Tổ 1 phường Cự Khối (quận Long Biên, Hà Nội) bị cô lập do nước sông Hồng dâng nhanh, ngập đường sâu 2-3m. Nhóm bạn trẻ chèo SUP đã hỗ trợ nhiều người ra vào từ chiều đến khuya 11-9.
Nhóm bạn trẻ hỗ trợ nhiều người dân khu dân cư sát bờ sông Hồng ra ngoài do nước ngập sâu - Ảnh: HỒNG QUANG
Chiều 11-9, lũ sông Hồng qua Hà Nội đạt đỉnh. Số liệu quan trắc từ Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia lúc 13h cho thấy mực nước con sông này tại Hà Nội là 11,14m, dưới báo động 3 là 0,36m.
Video ngập lụt tại Hà Nội, người dân bơi xuồng trên phố, lũ có thể đạt đỉnh trưa nay - Video: PHẠM TUẤN - NGUYỄN HOÀNG
Ghi nhận tại các quận Long Biên, Gia Lâm, nước sông dâng cao sát chân đê. Nhiều khu dân cư bị cô lập.
Tại khu vực tổ 1 phường Cự Khối (quận Long Biên) nhiều người dân vẫn ở lại nhà. Các xóm ở sát mặt sông nay chìm giữa mênh mông nước. Đường vào đây ngập sâu 2-3m, chỉ có thể đi thuyền.
Khi nước sông dâng nhanh, nhiều người không kịp trở tay di dời. Họ liên tục gọi điện cầu cứu hàng xóm có thuyền để đưa người ra ngoài.
Chị Bùi Thị Bích cùng nhóm bạn thuộc câu lạc bộ SUP Thăng Long chiều 11-9 có mặt tại khu vực này. Họ dùng nhiều chiếc thuyền, SUP đi sâu vào các khu dân cư để mang theo nhu yếu phẩm cho người ở lại hoặc hỗ trợ người muốn ra ngoài.
Từ khu vực chân đê vào các xóm thuộc tổ 1 phường Cự Khối khoảng 1-2km. Mỗi lần ra vào bằng thuyền mất chừng 30 phút.
Chiều 11-9, nước sông Hồng đạt đỉnh ở mức dưới báo động 3. Nước sông tiến sát chân đê ở khu vực phường Cự Khối (Long Biên) - nơi mà thông thường còn cách mặt nước khoảng 1,2km - Ảnh: HỒNG QUANG
Hay tin lực lượng chức năng sẽ đóng các lối mở ra vào đê, từ chiều cùng ngày nhiều người dân ở phía sát mặt đê tất bật di chuyển xe cộ, đồ đạc - Ảnh: HỒNG QUANG
Người dân dùng thùng xốp, thân cây chuối làm phao. Đồ đạc họ để trong thùng để không bị thất lạc hoặc hạn chế ướt - Ảnh: HỒNG QUANG
Nhiều người vẫn quyết bám trụ lại nhà bởi họ cho rằng nước sẽ sớm rút. Đồ đạc được kê lên cao, phát sáng bằng đèn tích điện và ăn uống bằng những đồ cơ bản nhất - Ảnh: HỒNG QUANG
Nhóm 6 công nhân kẹt lại một căn nhà đang xây dựng dở dang. Bữa tối nay của họ là mì tôm. "Mì tôm vẫn còn đủ cho chúng tôi ăn đến hết ngày mai, chỉ thiếu nước sạch để uống", anh Mến nói rồi nhận hơn 10 chai nước từ nhóm bạn trẻ mang đến hỗ trợ.
Hay tin cơ quan chức năng sẽ đóng lối ra vào đê để đảm bảo an toàn, nhiều người quyết định tự đi bằng thuyền ra ngoài để đi làm sớm, hoặc ở lại nhà người thân ngay trong tối 11-9 - Ảnh: HỒNG QUANG
Chiều nay, chị Bùi Thị Bích (sinh năm 1988) cùng nhóm bạn thuộc câu lạc bộ SUP Thăng Long có mặt để hỗ trợ người dân ra ngoài. Với những người ở lại, họ mang theo nhu yếu phẩm để hỗ trợ - Ảnh: HỒNG QUANG
Thấy nhóm bạn trẻ, nhiều người dân hô lớn giúp họ ra ngoài để đến nhà người quen "chạy lũ". "Một nhóm khác của câu lạc bộ đang lên hỗ trợ người dân các tỉnh vùng núi bị cô lập", chị Bích nói - Ảnh: HỒNG QUANG
Chị Bùi Thúy Liễu cùng cậu con trai được nhóm bạn trẻ đưa ra ngoài lúc tối 11-9. Chị nói nước lên nhanh, không kịp di chuyển. Chị đã gọi hàng xóm giúp đỡ nhưng số lượng thuyền có hạn, chưa thể ra ngoài dù trời đã tối. "Mất điện, nước ngập sâu nên tôi đưa con sang nhà người quen ở tạm đến khi nước rút", chị nói.
Các thuyền hơi của lực lượng chức năng cũng liên tục ra vào để giúp người dân ra ngoài - Ảnh: HỒNG QUANG
Tối cùng ngày, lối ra vào đê bị đóng bằng những khối bê tông lớn, xếp cao chừng 1m để đảm bảo an toàn. Cách đó không xa, điếm canh đê được treo hai bóng đèn màu đỏ, cảnh báo mực lũ đạt báo động 2 - Ảnh: HỒNG QUANG
Đăng thảo luận