Dự án đường bộ cao tốc Hòa Bình - Mộc Châu (trên địa bàn tỉnh Hòa Bình) dài khoảng 34 km với tổng mức đầu tư 9.997 tỷ đồng, thời gian thực hiện từ năm 2022-2028.
Thủ tướng Phạm Minh Chính tặng quà các đơn vị thi công.
Sáng nay, Thủ tướng Phạm Minh Chính dự lễ khởi công tuyến cao tốc Hòa Bình - Mộc Châu (đoạn từ Km19 đến Km53 trên địa bàn tỉnh Hòa Bình).
Dự án cao tốc Hòa Bình - Mộc Châu trên địa bàn tỉnh Hòa Bình có chiều dài khoảng 34 km; tổng mức đầu tư 9.997 tỷ đồng, thời gian thực hiện dự án từ năm 2022-2028.
Dự án có điểm đầu tại thị trấn Đà Bắc (tỉnh Hòa Bình), khớp nối với đoạn Km0 - Km19 đường cao tốc Hòa Bình - Mộc Châu; điểm cuối tại xã Chiềng Yên (huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La), khớp nối với dự án đầu tư xây dựng tuyến đường Hòa Bình - Mộc Châu đoạn tuyến tại tỉnh Sơn La.
Điểm nhấn của dự án là công trình cầu Hòa Sơn vượt hồ Hòa Bình, nằm trong quy hoạch Khu du lịch quốc gia hồ Hòa Bình. Dài khoảng 1,2 km là cầu dây văng có nhịp chính dài nhất Việt Nam (550m), trụ tháp dây văng cầu cao nhất Việt Nam (187m).
Về phân kỳ đầu tư, dự án đầu tư xây dựng giai đoạn 1 với tốc độ thiết kế 80km/h; chiều rộng nền đường 12m; xây dựng cầu Hòa Sơn với quy mô bảo đảm bố trí 4 làn xe theo giai đoạn hoàn thiện.
Phát biểu tại lễ khởi công, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá, hệ thống giao thông kết nối nội tỉnh, liên tỉnh, liên vùng Tây Bắc (gồm Lào Cai, Lai Châu, Yên Bái, Điện Biên, Sơn La, Hòa Bình) đang rất khó khăn, mới chỉ có 1 tuyến cao tốc Hà Nội - Lào Cai.
"Đây là một trong những nguyên nhân quan trọng dẫn đến vùng Tây Bắc phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế", Thủ tướng nói.
Thủ tướng lấy ví dụ Sơn La đã phát triển các loại nông sản rất tốt, nhưng vì hạ tầng giao thông khó khăn nên làm tăng chi phí, giảm khả năng cạnh tranh của sản phẩm. Phát triển hạ tầng giao thông sẽ tạo thuận lợi cho các nông sản của Sơn La tham gia chuỗi cung ứng của toàn cầu.
Vì vậy, theo Thủ tướng, việc tập trung nguồn lực đầu tư, hoàn thành cao tốc Hà Nội - Hòa Bình - Sơn La - Điện Biên, trong đó có Dự án cao tốc Hòa Bình - Mộc Châu đoạn qua tỉnh Hòa Bình có ý nghĩa chiến lược quan trọng.
Cụ thể, dự án trên sẽ thúc đẩy kết nối giữa các tỉnh Tây Bắc, giữa Tây Bắc với Hà Nội và các tỉnh Đồng bằng sông Hồng; tạo động lực mới để thu hút đầu tư, phát triển các ngành kinh tế, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững, bảo đảm an ninh, quốc phòng đối với vùng Tây Bắc, mở ra không gian phát triển mới, đưa Tây Bắc bước sang thời kỳ phát triển mới, mạnh mẽ hơn.
Đề cập đến nhiệm vụ, giải pháp thời gian tới, Thủ tướng yêu cầu tỉnh Hòa Bình và các cơ quan liên quan hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng trước 30/11, bảo đảm nơi ở mới của người dân tốt hơn hoặc nơi ở cũ.
Thủ tướng quán triệt tỉnh Hòa Bình đã làm tốt rồi thì làm tốt hơn nữa, tạo điều kiện thuận lợi để các nhà thầu thi công dự án, đặc biệt là trong công tác giải phóng mặt bằng; giải quyết nhanh các thủ tục hành chính và các khó khăn, vướng mắc của nhà đầu tư, doanh nghiệp trong thi công, nhất là thủ tục với các mỏ nguyên vật liệu.
Các nhà thầu thi công, đơn vị tư vấn, giám sát phải cố gắng quyết tâm rất cao, thi công với tinh thần "chỉ bàn làm, không bàn lùi", "vượt nắng, thắng mưa", "ăn tranh thủ, ngủ khẩn trương", thi công "3 ca 4 kíp", "xuyên lễ, xuyên Tết, xuyên ngày nghỉ", "làm ngày không đủ, tranh thủ làm đêm" để dự án hoàn thành sớm hơn kế hoạch đề ra.
Người đứng đầu Chính phủ đề nghị rút ngắn tiến độ, hoàn thành dự án trước 31/12/2027, bảo đảm chất lượng, an toàn, vệ sinh môi trường, phòng chống tham nhũng, tiêu cực, chống thông thầu, mua bán thầu; song song với đó xây dựng dự án giai đoạn 2 để mở rộng, đầu tư hoàn thiện dự án.
Thủ tướng kêu gọi Nhân dân tỉnh Hòa Bình tiếp tục ủng hộ dự án, hỗ trợ các nhà thầu, chủ đầu tư, phát huy truyền thống văn hóa - lịch sử, tinh thần yêu nước, tự lực, tự cường, đóng góp xây dựng và hoàn thành dự án đưa vào khai thác bảo đảm tiến độ, bảo đảm chất lượng, mỹ quan, góp phần quan trọng cho sự phát triển của tỉnh, của vùng và cả nước.
(Theo VTC News)
Đăng thảo luận