Bộ ảnh ‘Múa rối đầu gỗ’ của Phan Huy Thiệp được trao giải đặc biệt hạng mục Di sản văn hóa - Giải thưởng Nhiếp ảnh Heritage - Hành trình di sản 2024, mang đến cho người xem cơ hội khám phá trò múa rối cạn độc đáo bậc nhất Việt Nam.

Khám phá bí ẩn múa rối đầu gỗ chầu Thánh qua bộ ảnh thắng giải đặc biệt  第1张

Một bức ảnh trong bộ ảnh Múa rối đầu gỗ của Phan Huy Thiệp

Bộ ảnh còn được trao huy chương vàng của Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam - đơn vị bảo trợ cho Giải thưởng Nhiếp ảnh Heritage - Hành trình di sản 2024.

Cùng với những bộ ảnh thắng giải khác tại Giải thưởng Nhiếp ảnh Heritage - Hành trình di sản 2024 và những bức ảnh đẹp của hai photo tour: Hà Giang - Mùa xuân miền đá tai mèo và Heritage - Thái Nguyên 2024 đang được trưng bày tại nhà triển lãm 93 Đinh Tiên Hoàng, Hà Nội, kéo dài đến ngày 16-9.

Rối đầu gỗ - trò rối chỉ biểu diễn trong chùa cho Thánh xem

Bộ ảnh Múa rối đầu gỗ đã chiến thắng hơn 400 bộ ảnh cùng dự thi để chiếm được giải đặc biệt của hạng mục quan trọng ở giải ảnh này.

Bộ ảnh 9 tấm kể câu chuyện thú vị về trò múa rối cạn độc đáo còn ít người biết tới. Múa rối cạn chỉ duy nhất biểu diễn trong chùa, không biểu diễn ở sân khấu nào khác và "biểu diễn cho Thánh xem" là chính, chứ không phải cho người xem.

Khám phá bí ẩn múa rối đầu gỗ chầu Thánh qua bộ ảnh thắng giải đặc biệt  第2张

Múa rối đầu gỗ chỉ được diễn trong chùa, không được mang ra các sân khấu khác - Ảnh: PHAN HUY THIỆP

Nghệ thuật Rối đầu gỗ chầu Thánh hay còn gọi là trò Ổi lỗi hiện nay còn được lưu giữ tại hội chùa Đại Bi ở xã Nam Giang, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định, diễn ra hằng năm từ ngày 20 đến 22 tháng giêng.

Cả nước duy nhất ở hội chùa Đại Bi có một màn trình diễn hát và múa rối hầu Thánh trong nội tự. Mùa lễ hội đầu năm 2024, lễ hội chùa Keo ở Thái Bình đã mời đoàn múa rối đầu gỗ chùa Đại Bi về hát múa tại chùa Keo để tiến tới phục dựng ở ngôi chùa này.

Múa rối chầu Thánh tức là múa cho Thánh xem. Thánh ở đây chính là thiền sư Từ Đạo Hạnh - vị Thánh tổ được thờ ở chùa Đại Bi. Tương truyền thiền sư Từ Đạo Hạnh là tổ sư của nghệ thuật múa rối Việt Nam.

Xung quanh sự ra đời của múa rối đầu gỗ có nhiều huyền tích được dân gian truyền miệng.

Trong đó truyền thuyết được truyền tụng nhiều nhất là Đạo Hạnh có vớt được một cái bọc nhấp nhô trên mặt nước, mở ra thì trong đó có 6 quái thai. Thánh Từ đã mang về nuôi dưỡng, cảm hóa thành những người có ích cho đời, cũng từ đó đặt làm tích trò múa rối.

Khám phá bí ẩn múa rối đầu gỗ chầu Thánh qua bộ ảnh thắng giải đặc biệt  第3张

Múa rối đầu gỗ chầu Thánh là múa cho Thánh xem - Ảnh: PHAN HUY THIỆP

Đậm màu sắc văn hóa tâm linh

Múa rối đầu gỗ mang ý nghĩa ca ngợi đất nước thái bình, dân chúng ấm no hạnh phúc, ca ngợi Đức Thánh, chúc tụng vua chúa và mọi người có cuộc sống ấm no...

Tích trò múa rối đầu gỗ chầu Thánh ở chùa Đại Bi không chỉ là loại hình nghệ thuật đơn thuần mà còn đậm màu sắc văn hóa tâm linh.

  • Bình Định đón bằng di sản văn hóa phi vật thể Nghề chằm nón ngựa Phú Gia

  • Tết Độc lập, xem di sản văn hóa đa quốc gia: thi kéo co làng Hữu Chấp

  • Gần 1 tỉ đồng trao giải cuộc thi vẽ tranh di sản văn hóa Việt Nam

Linh hồn của múa rối đầu gỗ chính là những đầu rối gỗ, hay còn gọi là "thập nhị thánh tượng" gồm sáu tượng rối lớn và sáu tượng rối nhỏ.

Nếu như các con rối của các kiểu rối cạn khác gọi là "quân trò" hay "con trò" thì rối đầu gỗ chùa Đại Bi được gọi là "thánh tượng".

Thường ngày tượng được đặt sau gian chính thờ Phật trong chùa, có thờ cúng, hương nhang. Tương truyền bộ thánh tượng trò múa rối đầu gỗ chùa Đại Bi không dưới 200 năm tuổi.

Mỗi khi lấy tượng ra biểu diễn, các cụ phường rối phải áo the khăn xếp, thắp hương cúng lễ cẩn thận. "Áo mặc" cho thánh tượng gọi là the, vừa là phủ từ cổ tượng trở xuống, vừa che tay người cầm.

Khám phá bí ẩn múa rối đầu gỗ chầu Thánh qua bộ ảnh thắng giải đặc biệt  第4张

Người múa sẽ múa với "thánh tượng", chứ không phải con trò như các trò múa rối khác - Ảnh: PHAN HUY THIỆP

Nhạc cụ của buổi trình diễn tuy chỉ có một bộ gõ, nhưng có tới 26 bài ca, 32 làn điệu rất phong phú và phức tạp.

Sân khấu biểu diễn không hoành tráng, không cầu kỳ, mà chỉ đơn giản là một bước rèm che cách điệu hình sóng nước được mắc vào hai cây cột giữa tiền đường trong chùa, người múa rối, người hát, người gõ nhạc cụ đứng sau tấm màn, quay mặt về phía ban thờ Phật và ban thờ Đức Thánh Từ.

Người múa cầm "thánh tượng" giơ tay múa trồi lên trên tấm màn che như nổi lên trên mặt nước, múa từ trái qua phải…

Khám phá bí ẩn múa rối đầu gỗ chầu Thánh qua bộ ảnh thắng giải đặc biệt  第5张

Bộ ảnh Balicasag - Viên ngọc xanh giữa đại dương của Thiện Nguyễn giành giải đặc biệt hạng mục Kỹ thuật chụp đặc biệt

Giải thưởng Nhiếp ảnh Heritage - Hành trình di sản 2024 còn trao giải cho những bộ ảnh về di sản thiên nhiên rất đẹp.

Như bộ ảnh Voọc Chà Vá chân nâu - Báu vật Sơn Trà của Nguyễn Đức Hoàng được trao giải đặc biệt hạng mục Phong cảnh/Du lịch điểm đến.

Khám phá bí ẩn múa rối đầu gỗ chầu Thánh qua bộ ảnh thắng giải đặc biệt  第6张

Bộ ảnh Voọc Chà Vá chân nâu - Báu vật Sơn Trà của Nguyễn Đức Hoàng

Đặc biệt, bộ ảnh Balicasag - Viên ngọc xanh giữa đại dương của Thiện Nguyễn đoạt giải đặc biệt hạng mục Kỹ thuật chụp đặc biệt, mang đến cho người xem cơ hội được khám phá thế giới vô cùng kỳ thú dưới đáy đại dương.