Tính tới hết quý II, Quỹ bình ổn giá xăng dầu còn hơn 6.000 tỷ đồng, giảm khoảng 600 tỷ so với cuối 2023, theo Bộ Tài chính.
Số liệu từ Bộ Tài chính cho biết, cơ quan quản lý sử dụng khoảng 9,7 tỷ đồng từ Quỹ bình ổn xăng dầu trong quý II năm nay và trích lập vào quỹ này gần 29,3 tỷ. Các doanh nghiệp có số dư quỹ bình ổn dương nhận được 3,2 tỷ đồng tiền lãi trong kỳ. Trong khi, đơn vị bị âm quỹ này phải trả lãi vay 5,9 tỷ.
Như vậy, tính tới hết tháng 9, Quỹ bình ổn xăng dầu dư hơn 6.061 tỷ đồng, giảm khoảng 18 tỷ so với quý trước đó. Trong đó, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) chiếm hơn một nửa, gần 3.079 tỷ đồng. Đây cũng là doanh nghiệp đầu mối giữ gần 50% thị phần bán lẻ xăng dầu trong nước.
Ngoài ra, Saigon Petro còn 328 tỷ đồng, Xăng dầu Quân đội gần 300 tỷ, Dầu khí Đồng Tháp 460 tỷ, Thiên Minh Đức 467 tỷ đồng... Ngược lại, doanh nghiệp âm quỹ lớn nhất là PVOIL, hơn 138 tỷ đồng. Một số đơn vị khác cũng âm quỹ như Bình Minh Petro, Trường An, Tân Nhật Minh.
Thực tế, từ tháng 10/2023 đến nay nhà chức trách đã dừng trích lập, chi sử dụng Quỹ bình ổn xăng dầu. So với cuối 2023, số dư quỹ này giảm gần 600 tỷ đồng. Theo đại diện Cục Quản lý Giá (Bộ Tài chính), việc giảm này chủ yếu do một số doanh nghiệp như Hải Hà Petro, Xuyên Việt Oil, Công ty cổ phần Tập đoàn Pelio không còn là đầu mối kinh doanh xăng dầu. Vì thế, nhà chức trách không công bố tiền quỹ bình ổn của các doanh nghiệp này, do tiền đã được kết chuyển, nộp vào ngân sách.
Nhân viên một cây xăng trên đường Hai Bà Trưng (quận 1, TP HCM) đổ nhiên liệu cho khách hàng, tháng 4/2020. Ảnh: Quỳnh Trần
Quỹ bình ổn xăng dầu được lập theo Nghị định 84/2009 của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu và các nghị định sửa đổi sau này (Nghị định 83 và 95). Quỹ này không nằm trong cân đối ngân sách nhà nước, do 36 doanh nghiệp xăng dầu đầu mối tự thu chi, quản lý tại tài khoản ngân hàng. Mức trích lập và chi sẽ do cơ quan quản lý quyết định tại mỗi kỳ điều hành.
Tuy nhiên, việc này dẫn tới nguy cơ doanh nghiệp chiếm dụng quỹ. Kết luận của Thanh tra Chính phủ trước đây cho biết, có 7/15 đầu mối xăng dầu đã sử dụng sai mục đích Quỹ bình ổn giá, không kết chuyển tiền về tài khoản quỹ mà để lại tài khoản thanh toán của doanh nghiệp trong nhiều kỳ trước khi hoàn trả lại với số tiền là 7.927 tỷ đồng. Ba doanh nghiệp đầu mối là Hải Hà Petro, Tập đoàn Thiên Minh Đức, Xuyên Việt Oil bị chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra để xem xét, xử lý các vi phạm liên quan đến sử dụng quỹ.
Trong đó, Xuyên Việt Oil bị cáo buộc gây thất thoát 219 tỷ đồng Quỹ bình ổn giá xăng dầu, Hải Hà Petro nợ quỹ khoảng 612 tỷ. Hiện hai doanh nghiệp này chưa nộp số dư quỹ về ngân sách, theo đại diện Cục Quản lý Giá (Bộ Tài chính).
Phương Dung
Đăng thảo luận