Nhiều người mù ở tỉnh Khánh Hòa và các địa phương trên cả nước đã tự tin sử dụng điện thoại cảm ứng, thực hiện các thao tác như nghe tin tức trên YouTube, gọi điện thoại, soạn tin nhắn Zalo...

Người mù sử dụng điện thoại cảm ứng ra sao?  第1张

Ông Dương Thành Truyền - ủy viên hội đồng quản lý Quỹ Từ thiện sách nói cho người mù - trao tặng điện thoại cảm ứng cho người mù tỉnh Khánh Hòa - Ảnh: NGUYỄN HOÀNG

Ngày 1-8, Trung tâm Hỗ trợ phát triển công nghệ cho người mù (thuộc Quỹ Từ thiện sách nói cho người mù TP.HCM) phối hợp Hội Người mù tỉnh Khánh Hòa bế giảng lớp sử dụng điện thoại cảm ứng cho người mù ở các địa phương trên địa bàn tỉnh này. 

Chương trình cũng trao tặng 14 điện thoại di động cho 14 học viên người mù.

Người mù dạy người mù dùng điện thoại thông minh

Người mù sử dụng điện thoại cảm ứng ra sao?  第2张

Anh Trịnh Minh Tài thực hiện các thao tác gọi điện thoại trên ứng dụng Zalo - Ảnh: NGUYỄN HOÀNG

Lớp học sử dụng điện thoại cảm ứng cho người mù diễn ra trong 7 ngày, với 14 học viên. Người thầy mù đứng lớp là ông Phan Tấn Minh - ủy viên thường trực Hội Người mù tỉnh Khánh Hòa.

Ông Minh chia sẻ những ngày đầu nhiều học viên cảm thấy bỡ ngỡ vì sợ không thể sử dụng điện thoại cảm ứng được, tuy nhiên ông vẫn động viên, khích lệ tinh thần, vì chính ông là người từng trải qua những khó khăn đó.

  • Gieo âm nhạc vào tâm hồn trẻ khiếm thị

  • ‘Đổi túi nilông nhận nông sản’ của các cô gái khiếm thị

Đầu tiên, ông Minh hướng dẫn các học viên mù làm quen điện thoại, các thao tác vuốt, bấm để họ hình dung được các chức năng của chiếc điện thoại cảm ứng.

"Những ngày sau đó, tôi cố gắng hướng dẫn cho học viên những ứng dụng cơ bản như gọi điện thoại, nhắn tin trên Zalo, nghe tin tức trên YouTube, lưu số trên danh bạ... Đến nay các học viên đã sử dụng được điện thoại cảm ứng" - ông Minh nói.

Giải pháp là thay vì quẹt màn hình điện thoại từ trái qua phải thì người mù sẽ nhích ngón tay của họ bên tay trái để di chuyển màn hình, từ đó điện thoại sẽ đọc lên các âm thanh là màn hình chờ, màn hình tin nhắn, màn hình gọi điện thoại... 

Khi nghe được đến trang mình cần thì người mù sẽ bấm enter bên tay phải và sử dụng.

Cụ Lê Văn Thắng, một người mù 68 tuổi, bày tỏ niềm vui vì có thể sử dụng điện thoại thông minh.

"Giờ tôi có thể tự gọi điện thoại cho con cháu, cũng như có thể truy cập vào YouTube để nghe tin tức thời sự" - ông Thắng chân tình.

Nhiều tiện ích giúp người mù 

Người mù sử dụng điện thoại cảm ứng ra sao?  第3张

Người mù thực hiện gọi điện thoại thông qua trợ lý ảo trên điện thoại - Ảnh: NGUYỄN HOÀNG

Bà Nguyễn Lê Hoàng Quỳnh - phó giám đốc Trung tâm Hỗ trợ phát triển công nghệ cho người mù - cho biết trung tâm luôn cố gắng để người mù có thể sử dụng điện thoại cảm ứng thành thạo như người bình thường.

Theo bà, các lớp học sử dụng điện thoại cảm ứng cơ bản dành cho người mù kéo dài trong 7 ngày, trong đó có 6 bài cơ bản như nghe - gọi điện thoại, sử dụng điện thoại trong việc giải trí, truy cập các trang mạng khác để lấy thông tin, tin tức...

"Nhờ vào phần mềm trợ lý ảo trên mỗi điện thoại nên khi người mù đã học nhuần nhuyễn cũng như đã quen với các thao tác thì có thể đặt xe, chuyển khoản trên điện thoại, thậm chí là tham gia thương mại điện tử, bán hàng..." - bà Quỳnh nói.

Người mù sử dụng điện thoại cảm ứng ra sao?  第4张

Những chiếc điện thoại thông minh được cài đặt sẵn trợ lý ảo tiếng việt đã trao tận tay cho người mù tỉnh Khánh Hòa - Ảnh: NGUYỄN HOÀNG

Ông Dương Thành Truyền - ủy viên hội đồng quản lý Quỹ từ thiện sách nói cho người mù - cho biết ngày xưa người mù muốn đọc chữ thì phải dùng chữ Braille (chữ nổi), nên để đọc một đoạn văn bình thường thì phải đổi qua chữ Braille lại trở thành một trang sách lớn, vì vậy người mù gặp nhiều trở ngại.

"Giờ đây các ứng dụng trên điện thoại, máy tính đều có thể biến chữ thành giọng nói nên người mù hoàn toàn có thể thao tác dễ dàng được" - ông Truyền nói.