Sáng 31-10-1984, chính trường và người dân Ấn Độ rúng động trước sự kiện bi thảm: nữ Thủ tướng Indira Gandhi bị chính hai lính cận vệ thân tín nã hàng chục phát đạn ngay tại thủ đô New Delhi.
Bà Indira Gandhi là người gần gũi với nhân dân và ít chịu mặc áo chống đạn - Ảnh: NDTV
Kết quả điều tra sau đó cho thấy nữ thủ tướng xấu số này đã "góp phần" tự kết liễu mình khi bà khước từ các cảnh báo và yêu cầu bảo vệ.
Những phát đạn ám sát của chính vệ sĩ thủ tướng Ấn Độ
Sáng định mệnh đó là buổi làm việc bình thường của Thủ tướng Indira Gandhi. Khoảng 9h20 (giờ Ấn Độ), sau khi giải quyết xong một phần công việc vào đầu buổi sáng tại tư dinh, bà cùng vài trợ lý đi bộ băng qua khu vườn dinh thủ tướng ở số 1 đường Safdarjung để tới văn phòng cho cuộc phỏng vấn đã hẹn của nam diễn viên người Anh Peter Ustinov đang thực hiện phim tài liệu truyền hình Ireland.
Khi VIP bị ám sát - Kỳ 1: Thủ tướng Israel bị ám sát do tình báo kém?
Khi VIP bị ám sát - Kỳ 2: Một phút sơ sẩy, 'sói đơn độc' nã đạn
Khi bước qua chốt bảo vệ có mặt hai vệ sĩ thân quen là Satwant Singh và Beant Singh, bà Indira Gandhi, như lịch thiệp thường lệ, vẫn mỉm cười thân thiện chào họ. Tuy nhiên, đúng lúc đó, họ lại bất ngờ móc súng ra bắn xối xả hàng chục viên đạn vào người bà.
Cận vệ Beant Singh là người bắn ba viên đạn vào bụng bà từ khẩu súng lục ổ quay có 6 viên đạn. Vệ sĩ Satwant Singh là người kế tiếp bắn trọn băng đạn 30 viên vào người bà từ khẩu súng tiểu liên Sterling mà anh ta được trang bị làm hỏa lực mạnh bảo vệ phủ thủ tướng Ấn Độ.
Thủ tướng Indira Gandhi ngã gục ngay xuống lối đi bộ đang rực rỡ ánh nắng ngày đẹp trời. Cùng lúc đó, đội vệ sĩ thường trực tại phủ thủ tướng đã ập đến bắn chết Beant tại chỗ và bắt Satwant trong tình trạng cũng đã bị thương vì trúng đạn.
Tuy nhiên, dù rất nhanh chóng nhưng họ vẫn chậm hơn hai kẻ ám sát vài phút. Bà Indira Gandhi không thể qua khỏi dù đã được chở vào bệnh viện cấp cứu ngay sau đó. Bà trút hơi thở cuối cùng vào lúc 13h20 phút ngày 31-10-1984, chỉ 4 tiếng sau khi bị trúng đạn.
Indira Gandhi, người con gái xinh đẹp của Thủ tướng Jawaharlal Nehru, chỉ thọ 67 tuổi trong sự bàng hoàng và xót thương của người dân Ấn Độ cũng như quốc tế. Kẻ trực tiếp thủ ác còn sống sót Satwant đã bị kết án tử hình và chịu treo cổ cùng một đồng lõa khác là Kehar Singh tại nhà tù Tihar (New Delhi) vào ngày 6-1-1989.
Nếu tôi chết hôm nay, từng giọt máu của tôi sẽ tiếp thêm sinh lực cho quốc gia và dân tộc Ấn Độ vĩ đạiLời Thủ tướng Indira Gandhi nói với công chúng như tiên tri cho chính mình chỉ trước một ngày bà bị ám sát.Sự chủ quan của bà Indira Gandhi
Sau khi thảm kịch xảy ra, các cuộc điều tra đã chỉ rõ nguyên nhân phạm tôi, và trong đó có cả một phần trách nhiệm của Thủ tướng Indira Gandhi khi bà không thực hiện các khuyến cáo của lực lượng bảo vệ.
Ngược lại dòng thời gian, hai năm sau ngày cha bà là cựu Thủ tướng Jawaharlal Nehru qua đời vào năm 1964, người con gái duy nhất của ông là Indira Gandhi đã nhanh chóng tiếp tục vị trí lãnh đạo Đảng Quốc đại. Bà hai lần đắc cử thủ tướng Ấn Độ và tại chức15 năm trong hai giai đoạn 1966 - 1977 và 1980 - 1984.
Thời kỳ bà cầm quyền, Ấn Độ đã xảy ra nhiều diễn biến lớn, đặc biệt cuộc chiến tranh Ấn Độ - Pakistan năm 1971 với kết quả là ra đời Nhà nước Bangladesh, sự phát triển chương trình vũ khí hạt nhân của cả Ấn Độ lẫn Pakistan.
Trong thời gian tại nhiệm, nữ thủ tướng Ấn Độ này cũng có tiếng là người quyết liệt thực hiện các chiến dịch trấn áp phong trào đòi ly khai và quyền lợi tôn giáo của tín đồ đạo Sikh.
Đỉnh điểm căng thẳng là tháng 6-1984, chính phủ của bà đã triển khai quân đội chính quy tiến vào Đền Vàng, nơi thờ tự được xem là đặc biệt linh thiêng của người Sikh ở tỉnh Punjab, để bắt giữ các thủ lĩnh tôn giáo cực đoan phản đối chính phủ.
Cuộc bắt giữ đã dẫn tới bùng nổ bạo lực nghiêm trọng với kết quả hàng trăm tín đồ đạo này bị chết và bị bắt giữ, làm tăng thêm sự phẫn nộ công khai lẫn âm ỉ nguy hiểm trong các tín đạo Sikh.
Thủ tướng Indira Gandhi liên tục bị biểu tình phản đối cũng như bị dọa giết để trả thù. Thế rồi, chỉ 4 tháng sau cuộc bạo lực đẫm máu ở Đền Vàng, thảm kịch không thể cứu vãn đã xảy ra với bà.
Những cuộc điều tra sau vụ ám sát đã cho thấy chính Satwant Singh và Beant Singh, hai vệ sĩ thân tín của bà, là tín đồ sùng đạo Sikh. Sáng định mệnh ngày 31-10-1984, họ đã chủ động đổi ca trực gác cùng nhau để cùng hiệp đồng ra tay ám sát.
Thật ra, chuyện hai tín đồ đạo Sikh đang bị chính phủ trấn áp quyết liệt lại là thành viên đội bảo vệ phủ thủ tướng Ấn Độ cũng chẳng có gì bí mật, bất ngờ. Sự sùng đạo của họ công khai từ lâu.
Các cố vấn và lãnh đạo cảnh sát, quân đội đã khuyến cáo bà Indira Gandhi nên thay thế các nhân vật thân cận là người theo đạo Sikh, đặc biệt là thành viên trong đội bảo vệ, để đảm bảo an toàn, phòng ngừa sự trả thù vì lý do tôn giáo.
Tuy nhiên, nữ thủ tướng này đã từ chối với lý do Satwant Singh và Beant Singh đều là hai vệ sĩ thân tín có thời gian bảo vệ bà, trong đó Beant đã bảo vệ an toàn cho bà suốt 10 năm.
Hơn nữa, bà không thay những vệ sĩ theo đạo Sikh là còn lý do bà muốn cho thấy sự khách quan, công bằng và đoàn kết Ấn Độ của người lãnh đạo chính phủ, và đó cũng là tôn chỉ Đảng Quốc Đại của bà.
Trước đó, nếu bà chịu nghe theo lời khuyến cáo đổi vệ sĩ, có thể đã không xảy ra thảm kịch bi thương này.
Ngoài ra, Thủ tướng Indira Gandhi cũng nhiều lần làm lực lượng an ninh của mình phải căng thẳng khi bà không chịu mặc áo chống đạn lúc ra ngoài, tiếp xúc công chúng. Lý do cũng vì bà Indira Gandhi giống như cha mình và các lãnh đạo khác của Đảng Quốc Đại luôn thể hiện sự đoàn kết, gần gũi và tin tưởng người dân.
Vụ ám sát và đám tang Thủ tướng Indira Gandhi trên báo chí Ấn Độ
Bi kịch tiếp nối
Sau khi mất, Thủ tướng Indira Gandhi được hỏa táng và gìn giữ tro cốt trang trọng tại Đài tưởng niệm Raj Ghat (New Delhi), bên cạnh lãnh tụ tinh thần Mahatma Gandhi.
Tuy nhiên, bi kịch gia đình bà vẫn chưa dừng lại ở đây. Rajiv Gandhi, một người con trai sinh năm 1944 của bà, được tiếp quản vị trí quyền lực của mẹ và trở thành thủ tướng Ấn Độ khi Đảng Quốc Đại đang thiếu người lãnh đạo.
Là thủ tướng khi mới 40 tuổi, trẻ nhất trong lịch sử Ấn Độ, nhưng Rajiv đã nhanh chóng đạt được nhiều thành công trong những vấn đề hóc búa như hòa giải với tín đồ đạo Sikh, đưa nền kinh tế Ấn Độ phát triển...
Tuy nhiên, một lần nữa thảm kịch ám sát lại xảy ra với gia tộc Gandhi. Ngày 21-5-1991, Thủ tướng Rajiv Gandhi đến một cuộc vận động tái tranh cử ở Sriperumbudur. Khi ông rời khỏi xe bọc thép, đi bộ đến vị trí phát biểu thì được nhiều người mang hoa tặng và chúc mừng.
Cùng lúc đó, kẻ ám sát là Kalaivani Rajaratnam cũng tiến đến gần chào ông và kích hoạt thắt lưng chứa thuốc nổ giấu trong váy của cô ta. Cùng thiệt mạng với Rajiv Gandhi còn có 15 người khác cũng không qua khỏi trong vụ nổ và hàng chục người bị thương.
Điều hy hữu là vụ ám sát đã được Haribabu (một kẻ tòng phạm với Kalaivani Rajaratnam) ghi lại bằng phim. Haribabu cũng bị chết trong vụ nổ, nhưng phim ảnh của cô ta được tìm thấy tại hiện trường và được cảnh sát phục hồi thành công để nhanh chóng phá án.
Những kẻ phạm tội là người của phong trào Những con hổ giải phóng Tamil (LTTE) ở Sri Lanka. Động cơ của họ là trả thù cho việc Thủ tướng Rajiv Gandhi đã quyết định đưa quân đến gìn giữ hòa bình ở Sri Lanka để kiềm chế phong trào kháng chiến này.
Nhiều nghi phạm tham gia vụ ám sát này đã bị bắt giữ. Tòa án tối cao Ấn Độ đã kết án tử hình 3 người là Murugan, Santhan và Perarivalan sau nhiều phiên tòa.
Đăng thảo luận