Nghị sĩ Cộng hòa Greene nêu thuyết âm mưu cáo buộc chính phủ liên bang chuyển hướng bão Helene vào các khu vực ủng hộ đảng này và ông Trump.
"Đúng vậy, họ có thể kiểm soát thời tiết. Thật nực cười khi có người nói dối rằng đó là điều không thể", Marjorie Taylor Greene, nghị sĩ Cộng hòa đại diện bang Georgia, đăng trên mạng xã hội X cuối tuần trước, đề cập tới chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden.
Bà Greene còn đăng bản đồ các bang chịu ảnh hưởng nặng nề từ cơn bão Helene hồi cuối tháng 9, gồm Florida, Georgia, Bắc Carolina, Nam Carolina, nói rằng đây là những nơi tập trung phần lớn cử tri đảng Cộng hòa ủng hộ cựu tổng thống Donald Trump.
Hạ nghị sĩ Marjorie Taylor Greene tại Savannah, Georgia, hôm 24/9. Ảnh: AP
Bài đăng của bà Greene đã thu hút hơn 42,7 triệu lượt xem, hàng chục nghìn lượt chia sẻ và bình luận, chủ yếu là chỉ trích thuyết âm mưu vô căn cứ này. Mạng xã hội X cũng đính kèm lưu ý dưới bài đăng rằng "Dù có thể tạo mây quy mô nhỏ để tạo mưa cục bộ, công nghệ hiện đại chưa tạo được bão".
Người dẫn chương trình Alex Jones, "trùm thuyết âm mưu" Mỹ, cũng đồng tình với quan điểm của bà Greene, cho rằng "chính phủ liên bang hoàn toàn có thể dập tan bão Helene từ Vịnh Mexico", trước khi nó đổ bộ vào đất liền Mỹ.
Ông Jones và bà Greene đều chỉ ra rằng chính phủ có thể tạo mây làm mưa nhân tạo, coi đó là bằng chứng cho thấy họ có thể kiểm soát được bão Helene. Chính quyền Tổng thống Biden chưa lên tiếng, nhưng hàng loạt trang chống tin giả đã bác bỏ những cáo buộc và thuyết âm mưu thiếu cơ sở này.
Mưa nhân tạo xuất hiện từ những năm 1940 và đã được hàng chục quốc gia áp dụng. Quá trình nghiên cứu dùng công nghệ này để tác động lên các cơn bão từng được tiến hành năm 1962-1983, song kết thúc vì không hiệu quả, theo Cơ quan Quản lý Khí quyển và Đại dương Quốc gia Mỹ.
Bão Helene đổ bộ Mỹ khiến hơn 230 người thiệt mạng, tàn phá các bang Florida, Georgia, Nam Carolina, Bắc Carolina, Virginia và Tennessee. Đây được coi là cơn bão chết chóc nhất đổ bộ Mỹ kể từ sau cơn bão Katrina năm 2005.
Sức tàn phá của cơn bão làm rộ lên nhiều thuyết âm mưu trong đảng Cộng hòa trước thềm cuộc bầu cử tổng thống vào tháng 11. Ông Trump thậm chí còn cáo buộc vô căn cứ rằng Nhà Trắng đang chuyển nguồn lực khắc phục hậu quả thiên tai cho các chương trình hỗ trợ người nhập cư.
Cơ quan Phản ứng Khẩn cấp Liên bang Mỹ (FEMA) đã bác bỏ cáo buộc này. Bản thân Trump khi còn nắm quyền từng ra lệnh cho FEMA chuyển hướng ngân sách để hõ trợ các chính sách quản lý nhập cư cứng rắn của mình.
Giới quan sát cảnh báo tin giả, thuyết âm mưu và các thông tin chưa được kiểm chứng có thể tác động đáng kể đến dư luận trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm nay, trong bối cảnh ông Trump liên tục đưa ra các cáo buộc vô căn cứ và nhận được sự ủng hộ nhiệt thành của nhiều thành viên đảng Cộng hòa.
Ngọc Ánh (Theo CBS, CNN, AP)
Đăng thảo luận