Phải làm rõ nhu cầu lao động cần được đào tạo và nhu cầu thị trường để xác định danh mục ngành nghề đào tạo cho lao động khu vực nông thôn

Nhiều năm qua, chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước về đào tạo nghề (ĐTN), giải quyết việc làm cho lao động nông thôn (LĐNT) luôn gắn với chuyển dịch cơ cấu lao động, kinh tế. Theo đó, một bộ phận không nhỏ trong độ tuổi lao động với ngành nghề thích hợp đã khởi nghiệp, phát triển kinh tế, cải thiện cuộc sống gia đình, góp phần thay đổi diện mạo vùng nông thôn.

Nhu cầu đang rất lớn

Theo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH), sau 10 năm thực hiện Chỉ thị số 19 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dạy nghề cho LĐNT, đã có gần 10 triệu người được học nghề, trong đó gần 4,6 triệu người được hỗ trợ ĐTN.

Ngoài việc mở các lớp đào tạo phù hợp với LĐNT, vùng miền và lợi thế địa phương, người lao động còn được hỗ trợ chi phí đào tạo, ăn ở, đi lại... Các đối tượng được hỗ trợ là người thuộc diện được hưởng chính sách ưu đãi người có công với cách mạng, khuyết tật, dân tộc thiểu số, hộ nghèo, hộ cận nghèo, người thuộc hộ gia đình bị thu hồi đất nông nghiệp, đất kinh doanh, lao động nữ bị mất việc làm...

 Quy hoạch đào tạo nghề khu vực nông thôn: Đến lúc điều chỉnh? 第1张

Nhiều địa phương đào tạo nghề miễn phí cho thanh niên nông thôn

Theo ông Đào Trọng Độ, Vụ trưởng Vụ Đào tạo thường xuyên - Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, những năm gần đây, các cấp chính quyền địa phương đã chủ động hơn trong xây dựng kế hoạch ĐTN hằng năm, gắn với quy hoạch phát triển sản xuất, xây dựng nông thôn mới. Nhiều địa phương đã có chính sách thu hút nhà khoa học của các viện nghiên cứu, trường đào tạo tham gia nên công tác ĐTN cho LĐNT đạt được nhiều kết quả quan trọng.

Theo ông Độ, để công tác ĐTN cho LĐNT đi vào chiều sâu, hiệu quả, bền vững và thực chất, công tác ĐTN phải gắn với chuyển dịch cơ cấu lao động nông nghiệp, nông thôn, phát triển nông nghiệp, nông thôn hiện đại. Tập trung đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu của địa phương, của ngành - nhất là các ngành trọng điểm, mũi nhọn, thế mạnh của địa phương.

ThS Hoàng Thị Mỹ Hương, Trường ĐH Nông Lâm TP HCM, cho biết nhu cầu ĐTN, giải quyết việc làm ở nông thôn hiện rất lớn trong khi tỉ lệ lao động qua đào tạo ở nông thôn còn khá thấp. Cơ cấu ngành nghề đào tạo cho khu vực nông thôn chưa sát với nhu cầu thực tế của địa phương. 

Bên cạnh đó, chất lượng ĐTN chưa đáp ứng được nhu cầu của thị trường lao động. "Cần điều chỉnh lại quy hoạch đào tạo nguồn lao động nông nghiệp, nông thôn cho phù hợp với yêu cầu thực tiễn. Trong đó, làm rõ nhu cầu lao động cần được đào tạo và nhu cầu thị trường để xác định danh mục ngành nghề đào tạo" - ThS Mỹ Hương nói.

Cần gắn với tiến bộ khoa học

Sở LĐ-TB-XH TP HCM cho biết công tác ĐTN cho LĐNT luôn được lãnh đạo thành phố quan tâm trong bối cảnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế trên địa bàn diễn ra mạnh mẽ. Thành phố cũng đang triển khai nhiều dự án cơ sở hạ tầng trọng điểm, do vậy sở đã tham mưu và trình kế hoạch tổ chức ĐTN cho LĐNT.

Trên cơ sở đó, đầu tháng 2-2024, UBND TP HCM đã ban hành Kế hoạch số 617/KH-UBND về ĐTN cho LĐNT. Trong 6 tháng đầu năm, trên địa bàn thành phố đã tuyển sinh được 80.823 chỉ tiêu giáo dục nghề nghiệp từ sơ cấp đến cao đẳng và ĐTN cho 1.075 người (năm 2023, toàn thành phố ĐTN cho 4.761 LĐNT, đạt 117,56% kế hoạch).

Theo lãnh đạo Sở LĐ-TB-XH, thành phố đã có chủ trương phát triển đội ngũ nông dân chuyên nghiệp trở thành lực lượng chính trong quá trình phát triển kinh tế nông thôn, xây dựng lực lượng LĐNT có kiến thức, tay nghề cao đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội mới. Bên cạnh đó, tập trung đào tạo cho LĐNT để thực hiện hiệu quả tiêu chí về lao động trong bộ tiêu chí nông thôn mới, gắn với phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn, sản phẩm OCOP, chuyển đổi số và phát triển kinh tế nông thôn…