Rất nhiều bạn đọc bức xúc gửi ý kiến về Tuổi Trẻ Online, yêu cầu xử lý nghiêm vụ trồng giá đỗ bằng hóa chất, cũng như các trường hợp vi phạm quy định về an toàn thực phẩm để bảo vệ sức khỏe của người dân.
Giá đỗ trồng bằng hóa chất phát triển nhanh và không có rễ - Ảnh: THÀNH SỰ
Như Tuổi Trẻ Online thông tin, sau bài viết "Khởi tố hai cơ sở trồng giá đỗ bằng hóa chất", nhiều ý kiến bức xúc yêu cầu xử lý nghiêm.
Phát hiện cơ sở dùng hóa chất kích thích tăng trưởng sản xuất giá đỗ
Nhiều người dùng mạng xã hội cũng đã chia sẻ bài viết này và cho rằng đây là cách trồng giá "đầu độc sức khỏe cộng đồng".
Xử lý nghiêm, cảnh tỉnh người làm ăn gian dối
Bạn đọc Nguyễn Hoài Sơn đề nghị: "Phải mạnh tay với loại tội phạm này". Tương tự, các ý kiến khác cũng yêu cầu cơ quan chức năng xử lý nghiêm.
Trong khi đó, bạn đọc Hùng Cửu đề nghị cơ quan chức năng hãy vì sức khỏe của người dân mà mạnh tay xử lý tội phạm an toàn thực phẩm.
Nhiều bạn đọc khác thì bày tỏ: "Vì một chút lợi ích cá nhân mà đầu độc đồng bào của mình..." hoặc "vì tiền mà không từ thủ đoạn nào, đầu độc chính bà con, nhân dân mình...".
Có bạn đọc cho biết dù thích ăn giá đỗ nhưng tìm hiểu và biết độ độc hại của giá đỗ hóa chất đã tự bảo vệ mình bằng cách không sử dụng loại thực phẩm này nữa.
"Tôi rất thích ăn giá đỗ, nhưng gần 20 năm rồi không dám mua vì sợ hóa chất" - bạn đọc Thủy Tiên chia sẻ.
Mức độ nguy hiểm từ thực phẩm được kích thích tăng trưởng bằng hóa chất được cơ quan chức năng liên tục khuyến cáo. Vì thế, rất nhiều bạn đọc cùng chung nỗi niềm: "Ung thư chết người từ đây chứ đâu".
Ngoài bức xúc với cách làm ăn gian dối, bạn đọc yêu cầu xử lý chủ hai cơ sở trồng giá đỗ bằng hóa chất nghiêm khắc, có tính răn đe, cảnh tỉnh những người có ý định làm ăn gian dối, bởi đây là hành vi đầu độc người tiêu dùng vô cùng nguy hiểm.
Phải xử lý nghiêm việc trồng rau củ, cây ăn trái, chăn nuôi sử dụng các loại hóa chất không được phép, hoặc không rõ nguồn gốc, gây nguy hiểm cho sức khỏe của người tiêu dùng.
Bên cạnh đó, còn có ý kiến ủng hộ và cảm ơn được gửi đến Công an TP Quảng Ngãi và các cơ quan chức năng khi mạnh tay khởi tố vụ án, khởi tố hai bị can trồng giá đỗ bằng hóa chất.
Bạn đọc nói "giá không chân" có ở khắp nơi
Đi tìm nguyên nhân loại thực phẩm này ngày càng phổ biến, nhiều bạn đọc cho rằng trước đó hai cơ sở trồng giá bằng hóa chất này từng bị phạt, nhưng nay vẫn tái diễn bởi mức phạt hành chính chưa đủ răn đe.
Bạn đọc Lê Tú viết: "Mức phạt mỗi cơ sở chỉ 40 triệu đồng và đình chỉ hoạt động sản xuất giá đỗ trong thời hạn 2 tháng có thể nhẹ, khiến họ tái phạm.
Để phòng, chống nạn sản xuất thực phẩm độc hại một cách hữu hiệu, mong rằng chính quyền xét xử nghiêm minh và trừng phạt đích đáng những trường hợp này".
Khi báo Tuổi Trẻ Olinne thông tin hình dáng loại giá đỗ "không chân", nhiều bạn đọc ngay lập tức nhận ra: Giá đỗ không chân dạng này có mặt ở nhiều nơi.
Một bạn đọc cho biết: "Hiện giá đỗ không rễ bày bán rất phổ biến ở Bình Thuận. Mong cơ quan chức năng kiểm tra, chấn chỉnh giúp bà con".
Tương tự, bạn đọc ở TP.HCM thông tin: Giá đỗ không chân bày bán khắp nơi ở TP.HCM vì đây là thị trường lớn. Còn theo bạn đọc Lê Thanh: "Ở TP.HCM thấy cũng nhiều nhà làm giá đỗ thùng thùng như vậy, kiểm tra luôn giùm".
Một bạn đọc đề nghị chính người trồng giá đỗ bằng hóa chất phải dùng sản phẩm của mình làm ra trước, sau đó mới bán ra thị trường. Có lẽ bạn đọc này muốn người trồng giá bằng hóa chất hiểu mức độ nguy hiểm đến sức khỏe do sản phẩm độc hại mà mình mang bán cho cộng đồng dùng.
Nhiều bạn đọc khác đề nghị các địa phương đồng loạt kiểm tra, làm nghiêm như Quảng Ngãi. "Cần nghiêm trị các hành vi cung cấp thực phẩm bẩn, mất an toàn, làm phương hại sức khỏe người dân. Bởi vấn nạn mất an toàn thực phẩm nhức nhối xã hội lắm rồi" - một bạn đọc lên tiếng.
Quy định xử phạt trường hợp vi phạm quy định an toàn thực phẩm ra sao?
Đối với trường hợp vi phạm pháp luật về an toàn thực phẩm thì sẽ dựa vào tính chất, mức độ vi phạm mà có hình thức xử lý vi phạm khác nhau.
Đối tượng vi phạm có thể bị xử phạt vi phạm hành chính, hoặc nặng hơn là bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Căn cứ theo điều 6 Luật An toàn thực phẩm 2010 và điều 317 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi 2017) thì cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm vi phạm pháp luật về an toàn thực phẩm thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Cụ thể, với hành vi đã bị phạt mà vẫn "ngựa quen đường cũ", tiếp tục vi phạm sẽ bị phạt tiền từ 50 - 200 triệu đồng.
Ngoài ra tùy tính chất, mức độ vi phạm có thể phạt tù từ 1 - 5 năm nếu phạm tội thuộc một trong các hành vi sử dụng chất, hóa chất, kháng sinh, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, phụ gia thực phẩm hoặc chất hỗ trợ chế biến thực phẩm mà biết là cấm sử dụng.
Luật sư Dương Phúc Hậu, Đoàn luật sư TP.HCM
Đăng thảo luận