Khi cô yêu cầu phải được có phần trong miếng đất thừa kế mà cha để lại, thì mẹ cô một mực từ chối, chỉ muốn chia cho con trai.

Cô tôi năm nay 73 tuổi. Ngày còn nhỏ, cô bị mẹ bạo hành rất nhiều và gần như không còn một chút tình cảm nào với mẹ. Thế nhưng, sau tất cả, cô vẫn góp công chăm lo cho bà đến tận ngày hôm nay.

Mẹ của cô là một người phụ nữ thất học, tư tưởng cổ hủ điển hình, nên bao nhiêu đất cát trong nhà, bà đều cắt bán dần để phục vụ cho con trai. Đến khi đất và nhà bị người ta chiếm, chỉ có một mình cô tôi di chuyển mấy chục cây số để theo hầu tòa, quyết đòi lại tài sản của gia đình trong suốt hai năm trời.

Thế nhưng sau đó, khi cô yêu cầu phải được có phần trong miếng đất mà cha để lại, thì bà cụ lại một mực từ chối, chỉ muốn chia cho con trai mà thôi. Dĩ nhiên, mẹ cô chẳng thể làm vậy được vì cha cô mất từ rất lâu, lại không để lại di chúc, nên theo luật, cô nghiễm nhiên có một phần đất thừa kế trong đó.

>> Tám anh em tôi tự chia thừa kế vì cha mẹ không lập di chúc

Thực ra, mục đích mà cô giành phần đất thừa kế này từ mẹ và các em trai chẳng phải để cho mình ấm thân. Cô làm tất cả cũng chỉ để giữ một chỗ ra vào cho mẹ cô sau này. Bởi cô biết rõ tính nết của mấy đứa em mình, chẳng hy vọng gì chúng sẽ chăm được mẹ sau khi chia chác xong nhà, đất.

30 năm trước, dù ở trọ và làm việc tận trên Sài Gòn, cô vẫn đem 25 cây vàng về xây cái nhà trên phần đất giành được (một phần nhỏ nhất trong số đất thừa kế được chia cho các người con). Và đến giờ, mẹ cô vẫn đang sống ở đấy cùng với em cô. Mỗi tháng một hai lần, cô lại về quê để thăm nom, dọn dẹp nhà cửa và mua thêm ít đồ ăn, thức uống cho mẹ già.

Từ câu chuyện của cô, tôi nhận ra rằng, không phải lúc nào con cái giành phần tài sản thừa kế của cha mẹ cũng là xấu. Chưa chắc hành động đó đã xuất phát từ sự tham lam, ích kỷ, cá nhân. Đó có thể là phần mà họ xứng đáng được nhận và cũng là để làm đường lui cho chính cha mẹ họ khi về già.

LQL