Ngày 30/9, UBND tỉnh Quảng Ninh làm việc với đoàn công tác Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (Agribank), cùng bàn các giải pháp hỗ trợ nhanh người dân, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh khắc phục hậu quả bão số 3.
Ảnh: AgribankTheo thống kê trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh, đến nay, ước tính có 4.512 khách hàng vay vốn tại Agribank bị ảnh hưởng với dư nợ bị ảnh hưởng là 9.287 tỷ đồng, số dư nợ bị thiệt hại là 3.851 tỷ đồng với 4.412 khách hàng. Trong đó ngành nông, lâm, thủy sản có 1.425 khách hàng; ngành công nghiệp và xây dựng có 577 khách hàng; ngành thương mại dịch vụ có 2.410 khách hàng.
Ngay sau bão số 3, Agribank đã chủ động tổ chức các đoàn công tác tới Quảng Ninh và một số địa phương bị ảnh hưởng để nắm bắt tình hình, thiệt hại của khách hàng vay vốn, động viên, chia sẻ với người dân, doanh nghiệp.
Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước và đề nghị của tỉnh Quảng Ninh, các chi nhánh Agribank trên địa bàn đã khẩn trương triển khai các biện pháp hỗ trợ như: cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho 481 khách hàng; giảm lãi suất cho vay đối với 1.680 khách hàng với dư nợ 4.877 tỷ đồng; cho vay mới khôi phục sản xuất kinh doanh với 178 khách hàng…
Các chi nhánh Agribank trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh cũng đã phối hợp với Công ty Bảo hiểm ABIC triển khai hoạt động bồi thường cho khách hàng bị thiệt hại theo quy định; thực hiện ngay công tác an sinh xã hội, đồng hành cùng địa phương để người dân, doanh nghiệp có thêm nguồn lực khắc phục hậu quả sau bão.
Ông Cao Tường Huy - Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh cảm ơn sự vào cuộc kịp thời của Agribank, đồng hành cùng tỉnh hỗ trợ người dân, doanh nghiệp vượt qua khó khăn. Ảnh: AgribankPhát biểu tại buổi làm việc, ông Cao Tường Huy - Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh cảm ơn và bày tỏ niềm trân trọng trước sự vào cuộc trách nhiệm, kịp thời của ngành ngân hàng, các tổ chức tín dụng, trong đó có Agribank, nhằm chia sẻ khó khăn, mất mát với người dân, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Bão số 3 là cơn bão rất lớn, trong đó Quảng Ninh nằm trong tâm bão, chịu sức tàn phá khủng khiếp, gây thiệt hại nghiêm trọng, chưa từng có, khiến nhiều người dân, doanh nghiệp gần như mất trắng tài sản.
Trong bối cảnh đó, để hỗ trợ người dân nhanh chóng ổn định cuộc sống và phục hồi sản xuất, tỉnh Quảng Ninh đã bắt tay ngay vào công tác khắc phục, báo cáo Chính phủ, ban hành các nghị quyết, hướng dẫn, nhiều chính sách phù hợp, thiết thực. Ông Cao Tường Huy cho biết, tỉnh Quảng Ninh đã cơ cấu lại nguồn chi năm 2024, tiết kiệm chi, bố trí kinh phí 1.180 tỷ đồng để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp khắc phục hậu quả thiên tai.
Cùng với đó, tỉnh đang triển khai xây dựng Đề án khôi phục, tái thiết kinh tế sau bão theo hướng tối ưu, nâng cao hiệu quả trong phát triển các ngành, lĩnh vực thế mạnh của tỉnh; nắm bắt thời cơ để khắc phục những điểm yếu trong phát triển kinh tế như: áp dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ mới, loài nuôi mới vào nuôi trồng thủy sản; lập lại quy hoạch 3 loại rừng, cơ cấu lại các loại cây trồng trong phát triển lâm nghiệp; tăng cường thu hút đầu tư công nghiệp chế biến, chế tạo, giá trị gia tăng cao...
Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh đề nghị Agribank tiếp tục triển khai các chính sách hỗ trợ, có cơ chế, hướng dẫn cụ thể, tạo hành lang pháp lý để các chi nhánh có cơ sở triển khai, hỗ trợ khách hàng, nhất là các trường hợp không còn tài sản để thế chấp vay vốn; ban hành gói cho vay ưu đãi lãi suất đối với khách hàng phục vụ tái thiết hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Tỉnh Quảng Ninh sẽ tiếp tục đề nghị Chính phủ xem xét, mở rộng đối tượng, nâng hạn mức cho vay; đồng thời cam kết dùng ngân sách để xử lý phần lãi với các khoản vay được khoanh nợ theo đúng quy định của pháp luật.
Chủ tịch HĐTV Agribank Phạm Đức Ấn khẳng định, Agribank sẽ đồng hành cùng người dân, doanh nghiệp tái thiết hoạt động sản xuất kinh doanh. Ảnh: AgribankTại buổi làm việc, thay mặt đoàn công tác, ông Phạm Đức Ấn - Chủ tịch HĐTV Agribank nhấn mạn quyết tâm chia sẻ khó khăn cùng địa phương, đặc biệt là với người dân, doanh nghiệp. Ông Phạm Đức Ấn khẳng định, Agribank sẽ đồng hành cùng người dân, doanh nghiệp và tỉnh Quảng Ninh, cũng như các địa phương trong giai đoạn khó khăn này.
Để các chính sách hỗ trợ của ngân hàng được triển khai kịp thời và hiệu quả, Chủ tịch HĐTV Agribank đề nghị UBND tỉnh hỗ trợ, chỉ đạo các địa phương trong việc xác nhận thiệt hại cho các hộ theo thực tế bao gồm cả các hộ nuôi trồng thủy sản có hồ sơ pháp lý chưa hoàn thiện, do thời hạn thực hiện xác nhận thiệt hại theo Nghị định về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn chỉ có thời gian nhất định.
Agribank cũng đề nghị chính quyền địa phương các cấp sớm thành lập hội đồng đánh giá những thiệt hại do ảnh hưởng của bão số 3 đối với người dân trên các địa bàn, tạo điều kiện xác nhận biên bản thiệt hại cho người dân để ngân hàng hoàn thiện hồ sơ khoanh nợ đối với những khách hàng đang có dư nợ tại ngân hàng bị thiệt hại do ảnh hưởng của bão.
Cùng với đó, tăng cường hoạt động của các tổ chức Hội Phụ nữ, Hội Nông dân..., hỗ trợ nhanh các hộ bị thiệt hại do bão. Bảo lãnh cho người dân, hộ sản xuất tiếp cận nguồn vốn tín dụng, có cơ hội phục hồi sản xuất hoặc chuyển đổi ngành nghề, lĩnh vực kinh doanh.
Cùng với sự vào cuộc của địa phương, Agribank sẽ có hướng dẫn cụ thể, triển khai các chính sách hỗ trợ kịp thời, đồng hành cùng người dân, doanh nghiệp để tái kiến thiết sản xuất, kinh doanh trong thời gian sớm nhất.
Ảnh: AgribankNgay sau buổi làm việc với UBND tỉnh Quảng Ninh, Chủ tịch HĐTV Agribank Phạm Đức Ấn và đoàn công tác đã làm việc với 3 chi nhánh Agribank trên địa bàn để nắm bắt tình hình, lắng nghe kiến nghị, chỉ đạo các đơn vị chuyên môn tham mưu đề xuất các cơ chế chính sách phù hợp để có thể hỗ trợ người dân, doanh nghiệp một cách thiết thực, hiệu quả, trong thời gian sớm nhất.
Cùng ngày, đoàn công tác Agribank đã đến thăm, động viên và nắm bắt thực tế hoạt động của một số hộ sản xuất, doanh nghiệp bị thiệt hại bởi bão số 3 tại huyện Quảng Yên.
Thanh Hà
Đăng thảo luận