Trong cuộc họp với Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tỉnh và Ban Dân tộc tỉnh Trà Vinh mới đây, anh Chung Minh Hoàng - Phó Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam huyện Cầu Kè cho biết, thời gian qua, việc tuyên truyền, vận động nhân dân vùng đồng bào DTTS tham gia giải quyết vấn đề đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt theo Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi (Chương trình MTQG 1719) được thực hiện rất tốt.
Anh Chung Minh Hoàng - Phó Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam huyện Cầu Kè thông tin về công tác tuyên truyền, vận động nhân dân vùng đồng bào DTTS tham gia giải quyết vấn đề đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt theo Chương trình MTQG 1719. Ảnh: Huỳnh Xây
Cụ thể như về nhà ở, do mức hỗ trợ cho hộ dân từ Chương trình MTQG 1719 thấp, tối đa chỉ 46 triệu đồng (Ngân sách Trung ương 40 triệu, tỉnh đối ứng 6 triệu), để có căn nhà đảm bảo "3 cứng" (mái cứng, tường cứng, nền cứng), UBMTTQ Việt Nam huyện Cầu Kè thường xuyên phối hợp tốt với các đơn vị của huyện và xã đi tuyên tuyền, vận động thêm nguồn hỗ trợ.
"Trước tiên, chúng tôi sẽ phối hợp tuyên truyền, vận động thân tộc của hộ được hỗ trợ xây nhà, để làm sao đủ 50 triệu đồng. Nếu không đủ nữa sẽ vận động thêm mạnh thường quân, doanh nghiệp và các chùa, đa số đều vận động đủ" - anh Hoàng nói.
Đối với các địa phương khác 50 triệu đồng khó xây được nhà "3 cứng" nhưng ở huyện Cầu Kè đảm bảo làm được. Nguyên nhân là ngành chức năng huyện có vận động đơn vị thi công và đơn vị cung cấp vật tư hỗ trợ thêm.
Theo anh Hoàng, trước đây ở địa phương cũng có trường hợp, hộ dân Khmer không muốn được hỗ trợ xây nhà ở (theo chương trình, ngoài 46 triệu đồng từ ngân sách, người dân còn được ngân hàng cho vay. Do trước đó, hộ dân đã vay nợ rồi, không muốn vay nợ nữa nên không muốn nhận). Thế nhưng, do công tác tuyên truyền, vận động tốt nên đa số người dân đều nhận và có đủ 50 triệu đồng xây nhà.
Ngoài việc có căn nhà che mưa, che nắng, hộ dân người dân tộc Khmer trên địa bàn huyện Cầu Kè còn được tuyên truyền, vận động chuyển đổi nghề, lập nghiệp từ các công việc có thể giúp ổn định cuộc sống ở địa phương.
Anh Hoàng nhấn mạnh, địa phương chủ yếu hỗ trợ chuyển đổi nghề cho người dân thật sự chí thú làm ăn, tránh việc ỷ lại. Kết quả, các hộ trên địa bàn huyện được hỗ trợ phát huy việc làm tốt và vốn vay từ ngân hàng chính sách xã hội không có nợ xấu.
Hiện nay, giá vật tư tăng khá cao nên anh Hoàng kiến nghị nguồn vốn hỗ trợ từ Chương trình MTQG 1719 tăng lên 60 triệu đồng đối với mỗi hộ gia đình.
Ông Thạch Kim Sỹ - Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam xã Long Hiệp, huyện Trà Cú, tỉnh Trà Vinh thông tin về chính sách giải quyết vấn đề đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt. Ảnh: Huỳnh Xây
Cũng tại cuộc họp trên, ông Thạch Kim Sỹ - Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam xã Long Hiệp, huyện Trà Cú cho biết, thời gian qua địa phương rất quan tâm rất tốt đến chính sách giải quyết vấn đề đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt. Riêng về đất ở đã thực hiện tốt ở giai đoạn trước rồi, nên ngành chức năng quan tâm hỗ trợ về nhà ở nhiều hơn.
Ông Sỹ chia sẻ: "UBMTTQ Việt Nam xã đã cùng với các đơn vị có liên quan đến từng hộ, từng ấp để xét chọn hộ dân được hỗ trợ theo quy định và thực hiện rất suôn sẻ. Như vậy, việc hỗ trợ nhà ở và đất ở tại xã coi như đã hoàn thành. Từ đó, đã giúp đời sống người dân nâng lên, địa phương cũng đã được công nhận xã nông thôn mới nâng cao".
Trong thời gian tới, ông Sỹ đề nghị các cấp có thẩm quyền có chính sách ưu đãi thêm đối với người dân người DTTS là hộ nghèo. Bởi những hộ dân này rất khó vay vốn để phát triển sản xuất.
Theo báo cáo đưa ra tại cuộc họp, sau gần 3 năm triển khai chương trình MTQG 1719, đặc biệt là thực hiện dự án 1 (đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt), ngành chức năng các cấp ở tỉnh Trà Vinh đã phối hợp rà soát, lựa chọn đối tượng thụ hưởng minh bạch, dân chủ, đúng đối tượng, không chồng chéo, có sự tham gia và thống nhất của người dân, cộng đồng nơi bình xét.
Tỉnh đã ưu tiên chọn các đối tượng khó khăn hơn, như: hộ DTTS có khó khăn đặc thù, đối tượng nữ DTTS, đối tượng thuộc nhóm bị ảnh hưởng bởi thiên tai trên địa bàn. Từ đó, đã kịp thời tháo gỡ khó khăn, đáp ứng yêu cầu cấp thiết về điều kiện sống, sinh hoạt của hộ nghèo vùng đồng bào DTTS, từng bước ổn định cuộc sống, vươn lên thoát nghèo.
Về kết quả thực hiện dự án 1 của Chương trình MTQG 1719 tại tỉnh Trà Vinh, trong năm 2022 và 2023, có 50 hộ dân được hỗ trợ với trên 1,5 tỷ đồng; có 737 hộ cần được hỗ trợ về nhà ở, với gần 34 tỷ đồng; có 508 hộ được hỗ trợ chuyển đổi nghề với trên 5 tỷ đồng và có 418 hộ được hỗ trợ nước sinh hoạt với gần 1,3 tỷ đồng.
Song song đó, tỉnh triển khai thực hiện 3 công trình nước sinh hoạt tại 3 xã Thanh Sơn, Kim Sơn, Ngãi Xuyên, huyện Trà Cú với trên 8,6 tỷ đồng. Đến nay đã giải ngân trên 7,5 tỷ đồng. Giai đoạn 2022 - 2023, tỉnh tạo điều kiện cho 1.036 hộ vay vốn trên 47 tỷ đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh tỉnh Trà Vinh.
Đăng thảo luận