"Mưa trên cánh bướm" với Tú Oanh đóng chính được nhận xét là tác phẩm độc đáo và sáng tạo về một cuộc đánh ghen kỳ lạ, có cả chất bi và hài kịch, xoay quanh thân phận của người phụ nữ tại Việt Nam.
Một cảnh từ phim
Tối ngày 6/9 theo giờ Rome, phim điện ảnh "Mưa trên cánh bướm” của Dương Diệu Linh đã thắng 2 giải Phim hay nhất (IWONDERFULL Grand prize) và Phim sáng tạo nhất trong chương trình Tuần lễ Phê bình phim quốc tế, thuộc Liên hoan Phim Venice năm 2024.
Giải Phim hay nhất mang về cho êkíp phần thưởng 10.000 euro (khoảng hơn 270 triệu đồng). Giải Phim sáng tạo nhất là hạng mục được hội đồng các nhà phê bình dưới 35 tuổi chấm.
Diễn viên Tú Oanh (Gia đình mình vui bất thình lình, Hương vị tình thân) đóng chính, chia sẻ cảm xúc mừng rỡ và thốt lên "Tôi ngớ cả người ra đây” khi nghe tên phim được xướng lên. Bùi Thạc Phong, con thứ hai của Tú Oanh và chồng là đạo diễn Bùi Thạc Chuyên - cũng là một diễn viên trong phim, có mặt cùng êkíp tại buổi trao giải.
Ban giám khảo dành lời khen cho sự độc đáo và sáng tạo của phim, nhận xét phim "kết hợp giữa hài hước, bi kịch xã hội và yếu tố giả tưởng đồng thời khắc họa sự phức tạp trong mối quan hệ mẹ con.”
Trước đó vào ngày 4/9, phim được công chiếu và nhận về tràng pháo tay dài 2,5 phút.
"Mưa trên cánh bướm” (tựa Anh: Don’t cry butterfly) bắt đầu bằng cuộc đi đánh ghen của hai mẹ con Tâm và Hà (lần lượt do Tú Oanh, Nam Linh đóng), sau khi phát hiện ra chồng và cha mình ngoại tình tại một trận bóng đang được phát sóng truyền hình cả nước. Bà Tâm tìm đến một thầy pháp qua mạng để mong chồng hồi tâm chuyển ý, song lại vô tình đánh thức một thế lực siêu nhiên bí ẩn trong chính ngôi nhà của mình.
Tác phẩm chính kịch pha trộn giữa nhiều thể loại hài hước, kinh dị và kỳ bí, là hành trình khám phá đầy tính cá nhân của Dương Diệu Linh về số phận của người phụ nữ Việt. Vì sao những người phụ nữ luôn phải chịu đựng rất nhiều, cả ngoài đời lẫn trên các bộ phim truyền hình, là một trong những câu hỏi cô luôn tự đặt ra. Loạt phim ngắn và phim dài đầu tay "Mưa trên cánh bướm" là cách mà Dương Diệu Linh bày tỏ quan điểm và thái độ của riêng mình.
Trang Indiewire có bài gọi "Mưa trên cánh bướm” là một phim đầu tay đậm chất "ma thuật,” đầy kịch tính và mê hoặc. Tác giả Josh Slater-Williams của bài viết chấm điểm B cho phim và nhận xét: Tài năng của Dương Diệu Linh là không bao giờ chùn bước trong việc sáng tạo những hình ảnh không thể phai mờ, dù trước đó đã ra mắt một số phim ngắn. "Điều này khiến cô trở thành một nghệ sỹ đáng chú ý, đáng xem, giữa một giai đoạn bùng nổ của điện ảnh Việt Nam tại nước ngoài,” Williams nhận định, nhắc đến Phạm Thiên Ân và Trương Minh Quý.
Tại Liên hoan Phim Venice năm nay, "Mưa trên cánh bướm” là một trong 7 phim, được chọn từ 700 tác phẩm được gửi về từ khắp thế giới cho Tuần lễ Phê bình phim Quốc tế (Settimana Internazionale della Critica). Chương trình diễn ra song song liên hoan phim, từng khởi động sự nghiệp của nhiều đạo diễn được đánh giá cao như Kenneth Lonergan (Manchester by the Sea), Olivier Assayas (Irma Vep) hay Mike Leigh.
10 năm trước cũng tại Liên hoan Phim Venice, "Đập cánh giữa không trung” của đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp giành giải Phim hay nhất ở Tuần phê bình phim quốc tế. Giải thưởng do Liên đoàn các nhà phê bình phim châu Âu và Địa Trung Hải (FEDEORA) trao cho tác phẩm đầu tay.
Sau Venice, "Mưa trên cánh bướm” sẽ tiếp tục tham dự Liên hoan Phim Toronto (Mỹ) - một liên hoan phim được coi như bước đệm dẫn đến Oscar, sau đó chiếu tại chương trình Cửa sổ châu Á tại Liên hoan Phim Busan. Phim sẽ được CGV phát hành tại Việt Nam sau thời gian "vi vu” nước ngoài./.
Đạo diễn Dương Diệu Linh sinh năm 1990, là đạo diễn điện ảnh độc lập từng học điện ảnh tại Singapore. Chị đã cho ra mắt nhiều phim ngắn cùng đề tài về nội tâm người phụ nữ Việt Nam, đặc biệt là người trung niên và cao niên, như "Mẹ, con, những giấc mơ" (2018), "Ngọt, mặn" (2019) và "Thiên đường gọi tên" (2020). Trong đó phim "Mẹ, con, những giấc mơ" từng dự Liên hoan Phim Busan, Lorcano, cũng xoay quanh mối quan hệ đầy mâu thuẫn giữa hai mẹ con nhân vật chính bằng ngôn ngữ nhẹ nhàng, nhưng không thiếu đi những "nét chấm phá điên rồ".
(Theo Vietnam+)
Đăng thảo luận