Nếu học sinh thực sự có nhu cầu thì nhà trường, tổ chuyên môn, giáo viên có nhiệm vụ tìm hiểu, nghiên cứu, tổ chức dạy thêm, học thêm theo quy định được hướng dẫn
Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) vừa công bố dự thảo Thông tư quy định về dạy thêm, học thêm để lấy ý kiến góp ý. Điều này thu hút sự quan tâm đặc biệt của đông đảo dư luận. Vừa là một phụ huynh đồng thời cũng là một giáo viên (GV), bản thân cũng có vài trăn trở về việc dạy thêm, học thêm.
Cốt lõi là ý thức tự giác
Trước hết, phải nói tôi thực sự thấy buồn và không khỏi chạnh lòng khi lâu nay, dư luận vẫn cho rằng dạy thêm, học thêm là một "vấn nạn". Vấn nạn được hiểu là "vấn đề khó khăn lớn có tính chất xã hội, đang phải đương đầu đối phó". Vậy tại sao, việc dạy thêm, học thêm lại trở thành là một vấn nạn, trong khi nó đơn thuần cũng chỉ là một hoạt động dạy học được thực hiện trong hoặc ngoài nhà trường, ngoài giờ lên lớp chính khóa của GV và học sinh (HS)?
Hiểu một cách nôm na thì dạy thêm, học thêm là thầy dạy chưa đủ, trò học chưa đủ, phải "thêm". Dạy chưa đủ, học chưa đủ có rất nhiều lý do: nội dung chương trình, phương pháp dạy, học; điều kiện dạy, học; năng lực dạy, học... Nghĩa là nó xuất phát từ cả GV và HS.
Thế nhưng, khi bàn đến giải pháp để giải quyết "vấn nạn" này, hầu như dư luận đều nghiêng về nguyên nhân từ phía GV, nhà trường mà ít thấy nguyên nhân từ phía HS, gia đình.
Việc dạy thêm, học thêm cũng là một hoạt động dạy học bình thường trong kế hoạch giáo dục của nhà trường, được quản lý, kiểm soát, giám sát theo quy định của pháp luật. Ảnh: TẤN THẠNH
Là một GV, khi nghe HS hỏi xin được học thêm, tôi thấy lo và xấu hổ. Mình dạy chưa tốt, các em chưa hiểu bài, chưa yên tâm, còn lo lắng nên mới muốn được học thêm chăng?
Hơn 30 năm làm GV dạy ngữ văn, tôi chưa mở một lớp dạy thêm nào, dù có nhiều HS, phụ huynh đề nghị, mong muốn tôi dạy. Đơn giản là bởi khi biết lý do các em muốn học thêm là để cô giải cho các bài tập về nhà, để được điểm cao trong bài kiểm tra hoặc để "qua được" kỳ kiểm tra lại..., tôi đã từ chối ngay.
Còn nhớ, khi con trai tôi học lớp 9, GV cho viết một bài luận, bàn về việc có nên đi học thêm, cháu đã bàn rằng với cháu là không nhất thiết phải đi học thêm, vì học thêm sẽ khiến HS ỷ lại, lười suy nghĩ, mài mòn ý thức tự giác, sinh tính chủ quan khi ở lớp học thêm, thầy cô đã giải cho tất cả bài tập ở sách giáo khoa, có khi định hướng trước bài sẽ học ngày mai trên lớp. Tôi đã đồng tình với ý kiến đó.
Hai con tôi, một đã tốt nghiệp đại học, một đang học đại học năm thứ hai nhưng suốt thời HS không phải đi học thêm. Tôi rất tự hào về ý thức tự giác, cố gắng tự học của các con. Trong khi nhiều bạn cùng trang lứa vất vả để thích nghi với việc tự học ở đại học thì các con tôi lại thấy rất bình thường vì đã quen với việc chủ động, tự giác học tập, tự giải quyết vấn đề...
Công khai, minh bạch
Lẽ dĩ nhiên, nếu HS thấy bài giảng chưa thông hay muốn được luyện thêm nhiều bài tập khó để đạt kết quả học tập cao hơn thì nhu cầu học thêm cũng là chính đáng. Có cầu ắt có cung. Vậy thì dạy thêm, học thêm không có gì là trái lẽ.
Hơn nữa, dạy thêm, học thêm là một hoạt động có sự quản lý, kiểm soát, giám sát của ngành, các cấp có thẩm quyền, phụ huynh HS và các lực lượng xã hội khác.
Quản lý dạy thêm, học thêm sao cho hiệu quả? (*): Lường trước những hệ lụy
Quản lý dạy thêm, học thêm sao cho hiệu quả?
Quy định mới có kiểm soát được tình trạng dạy thêm, học thêm?
Dự thảo Thông tư quy định về dạy thêm, học thêm mà Bộ GD-ĐT ban hành đã đáp ứng được những yêu cầu này. Dự thảo có nhiều nội dung mới được bổ sung cũng như bãi bỏ những nội dung không còn phù hợp của Thông tư 17/2012/TT-BGDĐT quy định về dạy thêm, học thêm.
Điển hình dự thảo thông tư mới tập trung vào việc cải thiện chất lượng của hoạt động dạy thêm, học thêm; bảo vệ quyền lợi của HS và phụ huynh thông qua việc yêu cầu công khai thông tin về các khóa học thêm, mức thu học phí và các điều kiện dạy học.
Việc cấm tổ chức dạy thêm cho các lớp học đã học 2 buổi/ngày cũng góp phần giảm áp lực học tập và giảm thiểu tình trạng ép buộc HS tham gia các lớp học thêm chỉ để nâng cao điểm số.
HS thực sự có nguyện vọng được học thêm để nâng cao chất lượng học tập của bản thân; phụ huynh quan tâm đến việc học của con có thể lựa chọn cho con đi học thêm hay không, học môn gì, ở đâu, học phí bao nhiêu... Tất cả đều được nhà trường, cơ sở tổ chức dạy thêm, học thêm công khai, minh bạch.
Tóm lại, việc dạy thêm, học thêm tùy vào nguyện vọng của chính HS và gia đình; cũng là một hoạt động dạy học bình thường trong kế hoạch giáo dục của nhà trường, được quản lý, kiểm soát, giám sát theo quy định của pháp luật. Nếu HS thực sự có nhu cầu, nguyện vọng học thì nhà trường, tổ chuyên môn, GV có nhiệm vụ tìm hiểu, nghiên cứu, tổ chức dạy thêm, học thêm theo quy định mà thông tư hướng dẫn. Việc dạy thêm, học thêm sẽ không còn là "vấn nạn".
Dạy thêm, học thêm là hoạt động kinh doanh (?)
Điều làm tôi trăn trở về dạy thêm, học thêm theo dự thảo thông tư mà Bộ GD-ĐT vừa ban hành là ở từ "kinh doanh" trong nội dung quy định rằng tổ chức, cá nhân kinh doanh hoạt động dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường phải đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật (khoản a mục 1 điều 5 của dự thảo thông tư). Tại sao ư? Vì đã gọi dạy thêm, học thêm là hoạt động "kinh doanh", vậy mặt hàng để "kinh doanh" là gì, nếu không phải là kiến thức, chữ nghĩa? Ai sẽ là người bán, ai sẽ là người mua chẳng phải quá rõ ràng sao? Mà đã là mua bán thì "khách hàng" sẽ là thượng đế. Có tránh được việc "người bán" phải chiều lòng "khách hàng" không?
(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 28-8
Đăng thảo luận