu, sau gần 22 năm tham gia BHXH.
Bà T. cho biết trước đó vì gia cảnh khó khăn, trình độ không có, nên bà rất khó xin việc. Tháng 5-1996, em gái bà lại được 2 công ty cùng lúc nhận vào làm việc. Đang thất nghiệp, nên bà T. đã "thế chân" em gái vào làm tại một công ty và đóng BHXH dưới tên người em. Do ngày càng lớn tuổi, sợ mất việc nên bà giữ kín việc mượn danh em gái để làm việc.
Cuối năm 2020, công việc kinh doanh của công ty gặp khó khăn do dịch COVID-19, bà T. phải nghỉ việc. Lúc này, bà cũng đủ tuổi nghỉ hưu và làm thủ tục hưởng chế độ thì bắt đầu gặp vướng mắc.
Gần 3 năm qua kể từ lúc nghỉ việc, bà T. mang hồ sơ đến nhiều cơ quan chức năng như: BHXH TP HCM, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH), Thanh tra Sở, UBND, TAND TP HCM… khẩn thiết nhờ giải quyết chế độ hưu trí. Tuy nhiên, quá trình "trả lại" tên và quyền lợi cho bà T. gặp nhiều khó khăn.
Đầu năm 2024, BHXH TP HCM đã rà soát hồ sơ và căn cứ các quy định pháp luật để chính thức ban hành quyết định hưởng chế độ hưu trí hằng tháng đối với bà V.T.T. Từ tháng 7-2021, bà T. được hưởng lương hưu hơn 3 triệu đồng/tháng, đồng thời được cấp thẻ BHYT miễn phí. Cùng đó, bà T. còn được truy lĩnh tiền lương hưu gần 4 năm, tính từ thời điểm 1-7-2021.
Ông Đỗ Ngọc Thọ, Trưởng Ban Thực hiện chính sách BHXH (BHXH Việt Nam), cho rằng việc mượn hồ sơ đi làm là sai, nhưng cần xét đến yếu tố lịch sử và hoàn cảnh, để có sự thấu hiểu và tìm cách giải quyết cho NLĐ. Nguyên nhân khiến NLĐ phải mượn hồ sơ do không đáp ứng điều kiện về tuổi đời; hoặc có giai đoạn một số DN hạn chế tuyển dụng người ở một số tỉnh, nên NLĐ phải mượn hồ sơ đi làm…
"Thời điểm đó, công nghệ thông tin chưa đồng bộ như bây giờ để phát hiện ngay thông tin người tham gia bị trùng. Về hình thức là sai nhưng thực tế NLĐ có trích lương tham gia BHXH, nên họ cần được hưởng quyền lợi dựa trên sự đóng góp đó" - ông Thọ nói.
Người lao động làm thủ tục tại BHXH TP HCM. Ảnh: CAO HƯỜNG
Nguy cơ bị "treo" quyền lợi
Tại hội nghị giao ban tháng 9 mới đây, BHXH Việt Nam cho biết qua rà soát dữ liệu dân cư, đơn vị nhận thấy có tình trạng NLĐ mượn hồ sơ đi làm để hưởng lương hưu hằng năm, qua đó trục lợi quỹ BHXH.
Trước đó, năm 2023, BHXH cảnh báo về tình trạng NLĐ mượn hồ sơ tư pháp đi làm, tham gia đóng BHXH tập trung tại các tỉnh có nhiều KCN lớn như Bình Dương, Đồng Nai, Long An, Quảng Ninh, TP HCM, Bình Phước, Vĩnh Phúc…. Nguyên nhân của tình trạng trên được cho là do không đáp ứng được điều kiện tuyển dụng của người sử dụng lao động như tuổi đời, bằng cấp chuyên môn, địa bàn nơi cư trú… nên NLĐ giả mạo hồ sơ.
Theo BHXH Việt Nam, việc NLĐ mượn hồ sơ tư pháp của người khác để đi làm và tham gia BHXH là vi phạm khoản 1, điều 137, Luật BHXH. Tình trạng này không chỉ gây khó khăn đối với cơ quan BHXH trong việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao mà còn ảnh hưởng đến quyền lợi chính đáng của NLĐ.
Thời gian qua, cơ quan BHXH gặp nhiều vướng mắc trong xử lý các tình huống phát sinh trong thực tiễn, chưa có hướng giải quyết đối với các trường hợp đã hưởng chế độ BHXH. Theo các chuyên gia, hiện tượng mượn hồ sơ lý lịch chủ yếu là người trong gia đình mượn tên, tuổi, nghề nghiệp. Sau đó, họ xin việc làm và tham gia BHXH.
Trước đây cơ quan BHXH chủ yếu giải quyết bằng cách cho 2 người trong gia đình này đến UBND xác nhận, điều chỉnh tên, điều chỉnh tuổi... để hưởng chính sách. Gần đây, theo quy định của pháp luật, phải đưa ra tòa án quyết định tuyên là hợp đồng này vô hiệu thì NLĐ mới được hưởng đúng chính sách bảo hiểm.
“Ngậm quả đắng” vì mượn tên đi làm
Mượn tên người khác để đi làm
Để xử lý vấn đề này trước hết, người cho mượn hoặc người mượn hồ sơ tư pháp phải nộp đơn khởi kiện gửi tòa án nơi DN mà người mượn hồ sơ làm việc đặt trụ sở để đề nghị tòa án tuyên hợp đồng lao động (ký kết bằng hồ sơ của người khác) là vô hiệu. Sau đó, người này trở về công ty ký lại hợp đồng chính chủ. Từ đây, cơ quan BHXH mới có căn cứ để cấp sổ BHXH mới chính chủ cho NLĐ, cũng như xem xét, giải quyết chế độ BHXH của NLĐ cho mượn hồ sơ.
Các trường hợp trùng thông tin BHXH xảy ra là do người mượn hồ sơ đi làm việc ở các tỉnh, nên nếu NLĐ muốn khởi kiện phải nộp đơn đến tòa án địa phương nơi DN đó đặt trụ sở để thực hiện thủ tục khởi kiện. Tuy nhiên, có công ty nơi người mượn hồ sơ tham gia làm việc đã giải thể, phá sản hoặc người mượn hồ sơ chết, mất tích.
Những vướng mắc này hiện chưa có hướng giải quyết do không tồn tại chủ thể, đối tượng để có thể yêu cầu tòa án giải quyết. Việc này sẽ dẫn đến sổ BHXH của người cho mượn vẫn bị treo và NLĐ mất hết toàn bộ quyền lợi trước và sau này.
Người lao động cần trung thực
Việc mượn hồ sơ lý lịch trong quá trình làm việc là hành vi giả mạo hồ sơ, gây ra nhiều hệ lụy. NLĐ cần đặt yếu tố trung thực lên hàng đầu khi cung cấp thông tin, hồ sơ và tài liệu liên quan của bản thân trong quá trình giao kết hợp đồng lao động, để tránh bị ảnh hưởng quyền và lợi ích hợp pháp của chính mình.
Việc mượn hồ sơ lý lịch trong quá trình làm việc là hành vi giả mạo hồ sơ, gây ra nhiều hệ lụy. NLĐ cần đặt yếu tố trung thực lên hàng đầu khi cung cấp thông tin, hồ sơ và tài liệu liên quan của bản thân trong quá trình giao kết hợp đồng lao động, để tránh bị ảnh hưởng quyền và lợi ích hợp pháp của chính mình.
Đăng thảo luận