Khu vực cửa biển ở đập Hòa Duân (xã Phú Thuận, huyện Phú Vang, Thừa Thiên Huế) bị sạt lở xâm thực nặng bất thường, gây nguy cơ mở lại cửa biển ở khu vực này sau 24 năm kể từ cơn đại hồng thủy năm 1999.
Khu vực xảy ra xâm thực, sạt lở nặng ở đập Hòa Duân (xã Phú Thuận, huyện Phú Vang, Thừa Thiên Huế) - Ảnh: NHẬT LINH
Sáng 22-10, UBND xã Phú Thuận đã huy động lực lượng tại chỗ đến khu vực bãi biển của xã để đo đạc, kiểm tra cũng như căng biển cảnh báo, đảm bảo an toàn cho người dân trước việc khu vực này bị sạt lở, xâm thực nghiêm trọng.
Bờ biển ở Thanh Hóa bị xâm thực, sạt lở nghiêm trọngĐỌC NGAY
Theo đó khu vực này thuộc đập Hòa Duân - con đập được hình thành cách đây 24 năm trước nhằm hàn khẩu cửa biển bị mở do cơn đại hồng thủy năm 1999 gây ra.
Khu vực sạt lở, xâm thực biển lần này nằm ngay khu vực bãi tắm giáp ranh giữa xã Phú Thuận (huyện Phú Vang) và phường Thuận An (TP Huế).
Đoạn bãi biển bị xâm thực nặng dài khoảng 250m, cách phá Tam Giang chỉ vài cây số.
Sóng biển liên tục vỗ vào bờ khiến hệ thống kè đường ở khu vực này vỡ tan. Một số cây dương cảnh quan được trồng dọc bờ biển cũng bị sóng đánh ngã đổ, chực chờ bị cuốn ra biển.
Ông Nguyễn Văn Nhân (65 tuổi, trú xã Phú Thuận) nói rằng đúng 25 năm trước khu vực này là cửa biển rộng thênh thang, xuất hiện sau cơn đại hồng thủy 1999 ở Huế khiến hàng trăm người vong mạng.
Hàng dương được trồng cảnh quan sát tuyến đường ven biển ở bãi tắm xã Phú Thuận bị biển xâm thực gây ngã đổ, chực chờ bị cuốn trôi - Ảnh: NHẬT LINH
Để đảm bảo an toàn, tỉnh Thừa Thiên Huế lúc đó đã tiến hành hàn khẩu cửa biển Hòa Duân bằng cách đắp một con đập vào tháng 8-2000. Con đập này chính là khu vực ngày nay đang xảy ra sạt lở, xâm thực nặng.
"Năm đó cửa biển ở đây bị trổ, cuốn trôi một ngôi làng ra biển. Nay chưa mưa to, gió lớn nhưng đập Hòa Duân đã bị xâm thực nặng như thế. Tôi lo cửa biển lại bị mở ra thêm một lần nữa", ông Nhân nói.
Bãi biển xã Phú Thuận (huyện Phú Vang) và phường Thuận An (TP Huế) nằm trên đập Hòa Duân - Ảnh: NHẬT LINH
Ông Nguyễn Quang Dân, chủ tịch UBND xã Phú Thuận, cho biết quá trình xâm thực bờ biển ở khu vực đập Hòa Duân năm nay diễn ra quá nhanh và bất thường.
Nguyên do là bởi việc bờ biển bị xâm thực xảy ra khi chưa có mưa to, sóng lớn và đã làm ảnh hưởng đến khoảng 50 hộ dân của xã sống gần khu vực này.
"Theo tính toán, nếu xuất hiện thời tiết cực đoan, mưa bão thì con đường ven đập Hòa Duân này có thế bị biển xâm thực sâu và cuốn đi mất, gây nguy cơ mở lại cửa biển ở vị trí này. Hiện chúng tôi đã lên phương án di dời người dân sống ở khu vực này đi nơi khác và đã báo cáo lên cấp trên để có phương án xử lý khẩn cấp", ông Dân nói.
"Sẽ xử lý khẩn cấp"
Ông Đặng Văn Hòa, chánh văn phòng Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn Thừa Thiên Huế, cho biết tỉnh đã có chỉ đạo xử lý khẩn cấp, không để mở lại cửa biển ở đập Hòa Duân do tình trạng xâm thực nặng.
Theo ông Hòa, ngay trong chiều 22-10 tỉnh Thừa Thiên Huế sẽ huy động người, xe chở rọ đá, bạt, lưới thép… để tạo thành một bờ kè ngăn chặn việc xâm thực tiếp tục xảy ra.
Ông Hòa cho biết việc hộ đập sẽ diễn ra sớm, tranh thủ thời tiết tạnh ráo trước khi bão số 5 dự báo sẽ gây mưa lớn ở Huế vào cuối tuần này.
Biển xâm thực sát tuyến đường ven biển bãi tắm xã Phú Thuận, để lộ một hàm ếch lớn - Ảnh: NHẬT LINH
Biển xâm thực gây sụt lún, uy hiếp đời sống của người dân sống ở gần khu vực đập Hòa Duân - Ảnh: NHẬT LINH
Đập Hòa Duân nhìn từ trên cao bị xâm thực nặng - Ảnh: NHẬT LINH
Đăng thảo luận