Quốc vương Vajiralongkorn phê chuẩn luật hôn nhân mới, trong đó thừa nhận hôn nhân đồng giới, dự kiến có hiệu lực vào đầu năm 2025.
Người tham gia sự kiện của cộng đồng LGBTQ ở Bangkok, Thái Lan tháng 1/2023.
Đạo luật nói trên được quốc hội Thái Lan thông qua vào tháng 6, dự kiến có hiệu lực 120 ngày sau khi Quốc vương Thái Lan Maha Vajiralongkorn phê chuẩn hôm nay. Quyết định này đưa Thái Lan trở thành quốc gia châu Á thứ hai thừa nhận hôn nhân đồng giới sau Nepal.
Luật hôn nhân mới của Thái Lan sử dụng các thuật ngữ trung lập về giới tính thay cho "nam, nữ, chồng, vợ", đồng thời cấp quyền nhận con nuôi và thừa kế cho các cặp đồng giới.
Thái Lan từ lâu nổi tiếng với quan điểm chấp nhận quan hệ đồng giới. Các cuộc thăm dò của truyền thông địa phương cho thấy nhiều người Thái Lan ủng hộ cả hôn nhân truyền thống lẫn đồng giới. Tuy nhiên, cũng có một bộ phận kiên trì với giá trị truyền thống và không chấp nhận khía cạnh này.
Hơn 30 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới đã hợp pháp hóa hôn nhân đồng giới, trong đó Hà Lan là nước đầu tiên vào năm 2001. Tòa án tối cao Ấn Độ năm ngoái từ chối đưa ra quyết định về vấn đề này và chuyển cho quốc hội xem xét.
Các nhà hoạt động Thái Lan hơn một thập kỷ qua vận động giới chức thông qua luật thừa nhận hôn nhân đồng giới. Tuy nhiên, biến động chính trị tại quốc gia Đông Nam Á khiến nỗ lực này mất nhiều thời gian.
Apiwat Apiwatsayree, nổi tiếng trong cộng đồng LGBTQ, đã chung sống với người yêu Sappanyoo Panatkool 17 năm. "Chúng tôi đã chờ rất lâu rồi", Apiwat, 49 tuổi, cho biết. "Chúng tôi sẽ đi đăng ký kết hôn ngay sau khi luật có hiệu lực".
Đạo luật hôn nhân mới vốn được ông Srettha Thavisin, người khi đó là thủ tướng, trình lên quốc hội Thái Lan. Ông Srettha nhiều lần bày tỏ ủng hộ cộng đồng LGBTQ, cho rằng việc chấp nhận hôn nhân đồng giới sẽ củng cố cấu trúc gia đình.
(Theo VnExpress)
Đăng thảo luận
2024-09-26 15:14:03 · 来自171.14.83.140回复
2024-09-26 15:24:05 · 来自222.51.152.205回复