Nếu đặt niềm tin vào tình yêu, hạnh phúc thì vẫn có cơ hội để yêu thương và được yêu thương

Ngọc Quý (27 tuổi, ngụ quận 10, TP HCM) nhớ như in hình ảnh giận dữ của ba, tiếng quát tháo của mẹ vào một buổi chiều của 18 năm trước. Đó cũng là lý do khiến chị chủ động chia tay người yêu sau 3 năm gắn bó.

Vết thương vẫn đau nhói

"Anh ấy giục kết hôn nhưng hình ảnh ngày xưa của ba mẹ khiến tôi luôn mang cảm giác sợ bị bỏ rơi, sợ lấy chồng, sợ làm khổ con… nên quyết định chia tay" - chị Ngọc Quý kể.

Ba mẹ chị đến với nhau bằng tình yêu. Dù ông bà ngoại kịch liệt phản đối khi biết ba chị có máu bài bạc, mẹ chị vẫn tin sẽ thay đổi được người yêu nên bỏ qua mọi lời khuyên răn lẫn ngăn cản.

Năm Ngọc Quý 7 tuổi, ba chị bị cho nghỉ việc tạm thời. Không kiếm được công việc mới, bị bạn bè rủ rê, ông sa vào bài bạc, rượu chè, nhiều lần trộm tiền của vợ. Từ dạo đó, ba mẹ Quý thường xuyên cãi vã. Đỉnh điểm là lần giang hồ đến nhà hăm dọa, đòi nợ, mẹ con chị run rẩy, sợ hãi. Buồn chồng, mang nỗi lo trả nợ, mẹ chị suy sụp tinh thần, nằm viện nhưng ba chị vẫn chứng nào tật nấy.

"Đến một ngày không chịu đựng nổi nữa, mẹ quyết định ly hôn. Một năm sau, mẹ qua đời, tôi về sống với bà ngoại còn ba biệt tích đến tận bây giờ. Tôi nhớ lúc đó đã rất sốc, thỉnh thoảng lại mơ thấy những lần ba mẹ cãi nhau, những lúc ba say vì thua bạc… Thức giấc, người tôi đẫm mồ hôi, thấy lòng trống trải" - Ngọc Quý chia sẻ.

Cũng bị ám ảnh vì sự đổ vỡ hôn nhân của ba mẹ, Hoàng Minh (30 tuổi, TP Thủ Đức, TP HCM) vừa chia tay mối tình nhiều năm gắn bó mà nguyên nhân vì anh luôn nghi ngờ, ghen tuông.

Năm Minh 10 tuổi, ba mẹ ly hôn vì mẹ anh ngoại tình, anh sống với ba. Được 2 năm, gia đình Minh có thêm mẹ kế và những đứa em, anh cảm thấy mình trở nên thừa thãi vì thiếu vắng sự quan tâm của mẹ kế lẫn ba ruột. Lễ hoặc Tết, cả nhà về bên gia đình mẹ kế, anh được gửi cho ông bà nội. Lâu lâu anh lại đau khi nghe bà chì chiết: "Làm gì thì làm, đừng có mất dạy như mẹ mày!".

"Giờ tôi sống một mình trong căn hộ tự thuê. Tôi yêu bạn gái nhưng trong tiềm thức, câu chuyện của mẹ khiến tôi mất niềm tin vào sự chung thủy của phụ nữ, thường suy nghĩ vẩn vơ, cứ sợ biết đâu sau này vợ trở thành phiên bản của mẹ mình. Vậy nên tôi thường ghen tuông vô cớ, lâu dần khiến cô ấy không chịu đựng được…" - anh Minh tâm sự.

 Ngại yêu sau đổ vỡ của cha mẹ 第1张

Với Nguyễn Kim Tuyền (35 tuổi, tỉnh Trà Vinh), trải qua 2 mối tình, ai cũng yêu thương Tuyền và có công việc ổn định nhưng vì mặc cảm về gia đình, mỗi khi bạn trai đặt vấn đề cưới hỏi, Tuyền lại né tránh. "Ba tôi là tài xế chạy xe đường dài, mẹ đi xuất khẩu lao động Đài Loan, hiếm khi về thăm con, thỉnh thoảng mới gọi điện một lần. Xa nhau lâu, tình cảm không còn, ba mẹ ly hôn. Ít lâu sau, khi tôi chừng 10-11 tuổi, ba rồi mẹ lần lượt thông báo cưới người khác, tôi chết lặng, thấy mình không khác trẻ mồ côi. Nghĩ lấy chồng chẳng may chia tay, con lại đau khổ như mình, tôi ngại" - chị Tuyền bày tỏ.

Đừng sợ yêu!

Chuyên gia tâm lý Trần Trung Kiên nhìn nhận những đứa trẻ lớn lên trong cảnh cha mẹ ly hôn thường gặp khó khăn với các mối quan hệ tình cảm vì luôn lo sợ, thành kiến với hôn nhân, tỉ lệ ly hôn cũng cao hơn.

  • Nỗi buồn hậu ly hôn

  • Ly hôn dưới góc nhìn của vợ và chồng

  • Ly hôn... lãng xẹt!

Tuy nhiên, thực tế có rất nhiều gia đình ấm êm, hạnh phúc. Vì vậy, hãy nhìn những gia đình hạnh phúc để thay đổi nhận thức, phá bỏ thành kiến. 

Đừng nghĩ cha mẹ ly hôn thì mình cũng sẽ đi vào vết xe đổ của họ, vì thực tế có những gia đình cha mẹ êm ấm, yêu thương nhau nhưng con cái vẫn ly hôn. 

Nếu đặt niềm tin vào tình yêu, hạnh phúc thì vẫn có cơ hội để yêu thương và được yêu thương. Ngược lại, sợ yêu, sợ đổ vỡ thì chắc chắn không thể có hạnh phúc.

"Hôn nhân xuất phát từ tình cảm lứa đôi. Kết hôn, thứ ràng buộc giữa hai người là sự cam kết về tình cảm, pháp luật, con cái, tài sản… 

Hạnh phúc gia đình bền vững hay không phụ thuộc vào sự lựa chọn đúng người, sự tôn trọng, yêu thương, chăm sóc, thấu hiểu, sẻ chia của bản thân và đối phương, không phụ thuộc vào cuộc hôn nhân của cha mẹ" - chuyên gia tâm lý Trần Trung Kiên nhấn mạnh.

Chuyên gia tư vấn tâm lý Phạm Thị Thanh Thúy (TP HCM) cũng cho rằng hôn nhân tan vỡ gây ra nhiều tổn thương tâm lý cho con cái. 

Nhiều người bị ám ảnh bởi hình ảnh đổ vỡ của cha mẹ, mang vết thương lòng đến lúc trưởng thành. Nếu là người ít trải nghiệm, họ sẽ có cái nhìn thiếu thiện cảm, tiêu cực về tình yêu. 

Vì vậy, cần học cách xây dựng niềm tin vào bản thân và tình yêu. Niềm tin vào bản thân là yếu tố quan trọng giúp bạn trở nên mạnh mẽ, tự tin đưa ra những quyết định một cách nhanh chóng và chính xác trong những hoàn cảnh nhất định. 

Niềm tin vào tình yêu giúp bạn chữa lành những thương tổn trong quá khứ, giải phóng bạn khỏi những rào cản tự tạo và có dũng khí mở lòng cho tình yêu.

Theo bà Phạm Thị Thanh Thúy, mở lòng với những người bạn tin tưởng, chia sẻ những tổn thương, ẩn ức trong quá khứ cũng là một cách để chữa lành vết thương lòng.