Cục Đường bộ Việt Nam vừa phê duyệt kinh phí hơn 9,13 tỷ đồng để trục vớt cầu Phong Châu và các phương tiện gặp nạn trong vụ sập cầu cách đây hai tuần.

Dự án khắc phục hậu quả thiên tai sẽ được triển khai theo lệnh khẩn cấp với kinh phí từ nguồn vốn ngân sách. Sở Giao thông Vận tải Phú Thọ được giao làm đơn vị thực hiện dự án, chỉ định nhà thầu thi công, quản lý tiến độ, chất lượng dự án.

Các phương tiện bị chìm nằm ngoài nhịp giàn thép sẽ được trục vớt ngay, đưa về gần bờ và được nâng nhấc vào bãi tập kết bằng cần cẩu chuyên dùng 150 tấn.

Các phương tiện bị mắc kẹt trong giàn thép sẽ được trục vớt bằng cách kết hợp giữa phương tiện trên bờ và phương tiện trên mặt nước. Một cần cẩu 400 tấn đặt trên bờ sẽ phối hợp cùng hai tàu trục vớt chuyên dụng để nâng toàn bộ giàn thép lên khỏi mặt nước, sau đó cắt thành từng nhịp nhỏ hơn. Mỗi nhịp sẽ được tàu lai dắt đưa vào bờ và được nâng lên bằng cần cẩu 150 tấn để đưa vào bãi tập kết.

Song song với việc cắt các nhịp giàn thép, đơn vị thi công sẽ tiến hành trục vớt các phương tiện mắc kẹt bên trong. Những phương tiện và nhịp giàn bị vùi lấp sâu dưới lớp cát, phù sa, sẽ sử dụng hệ thống vòi xối và hút để loại bỏ lớp bùn cát bám dính trước khi tiến hành các công đoạn trục vớt tiếp theo.

Sẽ chi hơn 9 tỷ đồng để trục vớt cầu Phong Châu  第1张

Hiện trường vụ sập cầu Phong Châu, Phú Thọ chiều 9/9. Ảnh: Nguyễn Chương

Đối với bêtông mặt cầu, trụ cầu, cọc, bệ mố chìm dưới nước, nhà thầu sẽ dùng cần cẩu 400 tấn đặt trên bờ và hai tàu có lắp trục vớt để nâng nhấc lên mặt nước. Phần bêtông nhô lên đến đâu, máy xúc lắp đầu đục bêtông đặt trên tàu sẽ phá dỡ đến đó.

Đối với phần trụ cầu T7 bị đổ không thể phá dỡ và lai dắt, Cục Đường bộ Việt Nam chưa tính toán kinh phí xử lý. Trước mắt, nhà chức trách đã thả phao cảnh báo an toàn giao thông thủy, chờ khi nước rút sẽ khảo sát tìm hướng phá dỡ.

Cầu Phong Châu bắc qua sông Hồng, nối hai huyện Lâm Thao và Tam Nông của tỉnh Phú Thọ, được đưa vào khai thác từ năm 1995. Cầu dài 375 m, gồm 8 nhịp, các nhịp bên ngoài là dầm bêtông cốt thép dự ứng lực, các nhịp chính bằng kết cấu dàn thép, các trụ cầu bằng bêtông cốt thép.

Sáng 9/9, do ảnh hưởng của cơn bão số 3, cầu Phong Châu bị đổ trụ T7 làm sập hai nhịp dàn chính 6,7 khi trên cầu có nhiều người và phương tiện đang di chuyển. Đến nay, lực lượng chức năng mới tìm được 3 thi thể nạn nhân trong số 8 người mất tích.

Sau vụ việc, tỉnh Phú Thọ đã kiến nghị Chính phủ cho phép xây dựng cầu mới thay thế cầu Phong Châu cũ với quy mô hiện đại, đồng bộ với quy mô tuyến quốc lộ 32C với chiều dài 430 m, chiều rộng 21,5 m; tổng mức đầu tư 865 tỷ đồng bằng vốn ngân sách.