Vàng nhẫn chạm kỷ lục mới
(Dân trí) - Sau nhiều phiên tăng liên tiếp, giá vàng nhẫn tròn trơn chạm ngưỡng 78,65 triệu đồng/lượng - cao nhất từ trước tới nay.
Giá vàng nhẫn lập đỉnh
Kết thúc phiên giao dịch ngày 11/9, các doanh nghiệp lớn niêm yết giá vàng miếng SJC tại 78,5-80,5 triệu đồng/lượng (mua - bán), không thay đổi so với cuối tuần trước và đi ngang 7 phiên liên tiếp. Chênh lệch 2 chiều mua - bán là 2 triệu đồng mỗi lượng.
Vàng nhẫn được giao dịch tại 77,4-78,65 triệu đồng/lượng (mua - bán), tăng 150.000 đồng mỗi chiều và đạt mức kỷ lục từ trước đến nay. Trước đó, mặt hàng này lần đầu đạt kỷ lục hôm 28/8, ở mức 78,6 triệu đồng/lượng ở chiều bán ra. So với đầu năm, giá vàng nhẫn đã tăng khoảng 15 triệu đồng/lượng.
Tại Bảo Tín Mạnh Hải, vàng miếng niêm yết ở mức 78,5-80,5 triệu đồng/lượng (mua - bán), vàng nhẫn tại đây được niêm yết tại 77,48-78,63 triệu đồng/lượng (mua - bán).
Vàng thế giới trụ vững trên ngưỡng 2.500 USD/ounce dù đã giảm nhẹ. Cụ thể, giá vàng hôm nay đạt 2.015 USD, giảm 4 USD so với trước đó. Theo báo cáo ngày 11/9 từ Bộ Lao động Mỹ, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) toàn phần của nền kinh tế này tăng 0,2% trong tháng 8, bằng mức dự báo mà các chuyên gia kinh tế đưa ra trước đó. CPI lõi - thước đo không bao gồm giá của 2 nhóm mặt hàng nhiều biến động là thực phẩm và năng lượng - tăng 0,3% so với tháng trước, nhỉnh hơn mức dự báo là tăng 0,2%. So với cùng kỳ năm ngoái, CPI lõi tăng 3,2%, phù hợp với dự báo.
Các con số thống kê trên cho thấy lạm phát ở nền kinh tế lớn nhất thế giới tiếp tục "xuống thang", nhưng chi phí nhà ở vẫn là một vấn đề nan giải. Nhóm nhà ở - chiếm tỷ trọng khoảng 1/3 trong chỉ số - tăng 0,5% trong tháng, đóng góp phần lớn vào mức tăng của chỉ số toàn phần. So với cùng kỳ năm ngoái, nhóm nhà ở tăng 5,2%.
Trong khi đó, nhóm lương thực - thực phẩm chỉ tăng 0,1% và nhóm năng lượng giảm 0,8% trong tháng 8. Báo cáo cũng cho thấy nhóm ô tô cũ giảm 1%, nhóm dịch vụ y tế giảm 0,1% và nhóm hàng thời trang tăng 0,3%.
Sản phẩm vàng được doanh nghiệp bày bán (Ảnh: Bảo Tín Mạnh Hải).
Sau khi báo cáo được công bố, các nhà giao dịch trên thị trường lãi suất tương lai đặt cược khả năng 85% Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) chọn mức giảm lãi suất 25 điểm cơ bản (0,25%) khi kết thúc cuộc họp ngày 17-18/9, theo dữ liệu từ công cụ FedWatch.
"Lạm phát lõi cao hơn dự báo, con đường để Fed giảm lãi suất 50 điểm cơ bản (0,5%) đã trở nên khó khăn hơn", chiến lược gia trưởng Seema Shah của công ty Principle Asset Management nhận định.
"Số liệu này chắc chắn không phải là một trở ngại đối với hành động chính sách của Fed vào tuần tới, nhưng các thành viên cứng rắn trong Ủy ban Thị trường mở Liên bang (FOMC) có thể sẽ dựa vào báo cáo CPI ngày hôm nay như một bằng chứng để lập luận rằng chặng cuối của cuộc chiến chống lạm phát cần được xử lý một cách cẩn trọng. Đây sẽ là một lý do để Fed chỉ đưa ra mức giảm lãi suất 0,25 điểm phần trăm", bà Seema Shah nói.
Giữa giá vàng và lãi suất có mối quan hệ chặt chẽ với nhau. Tín hiệu giảm lãi suất của Fed sẽ dẫn đến việc tăng cung tiền cho nền kinh tế, kéo theo hệ lụy làm lạm phát tăng, qua đó làm tăng nhu cầu mua vàng để bảo toàn giá trị chống lại lạm phát. Điều này kéo giá vàng tăng theo.
USD-Index tăng trở lại
Trên thị trường quốc tế, USD-Index - thước đo sức mạnh của đồng bạc xanh với rổ tiền tệ lớn - hiện đạt 101,68 điểm, tăng nhẹ 0,68% so với phiên liền trước. Theo Reuters, đồng USD tăng giá trở lại so với các loại tiền tệ chính vào phiên đầu tuần trong bối cảnh thị trường đang hướng tới dữ liệu lạm phát quan trọng của Mỹ và họ đã điều chỉnh kỳ vọng về việc Fed sẽ cắt giảm lãi suất mạnh vào tuần tới.
Ngân hàng Nhà nước kết thúc hôm qua niêm yết tỷ giá trung tâm tại 24.212 đồng, tăng 18 đồng so với trước đó. Với biên độ 5% so với tỷ giá trung tâm, các ngân hàng được phép mua bán USD trong vùng giá từ 23.001-25.422 đồng.
Ngân hàng lớn mua bán USD tại 24.355-24.725 đồng. Ngân hàng cổ phần cho phép giao dịch USD tại 24.340-24.820 đồng.
Các điểm thu đổi ngoại tệ trên thị trường tự do giao dịch quanh 25.140-25.240 đồng/USD (mua - bán), tăng 80 đồng mỗi chiều.
Đăng thảo luận