Tôi không có ấn tượng tốt với những người chồng tay hòm tay chìa khóa, họ nên lo những chuyện lớn lao hơn là chi tiêu vụn vặt.

"Thực ra, không ai có quyền ép buộc người khác phải đưa lương cho mình giữ, kể cả trong mối quan hệ vợ chồng. Tuy nhiên, khi yêu thương và sống chung, việc tin tưởng nhau và trao đổi về tài chính là điều nên làm.

Vợ hoặc chồng có thể giữ lương, nhưng điều quan trọng là việc chi tiêu phải rõ ràng, minh bạch để tránh những hiểu lầm không đáng có. Cá nhân tôi không có ấn tượng tốt với những gia đình mà người chồng nắm quyền quản lý tài sản.

Theo tôi, mô hình gia đình như vậy thường khắt khe và khó sống. Đàn ông nên tập trung vào những việc lớn lao hơn thay vì bận tâm đến những khoản chi tiêu vụn vặt hàng ngày.

Gia đình tôi, từ khi cưới nhau, mặc dù không ai yêu cầu hay gợi ý, tôi đã đưa hầu hết lương tháng cho vợ giữ, chỉ giữ lại một ít mà vợ biết rõ và một phần thu nhập ngoài không cần thiết phải thông báo.

Khi có thời gian rảnh, tôi thường rủ vợ đi du lịch hay ăn ở nhà hàng, những dịp đó vợ rất vui và thường cười tươi. Cô ấy hay đùa rằng 'đi chơi vui nhất là không mất tiền, ăn ngon nhất là không phải trả tiền'.

Thu nhập của vợ tôi cao hơn tôi, nhưng cô ấy luôn chi tiêu rất cẩn trọng. Điều này làm tôi rất yên tâm, bởi từ khi cưới nhau đến nay, dù đã mấy chục năm, nhà tôi chưa bao giờ rơi vào cảnh thiếu thốn.

Mọi việc liên quan đến hai bên nội ngoại đều chu toàn, tài chính luôn ổn định, thậm chí chúng tôi còn mua thêm vài căn nhà để lại cho con cái. Con cái được học hành đến nơi đến chốn, không thiếu gì cả.

Điều làm tôi ngạc nhiên hơn cả là dù vợ rất tiết kiệm trong chi tiêu cá nhân, cô ấy lại rất thoải mái khi giúp đỡ người khác. Vợ tôi đã tài trợ toàn bộ học phí sáu năm cho con của người giúp việc, một cô bé học giỏi và đỗ vào đại học y. Gia đình cô bé gặp khó khăn, bố mất sớm, và khi người giúp việc kể về hoàn cảnh, vợ tôi lập tức đồng ý hỗ trợ mà không ngần ngại, và tôi cũng ủng hộ quyết định đó.

Tôi thực sự không làm được những việc gì lớn lao. Tôi chỉ giữ lại một ít lương để khi có dịp rảnh rỗi, có thể rủ vợ đi ăn, đi chơi. Còn lại, mọi việc khác, vợ chồng tôi luôn minh bạch về tài chính, chỉ cần nói với nhau một tiếng là đủ.

Chúng tôi chỉ là những người bình thường, từ hai sinh viên nghèo ở quê sau khi tốt nghiệp đã định cư ở Sài Gòn suốt ba mươi năm. Hiện tại, chúng tôi đã có ba căn nhà, vài mảnh đất. Ngôi nhà chính đủ rộng rãi, có sân vườn, đủ chỗ cho vài chiếc ô tô, còn hai căn nhà kia đang cho thuê và dự định sẽ để lại cho hai con khi lập gia đình. Một đứa con của tôi đã tốt nghiệp đại học và có việc làm ổn định, đứa còn lại đang học tại một trường đại học hàng đầu ở Sài Gòn.

Tôi tin rằng trong quan hệ vợ chồng, điều quan trọng nhất là sự yêu thương và tin tưởng lẫn nhau. Chính điều đó tạo nên hạnh phúc và giúp vợ chồng tích lũy của cải, học thức để lại cho con cái, chứ không phải vấn đề ai giữ tiền trong gia đình. Nếu chọn nhầm vợ hoặc nhầm chồng, sống chung còn khó khăn, huống chi là giữ tiền để làm những việc lớn".

Độc giả nickname Hổ Giấy bình luận như trên, nêu quan điểm về chuyện vợ hay chồng, ai nên là người giữ tiền trong gia đình: Sự yêu thương, tin tưởng và minh bạch trong tài chính giữa vợ chồng mới tạo nên hạnh phúc và thịnh vượng gia đình, chứ không phải ai giữ tiền quan trọng. Tuy nhiên, cá nhân độc giả cho rằng "không có ấn tượng tốt với những gia đình mà người chồng nắm quyền quản lý tài sản".

*Gia đình bạn ai là người quản lý tài chính? Chia sẻ bài viết và quan điểm tại đây.

Hữu Nghị tổng hợp