Đi đầu trong việc thực hiện Đề án 06
Đến thời điểm này có thể khẳng định với những kết quả đã đạt được, Hà Nội xứng đáng là địa phương dẫn đầu cả nước trong việc triển khai đề án 06. Cụ thể, toàn thành phố đã thu nhận và được phê duyệt cấp tài khoản định danh mức 1 và mức 2 là 6.369.117 trường hợp (đạt 106,4%), đã kích hoạt 5.584.946 tài khoản định danh mức 1 và mức 2 (đạt 93,3%). Việc xây dựng hệ sinh thái, dữ liệu dùng chung, làm sạch dữ liệu dân cư, các nhóm dữ liệu, đảm bảo tiêu chí "đúng, đủ, sạch, sống”.
Ứng dụng VNeID tích hợp nhiều dịch vụ tới người dânBên cạnh đó, nhằm ứng dụng, khai thác dữ liệu hộ tịch đã được số hóa, Hà nội đang đề xuất Tổ công tác triển khai Đề án 06 Chính phủ cho phép thực hiện sử dụng dữ liệu hộ tịch điện tử sau khi đã được đối soát, làm sạch với CSDL quốc gia về dân cư để thực hiện thí điểm việc triển khai các TTHC không phục thuộc địa giới hành chính trong lĩnh vực hộ tịch trên địa bàn quận Hoàn Kiếm.
Đối với dữ liệu Bảo trợ xã hội, tính đến nay, đã có 201.827/203.175 đối tượng bảo trợ xã hội đạt tỷ lệ 99,3% được thực hiện chuẩn hóa vào hệ thống CSDL bảo trợ xã hội. Đến ngày 15/9/2024, đã có dữ liệu của 1.885.604 trẻ em hiển thị trên hệ thống phần mềm; 1.732.014 dữ liệu trẻ em được chuẩn hóa, làm sạch, hiển thị trên hệ thống. Thành phố cũng đã rà soát, đối chiếu, làm sạch và nhập dữ liệu thông tin của 78.755/78.866 trường hợp người có công, thân nhân người có công và một số đối tượng do ngành lao động - thương binh và xã hội quản lý đang hưởng trợ cấp hàng tháng trên hệ thống CSDL quốc gia về dân cư (đạt tỷ lệ 99,86%).
Không chỉ vậy, để hướng tới mục tiêu sử dụng mã số định danh cá nhân làm mã số thuế để bảo đảm đồng bộ dữ liệu về thuế với CSDL quốc gia về dân cư, Cục Thuế TP Hà Nội đã hoàn thành 99,9% việc triển khai rà soát, chuẩn hóa dữ liệu mã số thuế cá nhân. Trên cơ sở kết quả chuẩn hóa mã số thuế cá nhân theo Đề án 06, Cục Thuế TP Hà Nội đã định danh thông tin được 418 doanh nghiệp sở hữu sàn thương mại điện tử; 668 chủ thể kinh doanh sản phẩm, nội dung số; 54 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ lưu trú, chuẩn hóa cơ sở dữ liệu về định danh các chủ thể kinh doanh thương mại điện tử, doanh thu kê khai, số thuế đã nộp, tài khoản ngân hàng... của trên 366.857 shop, tương ứng 197.848 mã số thuế.
Ngoài ra, thành phố cũng chỉ đạo các cơ sở y tế, bệnh viện sử dụng thẻ CCCD gắn chip tích hợp BHYT trong khám chữa bệnh, đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt khi thanh toán viện phí. 100% các cơ sở khám, chữa bệnh trên địa bàn thành phố chấp hành nghiêm việc khám chữa bệnh cho người dân bằng CCCD gắn chip thay thế BHYT. Đã có trên 7 triệu người có thẻ BHYT trên địa bàn thành phố được đồng bộ dữ liệu, sử dụng CCCD để đi khám chữa bệnh. Tính đến nay, các cơ sở khám chữa bệnh trên địa bàn đã tiếp đón hơn 4,6 triệu lượt khám chữa bệnh bằng CCCD gắn chip thay thế thẻ BHYT.
iHanoi: kết nối người dân và chính quyền
Chính thức được đưa vào vận hành từ ngày 28/6, tính tới 1/8, Hà Nội đã tổ chức cấp, tạo tài khoản cho công chức, viên chức tại 61/61 cơ quan, đơn vị (30 quận, huyện, thị xã và 31 sở, ban, ngành, đơn vị trực thuộc) nhằm tham gia tiếp nhận, xử lý phản ánh kiến nghị hiện trường trên iHanoi.
Nhiều phản ánh, đóng góp của người dân đã được gửi tới chính quyền thông qua iHanoiChỉ sau 3 tháng hoạt động, iHanoi đã tiếp nhận hơn 12.000 phản ánh, kiến nghị của người dân. Qua đó, các cơ quan chức năng đã xử lý hơn 9.500 phản ánh (đạt gần 80%). Tỷ lệ người dân đánh giá hài lòng, chấp nhận đối với kết quả giải quyết phản ánh, kiến nghị chiếm 60%. Tính tới hiện tại, iHanoi đã có hơn 1 triệu lượt cài đặt và sử dụng.
Nếu như trước kia, phản ánh của người dân nhiều khi chưa được xử lý triệt để thì từ khi có ứng dụng iHanoi các phản ánh được quan tâm và xử lý kịp thời.
Trong đó chức năng “Hanoi Connect” của iHanoi giúp người dân, doanh nghiệp tương tác với cơ quan chính quyền dễ dàng qua: phản ánh hiện trường, phản ánh thủ tục hành chính.
Theo thông tin từ Văn phòng UBND thành phố cho biết, người dân có thể cùng các cơ quan chức năng khác theo dõi, giám sát đến cùng những vấn đề phát sinh tại cơ sở. Đây là ưu thế, mặt tích cực mà chuyển đổi số đã và đang đem lại để góp phần cùng nâng cao hiệu quả quản trị của chính quyền cũng như đời sống của người dân.
Về lộ trình triển khai iHanoi từ nay đến cuối năm 2024, Văn phòng UBND thành phố sẽ tập trung một số tiện ích, ứng dụng phục vụ người dân, doanh nghiệp, như: Hỗ trợ tìm xe buýt; bản đồ điểm đỗ; chat bot; xây dựng nền tảng thanh toán trực tuyến; tiếp nhận đơn khiếu nại, kiến nghị. Người dân Hà Nội sẽ tiến tới đồng bộ, chuyển sử dụng tài khoản VNeID để “chạm để kết nối” iHanoi trong thời gian tới.
Thúc đẩy thanh toán không tiền mặt
Cuối tháng 9/2023, dưới sự chỉ đạo của thành phố, Sở TT-TT, Sở Công thương phối hợp cùng UBND quận Hoàn Kiếm và các ngân hành triển khai tuyến phố không dùng tiền mặt. Điều này đã tạo hiệu ứng mạnh mẽ sau đó được nhân rộng ra nhiều khu vực, giúp đem lại nhiều giá trị cho người dân, doanh nghiệp.
Thanh toán không tiền mặt đang rất phổ biến tại Hà NộiSau khi được triển khai tại các cửa hàng kinh doanh,thanh toán không tiền mặt cũng dần được đưa vào các chợ truyền thống. Chính quyền địa phương phối hợp với các ngân hàng thương mại, doanh nghiệp viễn thông khai trương các mô hình “chợ thông minh 4.0” tại hàng loạt các chợ trên địa bàn quận huyện của thành phố Hà Nội.
Không chỉ ở lĩnh vực mua bán, thanh toán không tiền mặt còn được triển khai ở nhiều lĩnh vực như y tế, giáo dục …và đều nhận được sự hưởng ứng của người dân. Điều này cho thấy sự quyết liệt của thành phố trong chuyển đổi số giúp đem lại lợi ích cho người dân, doanh nghiệp.
Điều này có thể thấy rõ qua việc chi trả đối với các đối tượng hưởng chính sách an sinh xã hội. Với 291.850 đối tượng thuộc diện nói trên, hiện đã có tới hơn 93% được mở tài khoản, số đối tượng có tài khoản và đăng ký nhận trợ cấp qua tài khoản là 266.938 người và số đối tượng có tài khoản nhưng chưa đăng ký nhận trợ cấp qua tài khoản chỉ là 5.315 người. Trong tháng 9/2024, các quận, huyện, thị xã đã thực hiện chi trả an sinh xã hội qua tài khoản cho 129.772 người với số tiền trên 158,5 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, Hà Nội cũng đẩy mạnh việc thanh toán không tiền mặt đối với các điểm trông giữ xe. Tính đến ngày 20/9, đã có tổng số 102 điểm thuộc 8/30 quận thu phí trông giữ xe không dùng tiền mặt. Qua đó có 554.121 lượt giao dịch với tổng số tiền hơn 5,7 tỷ đồng.
Ngoài ra, để dần thay đổi thói quen sử dụng tiền mặt của người dân, doanh nghiệp, Hà nội là địa phương đầu tiên trong cả nước đã ban hành nghị quyết miễn phí, lệ phí khi thực hiện dịch vụ công trực tuyến. Đây được xem là bước đi quan trọng của Thủ đô trong việc xây dựng một xã hội không tiền mặt.
Đẩy mạnh triển khai chữ ký số
Chữ ký số (CKS) cá nhân là chữ ký điện tử có giá trị tương đương với chữ ký tay của mỗi cá nhân nhằm xác thực danh tính của người ký. Đây là công cụ quan trọng, hữu ích giúp người dân tham gia dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) đảm bảo linh hoạt ký duyệt mọi lúc, mọi nơi không cần hồ sơ bản cứng, rút ngắn tối đa thời gian tiến hành giao dịch, giúp tiết kiệm chi phí mà vẫn đảm bảo tính minh bạch trong quản lý, điều hành.
Hà Nội tích cực trong việc phổ biến chữ ký số tới người dânTrong chiến lược quốc gia về phát triển kinh tế số và xã hội số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 có nhấn mạnh về việc triển khai CKS: mục tiêu đến năm 2025 có 50% dân số trưởng thành dùng CKS hoặc chữ ký điện tử cá nhân, đến năm 2030 là trên 70%. Như vậy, CKS cá nhân là xu hướng phát triển tất yếu trong thời gian tới.
Thời gian qua, Hà Nội đã tích cực triển khai ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử theo Đề án 06 của Chính phủ. Hà Nội cũng phối hợp với các doanh nghiệp tập trung triển khai CKS miễn phí cho người dân tại bộ phận một cửa của các Sở, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã để cung cấp chữ ký số và hướng dẫn sử dụng chữ ký số cho người dân khi tham gia DVCTT của TP.
Tính đến nay, 13.285 CKS đã được cấp cho cán bộ, công chức của thành phố; gần 50.000 chữ ký số đã được cấp miễn phí cho người dân để thực hiện các DVCTT, giao dịch điện tử tại các quận, huyện, thị xã nhằm góp phần xây dựng công dân số hướng tới xây dựng chính quyền số trên địa bàn Thủ đô.
Hiện, nhiều người sử dụng dịch vụ CKS đều nhận thấy sự vượt trội cả về thời gian lẫn tiện lợi so với cách ký tay truyền thống. CKS giúp đảm bảo tính chính chủ khi được đơn vị cung cấp dịch vụ CKS xác thực, đảm bảo quy định pháp luật.
Để thực hiện mục tiêu xây dựng TP Hà Nội thông minh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, thành phố yêu cầu các đơn vị tiếp tục triển khai cấp CKS miễn phí và tăng cường tuyên truyền về lợi ích cũng như thuận tiện khi sử dụng CKS trong thủ tục hành chính và giao dịch điện tử. Các đơn vị được giao nhiệm vụ cần bố trí nhân lực để cung cấp, hướng dẫn sử dụng CKS cho người dân.
Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Hà Minh Hải: Để thúc đẩy quá trình chuyển đổi số của Hà Nội sâu rộng và hiệu quả hơn nữa, chính quyền và người dân Thủ đô cần thấm nhuần phương châm 3 thông, 4 sẵn sàng. Cụ thể, 3 thông là: cơ chế thông thoáng, quản trị thông minh và tư tưởng thông suốt. 4 sẵn sàng là: Sẵn sàng điện thoại thông minh, kết nối mạng và được cài đặt iHanoi; Sẵn sàng định danh điện tử và dăng ký tài khoản ngân hàng; Sẵn sàng kỹ năng sử dụng công nghệ, an toàn thông tin và văn hóa trên không gian mạng; Sẵn sàng học hỏi và không ngừng đổi mới sáng tạo
Đăng thảo luận