Mùa tuyển sinh 2024 ghi nhận điểm chuẩn trúng tuyển vào các ngành sư phạm cao chót vót, trong khi điểm chuẩn ngành báo chí - truyền thông gần mức tuyệt đối.

Dẫn đầu về điểm chuẩn ở khối ngành đào tạo sư phạm là Trường ĐH Sư phạm Hà Nội. Nhiều ngành của trường này có mức điểm chuẩn trên 29, như: sư phạm ngữ văn, sư phạm lịch sử cùng 29,3; sư phạm địa lý 29,05. Nhiều ngành khác cũng có điểm chuẩn rất cao, như giáo dục chính trị (28,83), sư phạm lịch sử - địa lý (28,83), giáo dục công dân (28,6), giáo dục quốc phòng - an ninh (28,26).

Tại Trường ĐH Sư phạm Hà Nội 2, điểm chuẩn cao nhất ở mức 28,83 thuộc về 2 ngành là sư phạm ngữ văn và sư phạm lịch sử. Ngành mới mở là sư phạm lịch sử - địa lý có mức điểm chuẩn 28,42. Các ngành giáo dục tiểu học, giáo dục công dân, giáo dục quốc phòng - an ninh và sư phạm tiếng Anh đều có điểm chuẩn trên 27.

 Điểm chuẩn sư phạm, báo chí cao chót vót 第1张

Nhiều trường công bố điểm chuẩn các ngành rất cao so với năm trước. Ảnh: HUẾ XUÂN

Tương tự, điểm chuẩn Trường ĐH Sư phạm - ĐH Thái Nguyên cao nhất ở ngành sư phạm lịch sử với 28,6 điểm. Nhiều ngành khác có mức điểm chuẩn cũng trên 28, như sư phạm ngữ văn 28,56, sư phạm địa lý 28,43, giáo dục chính trị 28,31, sư phạm lịch sử - địa lý 28,27.

Tại Trường ĐH Giáo dục - ĐHQG Hà Nội, ngành giáo dục tiểu học có mức điểm chuẩn kỷ lục là 28,89. Các ngành sư phạm ngữ văn, lịch sử, lịch sử - địa lý có chung mức điểm chuẩn là 28,76. Các ngành sư phạm toán, lý, hóa, sinh và khoa học tự nhiên có chung điểm chuẩn là 26,58.

Tại Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn - ĐHQG Hà Nội, ngành có điểm chuẩn cao nhất là quan hệ công chúng khối C00 với 29,1 điểm, thì sinh trung bình 9,7 điểm/môn mới đậu. Hầu hết các ngành của trường ở khối C00 đều lấy trên 27 điểm, tức trên 9 điểm/môn mới trúng tuyển.

Với phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT, Học viện Báo chí và Tuyên truyền có 2 thang điểm chuẩn 30 và 40. Ở thang điểm 30, ngành truyền thông đa phương tiện lấy cao nhất với 28,25 ở tổ hợp C15 (ngữ văn, toán học và khoa học xã hội), thí sinh đạt trung bình 9,41 điểm/môn mới đỗ. Tiếp đó là ngành truyền thông đại chúng, cũng ở tổ hợp này, với 28,05 điểm.

Trường ĐH Văn hóa Hà Nội ghi nhận ngành báo chí đứng đầu với điểm chuẩn là 28,9 (tổ hợp C00), điểm trúng tuyển các ngành khác dao động từ 22,85 - 28,9. Trong đó, ngành báo chí đứng đầu với điểm chuẩn là 28,9 (tổ hợp C00).

Trong khi đó, ở Học viện Ngoại giao, ngành truyền thông quốc tế có điểm chuẩn lên tới 29,05/30. Đây là ngành học có điểm chuẩn đầu vào đứng thứ 2 sau ngành Trung Quốc học (điểm chuẩn tổ hợp C00 là 29,2/30). Tại trường này, tổ hợp C00 của các ngành đều ở mức cao nhất so với tổ hợp còn lại trong cùng ngành.

Điểm chuẩn của Trường ĐH Khoa học Tự nhiên - ĐHQG TP HCM năm nay cũng tăng mạnh ở nhiều ngành. Một số ngành có điểm trúng tuyển 17 - 18 năm 2023 có sự tăng điểm chuẩn đột biến trong năm nay, như: kỹ thuật hạt nhân tăng 6,6 điểm; khoa học vật liệu tăng 5,3 điểm; quản lý tài nguyên và môi trường tăng 3,5 điểm.

TS Nguyễn Trung Nhân, Trưởng Phòng Đào tạo - Trường ĐH Công nghiệp TP HCM, cho biết điểm chuẩn năm nay hầu hết tăng ở cả chương trình đại trà và chương trình tăng cường tiếng Anh. Mức tăng cao nhất đến 2,5 điểm ở các ngành công nghệ kỹ thuật điện, điện tử; công nghệ kỹ thuật nhiệt và luật quốc tế. Hai ngành có điểm trúng tuyển cao nhất là kinh doanh quốc tế và luật kinh tế với 26 điểm; nhiều ngành có điểm chuẩn từ 24 trở lên.

Theo PGS-TS Bùi Hoài Thắng, Trưởng Phòng Đào tạo - Trường ĐH Bách khoa TP HCM, với kết quả xét tuyển ĐH theo phương thức xét tuyển tổng hợp, 22 ngành có điểm chuẩn trên 72. Điểm chuẩn xét tuyển tổng hợp trong kỳ tuyển sinh năm nay tăng ở nhiều ngành là do số thí sinh có năng lực học tập tốt đã nộp hồ sơ nhiều vào trường. Theo tin từ hội đồng tuyển sinh, khoảng 29% tân sinh viên có điểm thi đánh giá năng lực đạt từ 900 trở lên; 10% tân sinh viên vừa có điểm thi tốt nghiệp THPT đạt từ 27 trở lên nộp hồ sơ vào trường.