Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HoSE) vừa cảnh báo Công ty cổ phần Tập đoàn Đức Long Gia Lai về khả năng bị niêm yết cổ phiếu bắt buộc.
Công ty cổ phần Tập đoàn Đức Long Gia Lai từng vướng vào lùm xùm nợ nần với đối tác Lilama 45.3 - Ảnh: TẤN LỰC
Trong thông báo mới nhất gửi đến Đức Long Gia Lai, HoSE đã lưu ý công ty này về khả năng hủy niêm yết bắt buộc cổ phiếu DLG, nếu báo cáo tài chính kiểm toán năm 2024 tiếp tục có ý kiến kiểm toán ngoại trừ.
Trước đó, HoSE đã nhận được báo cáo tài chính riêng và hợp nhất bán niên năm 2024 của Đức Long Gia Lai. Báo cáo cho thấy vẫn còn tồn tại ý kiến kiểm toán ngoại trừ từ kiểm toán.
Theo quy định tại nghị định 155, cổ phiếu công ty đại chúng bị hủy bỏ niêm yết khi tổ chức kiểm toán không chấp nhận thực hiện kiểm toán, hoặc có ý kiến ngoại trừ đối với báo cáo tài chính năm trong 3 năm gần nhất...
Tại báo cáo tài chính của Đức Long Gia Lai, đơn vị kiểm toán độc lập đã ngoại trừ nội dung xung quanh khoản phải thu về cho vay ngắn hạn/dài hạn là gần 167 tỉ đồng và mục phải thu ngắn hạn khác hơn 28,4 tỉ đồng. Tập đoàn chưa đánh giá khả năng thu hồi theo thực tế của các khoản cho vay ngắn hạn và phải thu ngắn hạn khác.
"Với các tài liệu hiện có tại tập đoàn, chúng tôi cũng không thể thu thập đầy đủ bằng chứng kiểm toán thích hợp để trích lập dự phòng nợ phải thu khó đòi theo thực tế", kiểm toán viên nhấn mạnh.
Đáng chú ý, vào giữa năm nay Đức Long Gia Lai có khoản lỗ thuần của tập đoàn hơn 2.600 tỉ đồng, lỗ gần 2.800 tỉ đồng ở công ty mẹ.
Nợ tiền tỉ, Đức Long Gia Lai lại bị yêu cầu mở thủ tục phá sảnĐỌC NGAY
Đồng thời các khoản nợ ngắn hạn đã vượt quá tài sản ngắn hạn lần lượt gần 830 tỉ đồng (đối với tập đoàn) và hơn 770 tỉ đồng (đối với công ty mẹ).
Không chỉ tại báo cáo bán niên 2024, báo cáo tài chính trong 2 năm liên tiếp 2022 và 2023 của Đức Long Gia Lai cũng ghi nhận ý kiến ngoại trừ.
Giải trình các vấn đề kiểm toán nêu, phía Đức Long Gia Lai cho biết sẽ tiến hành đánh giá khả năng trả nợ theo thực tế của các khoản cho vay ngắn/dài hạn (gần 170 tỉ đồng) và phải thu khác ngắn hạn (hơn 28 tỉ đồng).
Đồng thời doanh nghiệp cũng nói đang làm việc với các đối tác khách hàng để bổ sung tài sản đảm bảo, tăng cường thu hồi các khoản công nợ trên trong năm nay để cung cấp hồ sơ cho đơn vị kiểm toán, nhằm tháo gỡ ý kiến ngoại trừ trong báo cáo tài chính soát xét bán niên 2024 trong thời gian sớm nhất.
Đức Long Gia Lai khẳng định cấu trúc lại tình hình tài chính để giảm tối đa chi phí lãi vay, tăng cường thu hồi nợ, cắt giảm chi phí nhằm giảm nợ vay ngân hàng và các tổ chức.
Công ty này cũng cho biết tình hình sản xuất kinh doanh vẫn hoạt động ổn định, khắc phục các khó khăn trước mắt và thực hiện thành công mục tiêu, chỉ tiêu kế hoạch doanh thu và lợi nhuận đã đề ra.
Cổ phiếu Đức Long Gia Lai còn dưới 2.000 đồng
Hiện cổ phiếu DLG của Đức Long Gia Lai vẫn thuộc diện kiểm soát, do còn bị lỗ lũy kế tại ngày 30-6-2024.
Kết phiên ngày 3-10, thị giá DLG tiếp tục giảm hơn 4,6%, về còn 1.850 đồng mỗi cổ phiếu. Tính chung 1 năm trở lại đây, cổ phiếu của Đức Long Gia Lai đã "bốc hơi" gần 27%. Với mức giá hiện nay, mỗi cổ phiếu của "đại gia phố núi" một thời chưa mua được một cốc trà đá.
Đăng thảo luận