Nhiều ý kiến giải quyết bạo lực học đường được chính các đại biểu nhí nêu ra trong phiên họp giả định Quốc hội trẻ em.

Bạo lực học đường ở trẻ em, nhiều nguyên nhân từ người lớn  第1张

Dương Nữ Mai Phương (đại biểu Hà Tĩnh) cho rằng người lớn lôi trẻ con để giải quyết vấn đề của mình dễ dẫn đến tiêu cực - Ảnh: VŨ TUẤN

Chiều 28-9, tại Nhà Quốc hội, 306 đại biểu là đội viên, thiếu nhi tiêu biểu cả nước tham gia các phiên thảo luận tổ thuộc phiên họp giả định "Quốc hội trẻ em" lần thứ 2 năm 2024.

Mạng xã hội “cổ xúy” bạo lực học đường

Tại tổ thảo luận số 5, Lê Bảo Trung (đại biểu Hà Tĩnh) nêu vấn đề nhan nhản các clip cổ xúy bạo lực trên mạng xã hội. Trung cho hay ở tuổi học đường, với tâm lý muốn thể hiện mình, muốn được chú ý thì mạng xã hội là môi trường tốt để nhiều bạn lựa chọn. Tuy nhiên mạng xã hội lại không có công cụ kiểm soát tốt, không ít bạn dùng bạo lực để giải quyết vấn đề của mình.

  • Thủ tướng trả lời đại biểu Quốc hội TP.HCM việc còn nhiều trẻ em bị bạo lực, xâm hại

Đại biểu Đặng Minh Hoàng (đoàn Quảng Ninh) dẫn chứng trường hợp bạn nữ ở Đông Triều (Quảng Ninh) bị bạn bè lột quần áo, quay clip, đăng lên mạng xã hội.

Nguyên nhân do một số gia đình tẻ nhạt, ít tương tác, thiếu kết nối với nhau. Mọi người đều chìm đắm trong thế giới riêng của mình trên mạng xã hội.

Một số gia đình vướng vào ly hôn, bố mẹ bận rộn, chỉ cung cấp về vật chất, thiếu quan tâm về thể chất, tinh thần. Thậm chí, có bố mẹ bạo hành khiến trẻ bị tổn thương, tự ti, hung hãn.

Đại biểu nhấn mạnh: “Gia đình rất quan trọng trong hình thành tính cách và hành vi của trẻ, vì vậy cần dành nhiều thời gian trò chuyện để thấu hiểu tâm tư, nguyện vọng của con cái".

Minh Hoàng đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông cùng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch kiểm soát, sàng lọc phim ảnh có nội dung liên quan đến bạo lực học đường.

“Hiện nay các trường học chưa có các phòng tham vấn tâm lý, dù phòng tham vấn tâm lý vô cùng quan trọng. Bởi vì các bạn học sinh sẽ có một không gian rộng, thân thiện, có hoa và nhạc. Nhưng đặc biệt nhất là các thầy cô phụ trách tâm lý tôn trọng, yêu thương, nhẹ nhàng và giữ bí mật các câu chuyện của học sinh” - Minh Hoàng nói.

Bạo lực học đường ở trẻ em, nhiều nguyên nhân từ người lớn  第2张

Tại tổ, có ý kiến đề xuất nhà trường cần có tổ hòa giải, giải quyết mâu thuẫn có cả giáo viên, phụ huynh và học sinh giúp cha mẹ lắng nghe và nhìn nhận con cái công tâm - Ảnh: VŨ TUẤN

Người lớn mang trẻ con ra giải quyết vấn đề của mình

Dương Nữ Mai Phương (đại biểu Hà Tĩnh) cho hay có một thực tế là người lớn thường lấy trẻ con ra giải quyết vấn đề của mình, còn trẻ con dùng bạo lực để gây sự chú ý với người lớn.

“Ở trường chúng em có một bạn thường xuyên hành xử rất tiêu cực. Sau mỗi lần như thế, bố mẹ bạn ấy quan tâm nhiều hơn. Và thế là sau khi bạn ấy thấy mình đã thành công rồi thì bạn ấy tiếp tục, tiếp tục làm những việc đó để bố mẹ quan tâm”, Mai Phương nói.

Nữ đại biểu kể không ít bố mẹ bực bội về vấn đề công việc hay chuyện gì đó lại trút giận lên con cái hoặc có về nhà thì phụ huynh chỉ xem điện thoại, không để ý đến con...

“Giáo dục từ nhỏ sẽ hình thành tính cách của trẻ. Vì càng lớn càng khó, bố mẹ đi làm xa vì đặc thù công việc cũng phải quan tâm sát sao, phối hợp với nhà trường để giáo dục con cái” - Phương bày tỏ.

Về nhà trường, nữ đại biểu gợi ý tổ chức các hoạt động tăng tương tác giữa học sinh. “Chỉ là chi tiết nhỏ như mình cùng nhau trang trí lớp. Sau những buổi như thế, chúng em chia sẻ với nhau nhiều hơn, không giấu giếm bạn bè.

Nếu gặp tiêu cực thì có thể chia sẻ với bạn bè, hỏi các bạn có lời khuyên gì không? Đương nhiên chúng em cũng sẽ bàn bạc giải pháp khi đủ kiến thức hoặc hỏi thầy cô, người lớn” - Mai Phương nêu.

Bạo lực học đường ở trẻ em, nhiều nguyên nhân từ người lớn  第3张

Đại biểu Nguyễn Ngọc Diệp (đoàn Bình Định) nêu nhiều giải pháp quản lý chặt mua bán thuốc lá điện tử, tăng thuế để hạn chế người mua - Ảnh: HÀ QUÂN

Ganh đua điểm số vô tình tạo bạo lực học đường

Tại tổ thảo luận 12, đại biểu Lê Hoàng Nguyên (đoàn Vĩnh Long) chia sẻ mỗi học sinh cần rèn luyện tinh thần kiên định, mạnh dạn tố cáo hành vi bạo lực học đường.

Cha mẹ cần quan tâm, nhất là độ tuổi học THCS đang phát triển, suy nghĩ chưa chín chắn. Nhà trường cần thành lập thêm nhiều tổ sao đỏ truyền thông phòng chống bạo lực học đường, thường xuyên liên lạc gia đình.

Đại biểu Nguyễn Ngọc Diệp (đoàn Bình Định) phân tích có trường hợp ganh đua điểm số vô tình tạo áp lực đè nặng lên đôi vai của học sinh hoặc một số bạn bè đùa giỡn quá mức gây ra sự tức giận, hận thù…

Ngoài nâng cao ý thức, tạo cho học sinh sự dũng cảm chống lại cái xấu, cái ác, đại biểu cho rằng cần phát huy vai trò của phòng tâm lý học đường trực tiếp và trực tuyến (online).

Tổ trưởng tổ 12 Hà Hoàng Linh (đoàn Hà Giang) tóm lược các giải pháp hạn chế bạo lực học đường như triển khai email gia đình kiểm soát truy cập mạng Internet của học sinh, phát huy hiệu quả của hòm thư “điều em mong muốn” để học sinh bị xâm hại thổ lộ, truyền thông nhiều hơn về Tổng đài quốc gia bảo vệ trẻ em 111…