Những kết quả đạt được về chuyển đổi số trong xây dựng chính quyền thân thiện đã từng bước nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của cơ quan nhà nước ở tỉnh Sơn La.

Thực hiện xây dựng chính quyền số, đẩy mạnh cải cách hành chính, đổi mới mạnh mẽ lề lối làm việc của chính quyền cơ sở, đồng thời thực hiện hiệu quả Nghị quyết của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Sơn La về đẩy mạnh cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2021 - 2025,  Ban Dân vận Tỉnh ủy và Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh đã đề ra nhiệm vụ triển khai xây dựng thí điểm mô hình "Chính quyền thân thiện" ở một số xã, phường, thị trấn. 

Mục tiêu là cải thiện hoạt động của chính quyền các cấp bảo đảm công khai, dân chủ, hướng tới chính quyền điện tử; bảo đảm cơ sở vật chất, môi trường công sở văn minh, thân thiện; xây dựng hoạt động của chính quyền theo hướng gần gũi, thân thiện, hướng đến sự hài lòng của người dân đối với đội ngũ cán bộ, công chức ở cơ sở.

Ba mô hình điểm được xây dựng tại xã Chiềng Khương, huyện Sông Mã; phường Quyết Thắng, thành phố Sơn La và thị trấn Mộc Châu, huyện Mộc Châu đã ra mắt trong tháng 7/2023 theo đúng kế hoạch đề ra.

Sơn La nỗ lực xây dựng chính quyền thân thiện, hiệu quả  第1张Xã Chiềng Khương được chọn là địa phương thí điểm mô hình Chính quyền thân thiện năm 2023.

Đến nay, mô hình "Chính quyền thân thiện" đã nhân rộng trên địa bàn 33 xã của tỉnh và nhận được sự đồng tình, hưởng ứng, đánh giá cao của cán bộ, đảng viên và nhân dân. Từ đó, tạo sự chuyển biến tích cực trong việc nêu cao tinh thần trách nhiệm phục vụ nhân dân của hệ thống chính quyền cơ sở, nhất là xây dựng phong cách “Trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân và có trách nhiệm với dân”.

Người dân khi đến giao dịch, giải quyết thủ tục hành chính tại Bộ phận Tiếp nhận, trả kết quả các xã, phường thị trấn cảm nhận được những thay đổi tích cực từ hoạt động của chính quyền cơ sở thân thiện hơn; môi trường công sở được bố trí sáng, xanh, sạch, đẹp, an toàn hơn. Đặc biệt là tinh thần, thái độ, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, công chức cơ sở gần gũi, thân thiện hơn, qua đó mức độ hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của chính quyền cơ sở được đánh giá cao hơn so với trước khi triển khai thực hiện mô hình.

Triển khai xây dựng chính quyền thân thiện, vì nhân dân phục vụ là việc làm đúng đắn, cần thiết nhằm tạo sự chuyển biến về tư tưởng, nhận thức, phong cách làm việc, phục vụ nhân dân trong mỗi cán bộ, công chức cơ quan, chính quyền cấp xã; vai trò, trách nhiệm, uy tín của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền ở các đơn vị sẽ được nâng lên và được người dân ghi nhận, tin tưởng, đánh giá cao.

Từ những hành động cụ thể sẽ tạo dựng, củng cố sự gắn kết chặt chẽ, tin cậy, đồng cảm, chia sẻ giữa chính quyền và nhân dân; kịp thời nắm bắt được tâm tư, nguyện vọng những khó khăn, vướng mắc của nhân dân; việc triển khai các chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước sẽ bảo đảm thực chất, hiệu quả hơn, trên cơ sở củng cố mối quan hệ gắn bó mật thiết giữa nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, góp phần củng cố khối đoàn kết các dân tộc trên địa bàn.

Ngày 10/8/2024, Chủ tịch UBND tỉnh ban hành Quyết định số 1612/QĐ-UBND ban hành Bộ tiêu chí công nhận xã, phường, thị trấn đạt mô hình "Chính quyền thân thiện" trên địa bàn tỉnh Sơn La. 

Bộ tiêu chí công nhận xã, phường, thị trấn đạt mô hình Chính quyền thân thiện trên địa bàn tỉnh Sơn La gồm 21 tiêu chí trên các mặt: công tác ban hành văn bản và thông tin tuyên truyền; hoạt động của chính quyền đảm bảo công khai dân chủ, hướng tới chính quyền điện tử, Cơ sở vật chất, môi trường công sở văn minh, thân thiện, Xây dựng hoạt động của chính quyền theo hướng gần gũi, thân thiện; Xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, nhân viên cơ sở thân thiện và có trách nhiệm với nhân dân...

Việc thực hiện chính quyền thân thiện đã cụ thể hóa mục tiêu đổi mới mạnh mẽ lề lối làm việc của chính quyền cơ sở từ mệnh lệnh hành chính sang phục vụ, hướng dẫn, vận động, thuyết phục. Yêu cầu các đơn vị, địa phương xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức giải quyết công việc cho người dân phải tận tình, chu đáo, với phương châm 4 xin gồm: xin chào, xin lỗi, xin cảm ơn, xin phép và 5 không là: không cửa quyền, hách dịch, gây phiền hà; không quan liêu, vô cảm, vô trách nhiệm; không tham nhũng, lãng phí, lợi ích nhóm; không xu nịnh, chạy chọt, gian dối; không lợi dụng quyền hạn, chức vụ trong thực thi công vụ…

Những kết quả đạt được về chuyển đổi số trong xây dựng Chính quyền thân thiện đã từng bước nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của cơ quan nhà nước, xây dựng bộ máy chính quyền cởi mở, thân thiện vì nhân dân phục vụ, tạo môi trường thuận lợi, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.