Khi bị hành hình, Nguyễn Trung Trực đòi được mở mắt, đứng hiên ngang giữa pháp trường, tuyên lời nói bất hủ cuối cùng: "Bao giờ Tây nhổ hết cỏ nước Nam này thì mới hết người Nam đánh Tây!"
Nguyễn Trung Trực tên thật là Nguyễn Văn Lịch, thuở nhỏ gọi là Chơn. Giữ chức Quản cơ, nên ông thường được gọi tắt là Quản Lịch hoặc Quản Chơn. Tên Nguyễn Trung Trực chỉ được dùng từ sau khi ông chỉ huy đánh chìm tàu chiến L’Espérance năm 1861, trong cuộc chiến tranh giữ đất Nam Kỳ chống thực dân Pháp xâm lược.
Vẻ vang vào trong thơ
Gốc người Bình Định (cụ thể nay là ở thôn Vĩnh Hội, xã Cát Hải, huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định), từ đời ông nội của Nguyễn Trung Trực, để tránh quân Tây Sơn nên đã di cư vào Nam, định cư ở thôn Bình Nhựt, tổng Bình Cách, huyện Thuận An, phủ Tân Bình, trấn Phiên An (nay thuộc xã Thạch Đức, huyện Bến Lức, tỉnh Long An), sinh sống bằng nghề chài lưới.
Năm 1838, Nguyễn Trung Trực được sinh ra ở đấy.
Lớn lên, ông nối nghiệp nhà, theo nghề chài lưới trên sông Vàm Cỏ Đông, đồng thời đi học văn và đặc biệt là học võ tại Bảo Định, Định Tường. Năm 1858, ông đoạt giải thi võ tại Cát Tài, phủ lỵ Tân An. Cũng năm ấy, thực dân Pháp bắt đầu đến xâm lược, Nguyễn Trung Trực được các võ sinh trong miền tôn làm thủ lĩnh, tham gia chống Pháp.
Đền thờ Nguyễn Trung Trực tại TP Phú Quốc và hiện vật trưng bày trong khu đền thờ (Ảnh: DUY NHÂN)
Tháng 2-1859, thực dân Pháp nổ súng đánh thành Gia Định. Nguyễn Trung Trực sốt sắng chiêu mộ nghĩa dân, lập đạo nghĩa binh chống Pháp, đứng dưới cờ của Tướng Nguyễn Tri Phương, xây dựng và chiến đấu ở Đại đồn Kỳ Hòa (Chí Hòa).
Lúc đầu, do chưa được trọng dụng, ông lui về Tân An làm lễ tuyên thệ xuất quân, rồi lại đưa đoàn "dân dũng" của mình đến Kỳ Hòa, đứng dưới cờ của Trương Định, được phong là "Quản binh đạo".
Tháng 2-1861, Đại đồn Kỳ Hòa thất thủ. Nguyễn Trung Trực đưa lực lượng của mình rút trở về Tân An. Thực dân Pháp tiếp tục tấn công, đánh hạ thành Định Tường (tháng 4-1861) rồi thường xuyên cho tàu chiến vừa chạy tuần tra vừa làm đồn nổi di động, kiểm soát giao thông trên sông và các làng ven sông trong vùng.
Chiếc tiểu hạm L’Espérance được phái đến án ngữ vàm Nhật Tảo (nay thuộc xã Nhựt Tân, huyện Tân Trụ, tỉnh Long An) trong binh tình đó.
Trưa 10-12-1861, Nguyễn Trung Trực cùng nghĩa quân dưới quyền quyết định tấn công tàu Hy Vọng. Tránh bị địch nghi ngờ khi tiếp cận, ông cho giả trang lực lượng chiến đấu thành một đám cưới đi thuyền ghé vào tàu "trình giấy". Áp sát được mục tiêu, ông chỉ huy nghĩa quân trèo, nhảy cả lên tàu, chém giết.
Địch không kịp trở tay đề phòng, bị diệt 17 tên Pháp, 20 cộng sự Việt, chỉ 2 lính Pháp và 6 lính Ta-gan (lính Philippines đánh thuê) chạy thoát. Tàu địch bị chiếm, bị nghĩa quân nổi lửa, đốt cháy. L’Espérance chìm nghỉm dưới sông Vàm Cỏ Đông.
Chiến công rất lớn này của Nguyễn Trung Trực đã vẻ vang vào trong thơ của danh sĩ Huỳnh Mẫn Đạt (dịch): "Lửa bừng Nhật Tảo inh trời đất", kèm (và đối) với câu ca ngợi chiến công lớn thứ 2 của ông (dịch): "Kiếm bạt Kiên Giang rợn quỷ thần".
Đánh trận ở Kiên Giang
Sau chiến công Nhật Tảo, Nguyễn Trung Trực được phong chức Quản cơ, cùng Trương Định tiếp tục nhiều trận oanh liệt đánh giặc giữ đất.
Sau khi Hàng ước 1862 được triều đình Huế ký với Pháp, ông cùng Trương Định kháng mệnh triều đình - điều động ra khỏi 3 tỉnh miền Đông đã nhường cho Pháp, vẫn cứ ở lại chiến trường quyết liệt sự nghiệp Nam Kỳ kháng Pháp.
Nhưng đến khi Trương Định hy sinh (năm 1864) và Pháp lăm le đánh chiếm nốt 3 tỉnh miền Tây thì ông nhận chức "Hà Tiên thành thủ úy" của vua Tự Đức ban, đưa lực lượng về miền Tây giữ thành.
Chưa kịp tới nơi thì ngày 24-6-1867 thành đã bị Pháp chiếm mất. Nguyễn Trung Trực quyết định lập mật khu ở Sân Chim (huyện An Biên, tỉnh Kiên Giang) và Hòn Chông (huyện Kiên Lương, tỉnh Kiên Giang), tổ chức kháng chiến giữ đất miền Tây.
4 giờ sáng 16-6-1868, Nguyễn Trung Trực bất ngờ dẫn quân từ Tà Niên (nay là xã Vĩnh Hòa Hiệp, huyện Châu Thành, tỉnh Kiên Giang) đánh úp đồn Kiên Giang (nay là khu vực trụ sở UBND tỉnh Kiên Giang), tiêu diệt cả chủ tỉnh Rạch Giá lẫn 5 sĩ quan Pháp, 67 lính, thu trên 100 súng các loại và làm chủ tình hình được đến 5 ngày.
Đây chính là chiến công đã đi vào trong câu thơ bất hủ của Huỳnh Mẫn Đạt (dịch): "Kiếm bạt Kiên Giang rợn quỷ thần!".
Nhưng về phía Pháp thì cùng với việc gọi đây là "một sự kiện bi thảm", một lực lượng quân tướng lớn đã được điều động từ Vĩnh Long tới, phản kích.
Bắt đầu từ ngày 21-6-1868 đã nổ ra những trận đánh không cân sức giữa lực lượng của Nguyễn Trung Trực và Pháp. Cuối cùng, trước sức ép quá lớn của địch, Nguyễn Trung Trực phải lui quân về Hòn Chông, rồi từ đó đưa vợ con cùng nghĩa quân xuống thuyền, vượt biển ra đảo Phú Quốc, lập căn cứ ở Gành Dầu và Cửa Cạn, cố thủ.
Người Pháp tiếp tục đưa lực lượng lớn ra Phú Quốc, truy kích.
Tiếp tục những trận đánh không cân sức để giữ đất trên đảo "ngọc", đến ngày 19-9-1868 vợ tử trận, con nhỏ chết vì khát sữa, nghĩa quân và súng đạn tổn thất, hao mòn nhiều, lại thêm việc giặc lùng bắt mẹ của ông, đưa ra đảo làm con tin, đồng thời tàn sát dân đảo để làm áp lực dụ hàng, Nguyễn Trung Trực đã quyết định nộp mình cho địch.
Nhập hồn cùng non sông đất nước
Không mua chuộc được Nguyễn Trung Trực, người Pháp quyết định đưa ông về pháp trường Rạch Giá, hành hình vào ngày 27-10-1868 (tức ngày 12 tháng 9 năm Mậu Thìn).
30 tuổi vào ngày hồn lìa khỏi xác ấy, ở chợ Rạch Giá, trước sự thương tiếc đớn đau của đồng bào kéo đến pháp trường rất đông để tiễn ông về trời, trong đó dân làng Tà Niên - có nghề dệt chiếu hoa nổi tiếng - đã đem chiếu rải khắp pháp trường làm chỗ lót chân cho người anh hùng thọ tử.
Nguyễn Trung Trực đã đòi được mở mắt, đứng hiên ngang giữa pháp trường, tuyên lời nói lẫm liệt bất hủ cuối cùng: "Bao giờ Tây nhổ hết cỏ nước Nam này thì mới hết người Nam đánh Tây!".
Những điều linh diệu đã hiện ra, ngay sau đấy.
Truyền rằng: Khi bị chém đầu, máu của Nguyễn Trung Trực từ cổ phun ra đã đọng ngay lại thành hình chữ "Thọ" trên những chiếc chiếu hoa đặc sản của dân làng Tà Niên cung tiến tại pháp trường, khiến cho từ đó tới nay, những chiếc chiếu hoa Tà Niên cung ứng cho thị trường đều phải có hoa văn chữ "Thọ" màu đỏ in ở giữa.
Cũng truyền rằng: Ở lần dùng thuyền đi biển đưa nghĩa quân ra Phú Quốc, bỗng nhiên gặp sóng lừng gió lớn, Nguyễn Trung Trực đã đứng ở mũi thuyền, rút gươm, trừng mắt, chỉ thẳng lên trời. Ngay lập tức sóng yên, biển lặng, khiến cho từ đó đến nay, nhiều người dân trong vùng có tập tục đóng thuyền đi biển đều vẽ hai con mắt chỉ một màu trắng, không có tròng (lòng) đen!
Và nữa, bài thơ tráng chí của nhà thơ Trương Gia Mô (dịch): "Theo việc binh nhung thuở trẻ trai/ Phong trần hăng hái tuốt gươm mài/ Anh hùng gặp phải hồi không đất/ Thù hận chang chang chống đội trời" cũng được cho chính là lời thơ của Nguyễn Trung Trực, đọc vang trên pháp trường, trước khi thọ tử!
Để cho, từ đấy, cùng với chân dung của Nguyễn Trung Trực, khi hy sinh dù mới 30 tuổi nhưng luôn được thể hiện thành một bậc lão gia quắc thước với bộ râu dài, đồng dạng và đồng nhất mà được thờ phụng ở khắp nơi (Nguyễn Trung Trực chính là người được/có đền thờ nhiều nhất, trên toàn đất Nam Kỳ), làm tín điều cho sự thể: Một người anh hùng của sự nghiệp giữ đất thời "Nam Kỳ kháng Pháp" đã bất tử trong lòng dân tộc mà nhập hồn cùng non sông đất nước.
"Giặc đưa Nguyễn Trung Trực về Sài Gòn, dùng đủ mọi thủ đoạn để mua chuộc nhưng đều chỉ nhận được câu trả lời như lúc chúng đem chức tước ra dụ: “Tôi chỉ muốn làm một chức thôi, đó là chức gì mà có quyền chặt đầu tất cả bọn Tây xâm lược”.
Đăng thảo luận