Ngày 12/8, trao đổi với PV Dân Việt, lãnh đạo Ban quản lý dự án sử dụng vốn vay nước ngoài (ODA) tỉnh Vĩnh Phúc thông tin về tình trạng sạt lở, nứt gãy xuất hiện tại dự án Quản lý nguồn nước và ngập lụt Vĩnh Phúc.
"Thời gian qua, do thời tiết mưa lớn kéo dài khiến 4 điểm kênh mương của dự án quản lý nguồn nước và ngập lụt Vĩnh Phúc sạt lở, nứt gãy, với khoảng chiều dài 60-80m. Dự án quản lý nguồn nước và ngập lụt Vĩnh Phúc đến nay đã cơ bản hoàn thành và đang trong quá trình chạy thử nghiệm nên nhà thầu có trách nhiệm xử lý, khắc phục những điểm sạt lở, nứt gãy xảy ra" - vị này nói.
Dự án chống ngập lụt tại Vĩnh Phúc đang trong quá trình chạy thử nghiệm nhưng xuất hiện nhiều điểm sạt lở, nứt gãy... Ảnh: Hoan Nguyễn
Theo ghi nhận của PV Dân Việt, trong cuối tháng 7, đầu tháng 8, tình trạng sạt lở, nứt gãy xuất hiện tại một số điểm thuộc dự án chống ngập lụt tỉnh Vĩnh Phúc. Trong đó, có kênh trạm bơm Kim Xá, kênh trạm bơm Nguyệt Đức, kênh trạm bơm Ngũ Kiên sạt lở, vỡ mảng, nứt gãy với vết dài, rõ rệt…
Được biết, dự án quản lý nguồn nước và ngập lụt Vĩnh Phúc được thực hiện trên địa bàn 7 địa phương của Vĩnh Phúc gồm các huyện Tam Đảo, Tam Dương, Vĩnh Tường, Yên Lạc, Bình Xuyên, TP Phúc Yên, và TP Vĩnh Yên.
Dự án quản lý nguồn nước và ngập lụt Vĩnh Phúc được chia làm 3 hợp phần: Hợp phần 1 nhằm quản lý rủi ro lũ lụt, thực hiện xây dựng mới 3 trạm bơm tiêu với tổng lưu lượng thiết kế là 145m3/s, xây dựng điều tiết Cầu Tôn - Cầu Sắt, cải tạo nạo vét hệ thống sông Bình Xuyên, cải tạo sông Phan.
Hợp phần 2 của dự án nhằm quản lý môi trường nước, thực hiện xây dựng 5 hệ thống thu gom và xử lý nước thải quy mô nhỏ, xây dựng 33 điểm xử lý nước thải tập trung tại các thôn, xóm, cụm dân cư thuộc khu vực nông thôn dọc sông Phan, xây dựng 6 điểm tập kết rác thải ven sông Phan. Hợp phần 3 nhằm hỗ trợ thực hiện dự án và tăng cường thể chế.
Dự án quản lý nguồn nước và ngập lụt Vĩnh Phúc được kỳ vọng hướng đến hiệu ích nâng cao chất lượng sống người dân, bảo vệ hạ tầng kỹ thuật, tăng hệ số sử dụng đất nông nghiệp, làm gia tăng giá trị sản xuất nông nghiệp, gia tăng giá trị sử dụng đất, góp phần cải thiện môi trường và thu hút các nhà đầu tư đến Vĩnh Phúc.
Được biết, Ban QLDA đã chỉ đạo cán bộ kỹ thuật cùng tư vấn giám sát kiểm tra từng khu vực, gấp rút triển khai khắc phục hậu quả nhanh nhất. "Đây là hư hỏng nhỏ lẻ, cục bộ, không ảnh hưởng đến tổng thể công trình và hoàn toàn có thể khắc phục được", lãnh đạo Ban QLDA cho biết.
Ban QLDA đã chỉ đạo cán bộ kỹ thuật cùng tư vấn giám sát kiểm tra từng khu vực, gấp rút triển khai khắc phục hậu quả nhanh nhất
Tham khảo thêm
Đăng thảo luận