Dù không phải tất cả 10 mô hình kinh doanh phi truyền thống dưới đây đều bền vững, nhưng chúng mang lại cái nhìn sâu sắc về cách doanh nghiệp có thể suy nghĩ vượt ngoài khuôn khổ, tìm ra những thị trường ngách trong nền kinh tế toàn cầu đầy cạnh tranh.
1. Không khí đóng chai
Nghe có vẻ vô lý, nhưng việc bán không khí sạch đóng hộp đã trở thành một ngành kinh doanh sinh lời, đặc biệt ở các quốc gia mà ô nhiễm là một vấn đề nghiêm trọng. Công ty Vitality Air của Canada đưa không khí trong lành từ dãy núi Rocky vào hộp nhỏ hoặc chai 7,7 lít, bán với giá hơn 15 USD (chủ yếu tại thị trường Trung Quốc, Ấn Độ, Hàn Quốc).
Ở thành phố Đà Lạt (tỉnh Lâm Đồng) cũng có cửa hàng bán túi không khí với giá 10.000 đồng. Có cửa hàng bán chai thủy tinh chứa không khí Đà Lạt, không khí chợ đêm Đà Lạt hoặc không khí nhà ma Đà Lạt.
Sản phẩm không khí “xa xỉ”. Ảnh: Vitality Air
Ý tưởng phải trả tiền cho thứ miễn phí như không khí có thể nghe thật phi lý, nhưng mô hình này khai thác nhu cầu cơ bản về sức khỏe và sự an lành của con người, đặc biệt là ở các trung tâm đô thị bị công nghiệp hóa hoặc ô nhiễm.
2. Cho thuê bạn bè
Cô đơn đã trở thành một vấn đề ngày càng tăng trong xã hội hiện đại, và một số doanh nghiệp đã tận dụng điều này bằng cách cung cấp dịch vụ cho thuê bạn bè. Các trang web như RentAFriend.com (trụ sở ở Mỹ) cho phép mọi người trả tiền để có người bạn đồng hành trong các sự kiện, vui chơi, thậm chí chỉ bảo họ về những sở thích mới.
Ý tưởng đơn giản là: mọi người thuê “bạn bè” để cùng tham gia các hoạt động xã hội. Thuê bạn đồng hành, người yêu để có người trò chuyện, đi dự sự kiện cũng đang dần phổ biến ở Việt Nam, Trung Quốc (phí khoảng 20 nhân dân tệ cho nửa giờ), Nhật Bản, Hàn Quốc…
Ra đời năm 2018, dịch vụ “Oh my oppa” chuyên cho du khách “thuê” nam thanh niên Hàn Quốc đẹp trai, biết nói tiếng Anh.
3. Trả tiền tùy tâm
“Trả bao nhiêu tùy thích” (Pay-What-You-Want, PWYW) là một mô hình kinh doanh táo bạo cho phép khách hàng tự quyết định số tiền họ muốn trả cho sản phẩm hoặc dịch vụ. Ban nhạc rock Radiohead (Anh) đã áp dụng mô hình này khi phát hành album “In Rainbows” vào năm 2007, cho phép người hâm mộ chọn số tiền họ muốn trả để tải về.
Cách tiếp cận này đã được nhiều nhà hàng, nhà phát triển phần mềm và các ngành khác áp dụng để thu hút khách hàng theo cách độc đáo. Tại Hà Nội, quán cà phê Refined đặt một hộp gỗ ghi dòng chữ “Hộp trả tiền tùy tâm trạng”, để khách tuỳ ý trả tiền vào hộp trước khi về.
4. Bất động sản ảo
Khi các thế giới ảo ngày càng phát triển, bất động sản kỹ thuật số đã trở thành một cơ hội đầu tư hợp pháp. Các nền tảng như Decentraland, The Sandbox… cho phép người dùng mua, phát triển và giao dịch đất ảo bằng công nghệ blockchain (chuỗi khối). Dù nghe có vẻ kỳ quặc khi mua tài sản trong một thế giới không tồn tại thực tế, nhiều công ty và cá nhân đã kiếm được lợi nhuận đáng kể từ việc mua bán các mảnh đất ảo, tổ chức sự kiện ảo hoặc phát triển cửa hàng trong các môi trường này.
Bất động sản kỹ thuật số đã trở thành một cơ hội đầu tư hợp pháp. Ảnh: Metaverse
Bất động sản ảo phản ánh thị trường bất động sản thực tế theo nhiều cách, với đất “vàng” có “vị trí đắc địa” được bán với giá cắt cổ. Nếu Metaverse tiếp tục phát triển, mô hình kinh doanh kỳ lạ này có thể định hình lại cách con người nghĩ về tài sản và quyền sở hữu. Là một thế giới kỹ thuật số bên cạnh thế giới thực, Metaverse là nơi mọi người có thể tương tác với nhau thông qua các ứng dụng và thiết bị thực tế ảo.
5. Ăn trong im lặng
Trong một thế giới đầy tiếng ồn và sự phân tâm, một số doanh nghiệp đã thành công nhờ cung cấp không gì khác ngoài sự im lặng. Ví dụ, nhà hàng Eat tại Brooklyn, New York (Mỹ) yêu cầu thực khách giữ im lặng trong suốt bữa ăn, biến trải nghiệm ăn uống thành một hoạt động thiền định và suy ngẫm. Giai đoạn đại dịch COVID-19, một nhà hàng Việt Nam ở Thụy Điển hút khách nhờ yêu cầu khách khi ăn không nói năng gì.
Ý tưởng trả tiền để ngồi im lặng với những người lạ xung quanh có thể nghe khá lạ lẫm, nhưng trong thời đại mà sức khỏe tinh thần và chánh niệm được coi trọng, sẽ xuất hiện những doanh nghiệp chuyên phục vụ các cá nhân tìm kiếm sự yên bình giữa cuộc sống bận rộn.
6. Dựa vào đám đông
Trong khi hầu hết các công ty dựa vào đội ngũ nội bộ để đổi mới, một số doanh nghiệp đã chọn cách không chính thống là thuê đám đông khách hàng để giải quyết vấn đề. Các nền tảng như Quirky (trụ sở ở Mỹ) cho phép khách hàng gửi ý tưởng về sản phẩm mới, và nếu ý tưởng đó thu hút đủ sự chú ý, công ty sẽ hiện thực hóa nó.
Mô hình đổi mới dựa trên đám đông này thay đổi vai trò của khách hàng từ người tiêu thụ thụ động thành nhà sáng tạo tích cực.
7. Cho thuê mọi thứ
Các nền tảng như Fat Llama (trụ sở ở Anh) cho phép người dùng cho thuê bất kỳ thứ gì từ dụng cụ điện đến thiết bị chụp ảnh, trong khi các công ty như Turo (trụ sở ở Mỹ) cung cấp dịch vụ cho thuê xe giữa các cá nhân.
Kinh tế chia sẻ phát triển dựa trên khái niệm về các tài sản không được sử dụng hết, cho phép người ta kiếm tiền từ tài sản cá nhân mà không cần sở hữu lâu dài. Từ việc cho thuê quần áo đến túi xách xa xỉ, mô hình này thách thức các quan niệm truyền thống về tiêu dùng, xóa mờ ranh giới giữa tài sản cá nhân và tài sản cộng đồng.
8. Dữ liệu là tiền
Dữ liệu đã trở thành một trong những hàng hóa có giá trị nhất trong thế giới hiện đại, và một số công ty đã áp dụng mô hình kinh doanh cung cấp dịch vụ miễn phí đổi lấy dữ liệu khách hàng. Các nền tảng như Facebook, Google… cung cấp quyền truy cập miễn phí vào dịch vụ của họ, nhưng đổi lại, họ thu thập lượng lớn dữ liệu người dùng, sau đó kiếm lời thông qua quảng cáo hướng mục tiêu.
Dữ liệu là tiền tệ. Minh họa: Dasca
Mô hình “dữ liệu là tiền” đã trở thành phổ biến trong nền kinh tế số. Người dùng không trả bằng tiền, nhưng họ trả bằng thông tin cá nhân, dẫn đến những lo ngại về quyền riêng tư và bảo mật dữ liệu.
9. Công khai lương bổng
Một số công ty đã áp dụng mô hình minh bạch triệt để như một phần cốt lõi trong kinh doanh, công khai tài chính, lương bổng, thậm chí cả quy trình ra quyết định nội bộ. Công ty quản lý mạng xã hội Buffer (trụ sở ở Mỹ) nổi tiếng với việc công khai tất cả mức lương của nhân viên trực tuyến để mọi người có thể xem.
Mô hình này dựa trên niềm tin rằng, minh bạch sẽ thúc đẩy niềm tin và trách nhiệm, cả trong công ty và với khách hàng.
10. Tiếp thị gây sốc
Trong thời đại mạng xã hội, nhiều doanh nghiệp ngày càng sử dụng các chiến thuật tiếp thị viral (lan truyền) dựa trên giá trị sốc, chiêu trò và chiến dịch kỳ lạ để thu hút sự chú ý. Ví dụ, KFC (Mỹ) tung ra kem chống nắng có mùi gà rán như một món đồ khuyến mãi, Cards Against Humanity (Mỹ) khuyến mãi kiểu phi lý, như đào một hố vô nghĩa hoặc bán hộp phân bò vào ngày giảm giá Black Friday…
Nhiều chiến lược tiếp thị kỳ lạ đã thành công vì chúng tận dụng tính lan truyền của mạng xã hội, nơi càng kỳ lạ càng có khả năng được chia sẻ, thích và bình luận.
Xem nhiềuKinh tế
Giá vàng thế giới bứt tốc tăng cao kỷ lục
Kinh tế
Giá vàng nhẫn tăng cao nhất lịch sử
Kinh tế
Thương lái Trung Quốc 'quay xe', giá cau ở Quảng Ngãi lao dốc
Kinh tế
Đề xuất nghỉ 4 ngày Quốc khánh năm 2025, dịp 30/4 nghỉ 5 ngày
Kinh tế
Đăng thảo luận