Nhà tuyển dụng thường đánh giá cao ứng viên tìm hiểu mọi thông tin doanh nghiệp, nêu rõ thế mạnh trong CV, đến phỏng vấn đúng giờ, tác phong chuyên nghiệp.
Trong bài viết 10 cách gây ấn tượng với nhà tuyển dụng tiềm năng, Robert Half - đơn vị có 76 năm hoạt động ở mảng nhân sự - nhấn mạnh tính từ thời điểm gửi đơn ứng tuyển đến kết thúc buổi phỏng vấn, ứng viên cần cẩn trọng, thể hiện tác phong chuyên nghiệp.
Bộ hồ sơ ứng tuyển (CV) là "chìa khóa" đầu tiên để doanh nghiệp hiểu ứng viên là ai, có kinh nghiệm, sở trường gì và có thể đóng góp gì cho đơn vị mình trong tương lai. Muốn tạo ấn tượng tốt với nhà tuyển dụng từ CV, người lao động cần chuẩn bị tốt mọi khâu. Theo đó, bạn nên đọc kỹ mô tả chi tiết công việc doanh nghiệp đăng tuyển, tìm hiểu lịch sử hình thành, phạm vi hoạt động, điểm nổi bật của họ qua website nội bộ. Có thể tham khảo loạt bài viết về công ty qua báo chí, nền tảng số lẫn tài khoản mạng xã hội của doanh nghiệp ấy.
Khi hiểu rõ doanh nghiệp muốn gì, bạn có thể điều chỉnh đơn ứng tuyển phù hợp tiêu chí. Chuyên trang Jobcrystal cũng đồng tình với quan điểm của Robert Half, cho rằng ứng viên cần làm nổi bật thế mạnh bản thân ngay đầu CV, trình bày sao cho gãy gọn, dễ hiểu nhất để nhà tuyển dụng có thể đọc được chúng trong nháy mắt.
Doanh nghiệp thường đánh giá cao những bộ hồ sơ đính kèm loạt chứng chỉ về tiếng Anh, khóa đào tạo liên quan, kỹ năng mềm hay bằng khen bất kỳ. Điều này cho thấy bạn nghiêm túc, tích cực và muốn đóng góp cho công ty.
Trong thời gian đợi nhà tuyển dụng gọi phỏng vấn, ứng viên nên chuẩn bị sẵn sàng cho mọi tình huống, nghiên cứu câu hỏi tiềm năng và soạn sẵn câu trả lời. Nếu chưa có kinh nghiệm, bạn có thể xem video phỏng vấn liên quan ở YouTube hay bất kỳ nền tảng số nào.
Theo Jobcrystal, vì nóng lòng, nhiều ứng viên liên tục gọi điện đến hotline, điện thoại bàn công ty để hỏi nhà tuyển dụng đã nhận được hồ sơ của mình hay chưa, bao giờ thì được gọi phỏng vấn, vô tình gây phiền hà.
"Nhà tuyển dụng phải xử lý hàng trăm hồ sơ cùng lúc, nếu mỗi ứng viên trong số này đều gọi hỏi thăm, họ sẽ phải mất khoảng thời gian lớn trong ngày để trả lời. Nếu muốn cập nhật thông tin, tốt hơn bạn nên gửi email, người đại diện doanh nghiệp có thể phản hồi khi có thời gian", chuyên trang này viết.
Jessica Yeung - Phó giám đốc Robert Half - cho rằng đến buổi phỏng vấn đúng giờ là chìa khóa. Bạn không thể giải thích với người quản lý tương lai mình chậm trễ vì tàu bị hủy, giao thông tắc nghẽn, xe hỏng hay bất kỳ lý do nào khác.
"Hãy có mặt đúng thời gian hoặc sớm hơn vài phút. Đúng giờ là cách bạn tôn trọng thời gian của nhà tuyển dụng, cho thấy độ tin cậy của bạn. Đó cũng là một cách tạo không khí cho phần còn lại của cuộc phỏng vấn". Ngoài ra, doanh nghiệp sẽ có ấn tượng tốt với ứng viên ăn mặc chỉn chu, tác phong chuyên nghiệp, câu từ chuẩn mực, phát âm rõ ràng, không thô lỗ.
Ứng viên chuẩn bị kỹ lưỡng trước buổi phỏng vấn, trang phục lịch sự. Ảnh: Pexels
Sau buổi phỏng vấn, ứng viên có thể gửi mail cảm ơn nhà tuyển dụng. Cách cư xử khéo léo này sẽ tác động đến cách doanh nghiệp nhìn nhận bạn. Kể cả khi nhận được cuộc gọi từ chối hay mail thông báo xin việc thất bại, hãy đảm bảo bạn vẫn lịch sự, điềm đạm.
"Các nhà tuyển dụng hiểu tin từ chối sẽ khiến ứng viên thất vọng và không cố ý làm người lao động khó chịu. Cách bạn phản ứng sẽ ảnh hưởng đến khả năng bạn được cân nhắc cho các vai trò trong tương lai", chuyên trang Jobcrystal cho hay.
Bên cạnh đó, nhiều tập đoàn lớn khuyến cáo người lao động cảnh giác với chiêu lừa tuyển dụng qua mạng xã hội. Theo đại diện Công ty TNHH Quốc tế Unilever Việt Nam, gần đây họ tiếp nhận nhiều email, cuộc gọi, thậm chí ứng viên đến trụ sở công ty trình bày quá trình "sập bẫy".
Cụ thể, các đối tượng xấu mở tài khoản TikTok, lập website giả mạo công ty để đăng tin tuyển dụng. Họ tự xưng phụ trách quan hệ lao động tại Unilever Việt Nam, môi giới ứng tuyển việc làm, xuất khẩu lao động trên trang cá nhân, rồi gửi website giả nhằm tạo độ thuyết phục.
"Ứng viên nhận phiếu ‘Ứng tuyển nhân viên hỗ trợ văn phòng’, điền thông tin và được yêu cầu ứng tiền trước. Các đối tượng này còn làm giả biên lai thu tiền có chữ ký, dấu mộc công ty. Sau chuyển tiền, người lao động chờ đợi hồi âm nhưng vô vọng. Tìm trang cá nhân người thu tiền không thấy, lúc đó họ mới biết mình bị lừa", đại diện Unilever Việt Nam cho hay.
Đại diện Unilever Việt Nam khẳng định đơn vị không kinh doanh xuất khẩu lao động, chính sách ứng tuyển không phải đóng phí, không nộp tiền thế chân. Doanh nghiệp cũng không đăng ký tài khoản bằng tên cá nhân hay tham gia bất cứ hội nhóm nào. Người lao động cần thận trọng, tìm hiểu kỹ thông tin trên các kênh tuyển dụng chính thức của đơn vị, không làm việc với cá nhân nhân danh tổ chức.
"Tất cả thông tin tuyển dụng được đăng tải công khai, rộng rãi với các nội dung: Tuyển dụng với danh xưng tên công ty, mô tả công việc cụ thể, yêu cầu thời gian, địa chỉ làm việc, cách thức ứng tuyển, email nhân viên tuyển dụng sẽ có đuôi @unilever.com", người đại diện cho hay.
Trang web giả mạo tuyển dụng. Ảnh chụp màn hình
Hiện các thương hiệu lớn chủ trương công khai mọi thông tin liên quan hoạt động kinh doanh, tuyển dụng. Do đó, khi nhận bất kỳ lời mời ứng tuyển nào, người lao động cần kiểm tra kỹ ở nguồn tin chính thống của doanh nghiệp.
Ứng viên có thể kiểm tra bằng nhiều cách: gõ trực tiếp tên miền của tổ chức mình muốn ứng tuyển vào cửa sổ trình duyệt để truy cập trực tiếp, không nên kích vào link người khác gửi. Bạn có thể gọi hotline doanh nghiệp để kiểm tra chéo thông tin trước khi đưa ra quyết định.
Hiếu Châu
Unilever Việt Nam tuyển dụng qua các kênh sau:
Website: https://careers.unilever.com/vietnam
Các trang tuyển dụng: LinkedIn, VietnamWorks.com và CareerBuilder
Fanpage: Unilever Careers
Hotline: 0914 835 038
Đăng thảo luận