'Tài sản của tôi là chiếc laptop và điện thoại, không có cả xe máy. Nhưng thành quả đã bắt đầu sinh lợi nhuận'.
"Chia sẻ với mọi người câu chuyện nghiên cứu của tôi.
Trước đây tôi học trường cấp ba chuyên, rồi học Bách khoa. Ra trường chưa đến một năm, tôi đã được lên làm Trưởng phòng Kỹ thuật và Trợ lý Giám đốc. Sau đó, tôi chuyển hướng sang nghiên cứu giáo dục và phát triển con người. Đến giờ đã được 15 năm.
Trong 15 năm đó, bạn bè cùng lứa và trình độ với tôi đã có nhà, xe và tài sản hàng chục tỷ đồng. Riêng tôi vẫn tay trắng, tài sản duy nhất là chiếc laptop và chiếc điện thoại. Đến cả xe máy tôi cũng không có.
>> 'Món hời' chỉ người học đại học mới có
Bù lại, tôi đã có gần 10 bằng sở hữu trí tuệ, viết hơn 10 cuốn sách và xuất bản được 4 cuốn. Dù vậy, những thành quả này đến giờ mới bắt đầu sinh lợi nhuận.
Như vậy, để thực sự nghiên cứu một lĩnh vực một cách nghiêm túc, cần rất nhiều thời gian.
Nếu không được trợ cấp từ chính phủ hoặc các doanh nghiệp lớn, hành trình này sẽ vô cùng gian nan, vất vả. Sau này, khi có điều kiện kinh tế, tôi sẽ trợ cấp cho những người nghiên cứu nghiêm túc".
Độc giả nickname thecong85 chia sẻ như trên, sau 15 năm đam mê nghiên cứu, những thành quả mới bắt đầu sinh lợi nhuận. Bình luận này được viết sau bài Ai trả nổi 'tiền lương' cho các tiến sĩ Việt?.
Tại Việt Nam, nghiên cứu khoa học, đặc biệt ở cấp bậc tiến sĩ, vẫn còn nhiều khó khăn và trở ngại, nhiều độc giả quan tâm vấn đề này.
Độc giả L. Buil nói: "Đa số những người có bằng tiến sĩ ở Mỹ có cuộc sống rất bình thường, không xa hoa vật chất. Họ tập trung vào những điều mà họ cống hiến cho xã hội, cho nhân loại.
Ở Mỹ, có đủ mọi kiểu tiến sĩ mà không nước nào trên thế giới sánh kịp, bởi đam mê đã ăn sâu vào con người họ. Họ học không phải vì muốn làm ra tiền, chỉ có một số ít trở nên giàu có vì họ tự tạo ra, hoặc hợp tác với người khác phát triển những gì thật sự ăn khách để giàu lên".
Nguyên nhân khiến các trường đại học khó tuyển sinh viên cho bậc tiến sĩ không phải vì thiếu đề tài nghiên cứu, độc giả ductm31 bình luận:
"Nguyên nhân không tuyển được sinh viên cho bậc tiến sĩ ở Việt Nam là do các trường đại học không thực sự đào tạo bậc tiến sĩ. Nói đúng ra, các trường có lớp học để trao bằng tiến sĩ nhưng có rất ít công trình nghiên cứu cần đến sự tham gia của nghiên cứu sinh.
>> 'Tiến sĩ 10 năm lương 6,5 triệu đồng'
Tôi không rõ bên mảng kinh tế - xã hội thế nào, nhưng bên kỹ thuật, chẳng thiếu đề tài có vị trí cho nghiên cứu sinh. Thiếu người làm, chứ việc thì không thiếu, và giảng viên cũng thường thích hướng dẫn nghiên cứu sinh hơn là đi dạy.
Vấn đề của việc thiếu nghiên cứu sinh ở Việt Nam, theo tôi, đơn giản là vì cơ hội nghề nghiệp sau khi tốt nghiệp không nhiều. Các viện nghiên cứu, doanh nghiệp hay các vị trí giảng viên ở trường đại học đều khá ít. Những người quyết định học tiến sĩ thường sẽ tìm học bổng nước ngoài, học xong và ở lại làm việc ở nước ngoài luôn".
Độc giả Phong Đạt nói: "Khoa học công nghệ là chìa khóa để cải thiện tư liệu sản xuất và nâng cao chất lượng sản phẩm, từ đó mới gia tăng năng suất lao động, phát triển kinh tế.
Ở các nước phát triển, chính phủ và cả doanh nghiệp tư nhân hiểu rất rõ điều này nên họ đầu tư cho các dự án nghiên cứu và cơ sở nghiên cứu rất nhiều. Làm tiến sĩ được coi như một công việc toàn thời gian, được trả lương và hưởng các phúc lợi như người lao động, dù mặt bằng chung lương không cao so với các công việc khác.
Độ tuổi học tiến sĩ cũng từ 22 trở lên, bắt đầu phải có kinh tế để tự lo cho bản thân và gia đình chứ không thể cứ mãi xin tiền bố mẹ đóng học phí được. Giữa 'học tiến sĩ' ở Việt Nam vừa phải đóng học phí vừa tự túc chi phí sinh hoạt và 'làm tiến sĩ' ở nước ngoài có lương thì chắc ai cũng biết nên chọn cái nào
Một vấn đề khác nữa là chi tiêu cho R&D (nghiên cứu và phát triển) ở cả khu vực công và tư ở Việt Nam vẫn còn rất thấp, sự hợp tác giữa doanh nghiệp và trường đại học còn kém hiệu quả, dẫn đến nhu cầu cho công việc nghiên cứu không có.
Khi nào Việt Nam còn tư duy 'học tiến sĩ', trường phải tuyển đủ chỉ tiêu tiến sĩ, mà không có dự án và kinh phí nghiên cứu cụ thể thì chừng đó bài toán tiến sĩ vẫn vô nghiệm".
*Bạn có dự định học thạc sĩ, tiến sĩ? Chia sẻ bài viết tại đây.
Hữu Nghị tổng hợp
Đăng thảo luận