Vừa qua, một số cơ quan truyền thông phản ánh về hiện tượng cá chết, rác thải bị trôi dạt về khu vực đường Trích Sài, Nguyễn Đình Thi gây mất vệ sinh môi trường.

Liên quan đến vấn đề này, ngày 18/10, phóng viên Kinh tế & Đô thị đã có cuộc trao đổi với bà Hoàng Thị Thuý Anh – Phó trưởng Ban Quản lý Hồ Tây.

Tăng cường đảm bảo vệ sinh môi trường trên hồ Tây dịp giao mùa  第1张 Cá chết nổi trên hồ Tây chủ yếu là cá mè.

Phó trưởng Ban Quản lý Hồ Tây Hoàng Thị Thuý Anh cho biết, nguyên nhân gây ra hiện tượng cá chết trên hồ Tây là do xuất phát từ sự thay đổi của thời tiết. “Hàng ngày, lực lượng chức năng vẫn tiến hành rà soát, tổ chức thu dọn lượng cá chết, rác thải trôi nổi trên hồ Tây để đảm bảo vệ sinh môi trường, mỹ quan đô thị” – bà Hoàng Thị Thuý Anh cho biết.

Bà Hoàng Thị Thuý Anh thông tin thêm, ngày 16/10, lãnh đạo quận Tây Hồ, đại diện Ban Quản lý Hồ Tây và chính quyền 2 phường Bưởi và Thuỵ Khuê đã tiến hành rà soát, kiểm tra… hiện tượng cá chết. Trong ngày 16/10, lực lượng chức năng đã tiến hành thu dọn khoảng 60kg cá chết trên hồ, trong đó chủ yếu là cá mè.

Tiếp đó, trong các ngày 17, 18/10, lực lượng chức năng tiếp tục kiểm tra, rà soát và thu dọn lượng cá chết, rác thải nổi tại hồ Tây.

Tăng cường đảm bảo vệ sinh môi trường trên hồ Tây dịp giao mùa  第2张 Lực lượng chức năng tổ chức thu dọn cá chết trên hồ Tây.

“Qua ghi nhận trong các ngày qua, lượng cá chết nổi trên hồ Tây đã giảm đi đáng kể, lượng cá chết đã được các đơn vị chức năng thu dọn, xử lý kịp thời nhằm đảm bảo vệ sinh môi trường tại hồ Tây” - bà Hoàng Thị Thuý Anh chia sẻ.

Đặc biệt, theo bà Hoàng Thị Thuý Anh, từ khi được giao quản lý hồ Tây, hàng ngày, Ban Quản lý Hồ Tây đã phân công, bố trí cán bộ công chức, viên chức tuần tra, kiểm soát xung quanh hồ Tây để kịp thời phát hiện và xử lý tình trạng cá chết, rác thải nổi trên hồ nhằm đảm bảo vệ sinh môi trường, mỹ quan đô thị.

Liên quan đến vấn đề này, trao đổi với phóng viên Kinh tế & Đô thị một số chuyên gia trong lĩnh vực thuỷ hải sản cho rằng, tình trạng cá chết trên hồ Tây là điều khó tránh khỏi khi mật độ cá trong hồ đang quá dày, thời tiết Hà Nội đang trong giai đoạn chuyển mùa…

Do đó, để khắc phục tình trạng trên, các cơ quan chức năng cần đánh tỉa giảm mật độ cá trong hồ. Trong đó, tập trung đánh tỉa cá rô phi và các loài xâm hại, những loại cá không thuộc loài quý hiếm cỡ lớn ra khỏi hồ; đồng thời tiến hành xử lý tảo nổi trên hồ khi thời tiết giao mùa. Việc này nhằm tăng lượng ô xy trong nước, giảm lượng cá chết do thiếu ô xy.