Gắn bó với Hà Nội hơn 20 năm, chứng kiến nhiều trận mưa bão, ngập lụt, nhưng chưa bao giờ tôi thấy nhiều cây xanh bị quật đổ đến thế.

Buổi sáng sau cơn bão Yagi lịch sử, 30 năm mới gặp một lần, Hà Nội lặng gió, bớt mưa. Nhưng phố phường còn ngổn ngang cây đổ, cành nghiêng, tơi bời xác lá, những mảnh vỡ của gạch ngói, mái tôn, biển hiệu, rác rưởi... bay tứ tung trong trận cuồng phong đêm qua. Từ sáng sớm, người người xuôi ngược ra đường mà trong lòng vẫn thấp thỏm lo âu.

Sinh ra, lớn lên ở miền Trung, tôi vốn không xa lạ gì với thiên tai, bão, lũ. Nhớ những ngày thơ ấu, vì còn bé, chưa phải tham gia chống bão với cả nhà, tôi là thành viên vô lo nhất trong mỗi lần bão "ghé thăm". Nhưng trong hồi ức thẳm sâu của mình, tôi vẫn còn vương lại cảnh tượng hãi hùng của gió gào, mưa xối, nhà đổ, mái bay, người chết, gia súc lạc đàn...

Nhớ có lần, vào năm tôi lên 8 tuổi, gia đình ở trong căn nhà gỗ tại một ngã ba trống trải. Khi bão ập tới, bố mẹ và anh, chị tôi mỗi người ôm một cột nhà chống đỡ suốt đêm. Riêng tôi là con gái út nên được bố dắt ra sân, buộc cùng cái xe đạp vào gốc cây bạch đàn để phòng gió thổi bay mất. Hồi đó, hình như chỉ có những ngôi nhà tạm bợ là dễ bị tàn phá, còn cây cối lại bám trụ rất kiên cường trước bão dông.

Gắn bó với Hà Nội hơn 20 năm, chứng kiến mưa lớn, ngập lụt đã nhiều, nhưng chưa bao giờ tôi gặp cảnh gió bão kinh hoàng đến thế. Theo dõi báo, đài, các trang mạng, hội nhóm, cập nhật tin tức mà ai cũng nín thở. Mảnh đất Thăng Long trù phú, phồn thịnh, nơi địa hình rộng mà bằng phẳng, lại có thế "rồng cuộn hổ ngồi"... là nơi lý tưởng để định đô và an cư, đã được tiền nhân chọn làm đất đế đô, nhưng gặp trận bão lớn lần này đúng là ngoài tưởng tượng và khiến không ít người phải suy tư.

Giữa rất nhiều thiệt hại từ trận bão lịch sử, một thiệt hại rất lớn của Hà Nội lần này là cây xanh. Hàng chục nghìn cây lớn, cây bé, cây thấp, cây cao, cây chục năm, thậm chí cây trăm năm tuổi cũng gãy cành, bật gốc. Có những cây xanh đã đứng đó, lặng lẽ tỏa bóng mát, nhìn ngắm những đổi thay và lưu dấu ký ức của nhiều góc phố, nhiều gia đình, nhiều mảnh đời..., nên sự mất mát đối với họ là không dễ mà bù đắp được.

Người Thăng Long – Hà Nội thanh lịch, văn minh và đa cảm, nên mỗi nhành cây, ngọn cỏ cũng đều hữu tình. Sau bão, người dân vừa dọn cây vừa khóc, khóc thương cây và thương hồn phố. Nỗi niềm xót thương cây cỏ cũng là biểu hiện của trình độ văn minh, của văn hóa ứng xử với thiên nhiên của người Hà Nội.

Thành phố sẽ mất bao nhiêu thời gian, công sức, tiền bạc để trồng lại được những cây xanh bóng tỏa? Dự án cây xanh không chỉ để kiến tạo không gian xanh cho đô thị mà còn là cách giữ lấy sắc xanh tuyệt diệu của thành phố hòa bình, là cách gìn giữ sự bình yên cho phố thị và làm an lòng người dân.

>> Tại sao cắt trụi hàng loạt cây xanh ở TP HCM?

Vấn đề cây xanh ở Hà Nội đã nóng lên hàng thập kỷ. Mấy năm gần đây, được sự chỉ đạo của chính quyền các cấp, sự tham góp tư vấn của nhiều chuyên gia và sự chung tay của xã hội, nhiều giống cây mới đã được gây giống, nhập về, phủ xanh nhiều tuyến phố. Nhưng việc 17.000 cây ở khu vực nội đô dễ dàng bị gãy, đổ, bật gốc trong bão Yagi khiến dư luận không khỏi băn khoăn.

Vấn đề kỹ thuật trồng cấy, cách chọn giống cây phù hợp với môi trường, thổ nhưỡng; vấn đề hạ tầng đô thị khu vực cây xanh; vấn đề chăm bón, bảo vệ cây sau trồng và trách nhiệm của các cá nhân, tổ chức liên quan đến toàn bộ quy trình của dự án phát triển cây xanh cần được nghiêm túc nhìn nhận và kịp thời có hướng giải quyết triệt để.

Trồng cây không dễ. Chăm sóc, nuôi dưỡng cây và đặc biệt là bảo vệ cây trước các tình huống khẩn cấp là việc khó hơn nhiều. Sau sự cố tưởng chỉ là của tự nhiên này, rất cần một sự thay đổi lớn và quyết tâm cao. Chiến lược phát triển cây xanh gắn với quy hoạch tổng thể đô thị, bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu là hướng đi tất yếu trong thời gian tới.

Nhưng để thực hiện hiệu quả, cần có sự thay đổi trong nhận thức, tư duy cũng như trách nhiệm, quyết tâm cao của cộng đồng. Thành phố cũng cần những chính sách đúng và kịp thời, quy hoạch bài bản và phù hợp đi liền với cơ chế đầu tư thỏa đáng và cơ chế kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm với chế tài đủ mạnh, đủ sức răn đe...

Đôi khi, sự nổi giận của một ai đó khiến ta nhìn lại chính mình. Còn sự nổi giận của mẹ thiên nhiên luôn buộc con người phải thức tỉnh và ứng xử khác. Đằng sau chuyện bão, cây, là văn hóa ứng xử của con người với thiên nhiên, với cộng đồng và cũng là với chính mình.

N.T.T.N