Xử lý nghiêm tình trạng học sinh vi phạm giao thông

Thông tin từ Công an tỉnh Vĩnh Phúc cho biết, sau 1 tháng thực hiện đợt cao điểm bảo đảm trật tự an toàn giao thông ở lứa tuổi học sinh (từ 1/10 - 31/10), lực lượng chức năng đã phát hiện và lập biên bản hơn 700 trường hợp học sinh vi phạm với số tiền xử phạt gần 300 triệu đồng; tạm giữ gần 350 phương tiện xe mô tô, hơn 200 phương tiện giao thông khác.

Tháng 10, xử lý hơn 700 học sinh vi phạm trật tự an toàn giao thông  第1张 Lực lượng chức năng xử lý trường hợp học sinh điều khiển mô tô khi chưa đủ tuổi theo quy định. Ảnh: CQCA 

Ngoài vi phạm phổ biến như không đội mũ bảo hiểm, các lỗi khác bao gồm: chạy quá tốc độ, lạng lách, điều khiển xe khi chưa có giấy phép, chở quá số người quy định, không tuân thủ đèn tín hiệu, chạy dàn hàng ngang, đi ngược chiều… đều bị xử lý nghiêm.

Bên cạnh xử lý vi phạm, lực lượng chức năng đã thông báo hơn 600 trường hợp vi phạm tới nhà trường và tiếp tục xác minh nhân thân hơn 70 trường hợp khác.

Từng bước xây dựng nét đẹp văn hoá giao thông

Trao đổi với PV báo Kinh tế và Đô thị, Trung tá Bạch Văn Kiên, Đội trưởng CSGT - TT Công an huyện Yên Lạc, nhấn mạnh việc tăng cường tuần tra và xử lý vi phạm nhằm nâng cao ý thức pháp luật giao thông cho học sinh, giảm thiểu tai nạn và vi phạm trật tự an toàn giao thông.

Trước đó, Sở GD&ĐT Vĩnh Phúc cũng có Văn bản số 1478/SGDĐT-GDPT
ngày 9/9/2024 về việc tăng cường chấn chỉnh tình trạng vi phạm trật tự an toàn giao thông đối với học sinh; tăng cường công tác tuyên truyền giáo dục pháp luật về an toàn giao thông, phòng chống ma túy, phòng chống bạo lực học đường cho học sinh năm học 2024-2025.

Tháng 10, xử lý hơn 700 học sinh vi phạm trật tự an toàn giao thông  第2张 Tổ chức sinh hoạt ngoại khóa tuyên truyền nâng cao ý thức chấp hành Luật Giao thông đường bộ cho học sinh trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc. Ảnh: Lương Giang

Bên cạnh việc đồng loạt ra quân thực hiện cao điểm xử lý các hành vi vi phạm, lực lượng CSGT Vĩnh Phúc phối hợp cùng ngành giáo dục triển khai chương trình tuyên truyền cho học sinh về văn hoá ứng xử khi tham gia giao thông; tình hình tai nạn giao thông liên quan đến lứa tuổi học sinh xảy ra trên địa bàn Vĩnh Phúc trong những năm gần đây; nguyên nhân phổ biến dẫn đến tai nạn giao thông cho học sinh; hậu quả, di chứng, hệ lụy do tai nạn giao thông gây ra đối với người bị nạn, gia đình và xã hội.

Cùng với đó, lực lượng CSGT tỉnh phối hợp với ngành Giáo dục tổ chức tuyên truyền, ký cam kết không vi phạm Luật Giao thông đường bộ đến từng trường học và giáo viên, phụ huynh, học sinh trên toàn tỉnh. Bản cam kết sẽ được lấy làm căn cứ để đánh giá xếp loại học sinh vào cuối học kỳ và cuối năm học. Công tác này cần phối hợp chặt chẽ giữa nhà trường với phụ huynh học sinh để thống nhất các biện pháp thực hiện nhằm nâng cao nhận thức về an toàn giao thông cho các em.