Gần một năm nay Thái Trinh không đi xin việc bởi chỗ cô muốn làm lại không được nhận, chỗ đồng ý tuyển thì lương thấp.
Cô gái 27 tuổi từng làm cho một công ty truyền thông ở Hà Nội nhưng hai năm trước mất việc trong một đợt cắt giảm nhân sự. Khi mới thất nghiệp, ngày nào Trinh cũng gửi đi 2-3 CV nhưng đa phần không hồi âm hoặc bị từ chối thẳng thừng.
"Tôi coi đi nộp hồ sơ như công việc toàn thời gian. Sáng tìm việc trên website, chiều gửi CV hoặc đi phỏng vấn nhưng mãi không có việc ưng ý", Trinh kể. Cô cho biết có đôi lần đi thử việc, nhưng không phục cách làm việc của cấp trên, đồng nghiệp không thân thiện trong khi lương thấp nên nghỉ làm sau vài ngày.
Giờ đây Trinh không còn ý định tìm việc bởi thấy mình là kẻ thất bại, kém cỏi khi liên tục nhận email từ chối. Ngày qua ngày, cô tự nhốt mình trong nhà. Toàn bộ chi phí sinh hoạt đều dựa vào tiền tích góp và bố mẹ hỗ trợ một phần.
Bố mẹ khuyên Trinh nên tìm một công việc làm tạm nhưng bị từ chối. Cô cho rằng nếu không làm được công việc yêu thích, sớm muộn cũng từ bỏ.
Công Khang trong chuyến du lịch lên Tây Bắc cuối năm 2023 trong thời gian rảnh do chưa tìm được việc. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Đầu năm 2022, Công Khang, 29 tuổi, về nước cùng tấm bằng thạc sĩ ngành ngôn ngữ ở Hàn Quốc, kỳ vọng tìm được việc làm với mức lương tối thiểu 1.000 USD. Đến xin việc tại các trường học, trung tâm ngoại ngữ ở Hải Phòng, anh sốc khi chỉ được trả 7-8 triệu đồng. Lên Hà Nội thu nhập có tăng nhưng lại tốn tiền thuê nhà, chi phí ăn ở chiếm đến 2/3 tổng thu nhập.
So với số tiền một tỷ đồng bố mẹ bỏ ra cho mình du học, Khang nói phải sống tằn tiện ít nhất 10-15 năm mới thu hồi vốn. "Nếu biết lương thạc sĩ thấp như vậy tôi đã không đi du học, thà tốt nghiệp trong nước rồi đi làm có khi còn tích lũy được một khoản", Khang nói.
Chàng trai 29 tuổi cho biết sẽ chỉ đi làm khi thu nhập đúng kỳ vọng. Còn không, anh dành thời gian để nghỉ ngơi và học thêm các khóa kỹ năng sống. Quyết định này được bố mẹ Khang ủng hộ, không muốn tạo áp lực cho con bởi gia đình khá giả.
PGS.TS Đỗ Minh Cương, Viện phó Văn hóa kinh doanh, Hiệp hội phát triển Văn hóa doanh nghiệp Việt Nam nói có hiện tượng một bộ phận người trẻ ngại tìm việc, dù họ là nhóm lao động chủ lực, có điều kiện và khả năng thăng tiến hơn các thế hệ trước.
Theo chuyên gia, nguyên nhân khách quan có thể đến từ xu hướng đào tạo lệch với yêu cầu thực tế. Nghĩa là các ngành được đào tạo trong trường học không đáp ứng được yêu cầu tuyển dụng của thị trường.
Tuy nhiên ông cho rằng nguyên nhân chính thường đến từ các yếu tố chủ quan như một bộ phận người trẻ không phải chịu gánh nặng kinh tế nên ít sốt sắng tìm việc. Số khác do liên tục gặp thất bại trong quá trình xin việc, mất dần ý chí và động lực phấn đấu. Cũng có người quá tự tin, ảo tưởng về năng lực của bản thân, cho rằng mức lương được do đơn vị tuyển dụng đề xuất không tương xứng với trình độ.
Báo cáo 6 tháng đầu năm 2024 của Tổng cục thống kê thống kê cho thấy so với quý trước và cùng kỳ năm trước, tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên (từ 15-24 tuổi) tăng so với quý trước và cùng kỳ năm trước, duy trì mức cao (hơn 8%). So với các nhóm tuổi khác, tỷ lệ thất nghiệp ở thanh niên cao hơn ba lần. Lao động thất nghiệp ở thành thị là 10,19%, cao hơn 3,33 điểm phần trăm so với khu vực nông thôn. "Nguyên nhân là nhiều người muốn lựa chọn công việc đúng như ý muốn hơn là làm các công việc tạm thời, thu nhập thấp", báo cáo viết.
Báo cáo Tổng quan và Nhận định thị trường lao động 6 tháng đầu năm 2024 của thương hiệu tuyển dụng nhân sự cấp trung và cấp cao Navigos Search chỉ ra xu hướng tuyển dụng của các doanh nghiệp vẫn tập trung vào nhóm lao động có kinh nghiệm chiếm gần 72%, tiếp đến là cấp bậc quản lý, 19%. Trong khi lao động trẻ, ít kinh nghiệm thường bị bỏ qua.
"Những lý do trên đều khiến người người trẻ, đặc biệt Gen Z (nhóm sinh năm 1997 đến 2012) xuất hiện cảm giác chán nản, bất mãn, không còn muốn tìm việc làm. Điều này khiến doanh nghiệp phải đối mặt với nguy cơ thiếu nhân lực, nền kinh tế chung bị ảnh hưởng", PGS.TS Đỗ Minh Cương nói.
Bổ sung thêm, PGS.TS Trần Thành Nam, Hiệu phó trường ĐH Giáo dục, ĐH Quốc gia Hà Nội, cho biết nhiều lao động trẻ hiện nay có xu hướng sống theo cảm xúc, thỏa mãn mong muốn của bản thân ở hiện tại, không nghĩ đến tương lai.
"Hành động này khiến tương lai của Gen Z ngắn lại, thách thức hơn và dễ đối mặt với nguy cơ bị thất nghiệp khi bước vào tuổi trung niên", ông Nam cảnh báo.
Chưa cần bước đến tuổi trung niên nhưng Thái Trinh đã thất nghiệp được hai năm. Cô gái 25 tuổi nói mất động lực phấn đấu sau thời gian dài không xin được việc. Bản thân cũng e ngại gặp bạn bè bởi khó bắt nhịp với các chủ đề công việc khi chỉ quanh quẩn trong bốn bức tường. "Tôi muốn đi làm nhưng không biết bắt đầu từ đâu, chẳng biết lúc nào bản thân mới có công việc đúng mong muốn khi mỗi năm một nhiều tuổi hơn", Trinh nói.
Còn với Công Khang, anh hy vọng trong vài năm tới khi thị trường việc làm ổn định sẽ tìm được công việc với mức lương như ý. Anh hiện sống dựa vào bố mẹ và tận hưởng thời gian cho bản thân. "Trong thị trường việc làm đầy bất ổn như hiện nay, tìm một công việc tốt, phù hợp với bản thân nằm ngoài tầm với", Khang nói.
PGS.TS Đỗ Minh Cương không đồng tình với suy nghĩ của chàng trai trẻ. Chuyên gia cho rằng việc người trẻ thất nghiệp không phải xã hội thiếu việc làm, mà đơn giản do kỹ năng xin việc của họ còn yếu, đặt ra những yêu cầu công việc không phù hợp với thực tế và dễ chán nản.
Bà Thu Hương, quản lý công ty sáng tạo nội dung với hơn 200 nhân sự tại Hà Nội cũng đồng quan điểm. Qua phỏng vấn ứng viên, nữ quản lý cho rằng nhiều lao động trẻ chưa nhận định đúng về năng lực của bản thân. Không ít người sở hữu nhiều bằng cấp luôn đòi hỏi đầy đủ quyền lợi và hưởng lương cao nhưng kỹ năng nghiệp vụ yếu, ít kinh nghiệm trực chiến.
"Tôi thấy lạ khi một số người trẻ đi phỏng vấn không tìm hiểu kỹ yêu cầu công việc mà chỉ quan tâm lương cao hay thấp, chế độ đãi ngộ ít hay nhiều. Khi vào làm, họ lại sẵn sàng nghỉ việc nếu gặp khó khăn hoặc không vừa ý", bà Hương nói.
Năm 2023, Trung tâm dự báo nhân lực và thông tin thị trường lao động TP HCM khảo sát 7.500 người lao động, hơn 46% người muốn tìm việc trên 20 triệu đồng mỗi tháng nhưng chưa đến 11% nhu cầu tuyển dụng trả được ở mức này.
Để tránh tình trạng lao động thất nghiệp tăng, doanh nghiệp đỏ mắt tìm nhân sự, PGS.TS Trần Thành Nam khuyên người trẻ nên tích cực trau dồi kiến thức, kinh nghiệm, học cách lắng nghe, xác định con đường muốn đi thay vì làm việc tùy hứng, dễ ảnh hưởng đến tương lai.
Bổ sung thêm PGS.TS Đỗ Minh Cương cho rằng khi tham gia thị trường lao động, người trẻ nên đề cao kinh nghiệm, tiếp thu kiến thức mới được thay vì chú trọng vào thu nhập. Bản thân các công ty nên xây dựng văn hóa doanh nghiệp, tạo môi trường làm việc thân thiện, giúp từng cá nhân phát triển. Đặc biệt khi tuyển dụng cũng cần thẳng thắng trao đổi về lương thưởng cũng như yêu cầu trong công việc để ứng viên có cái nhìn toàn diện.
"Chỉ khi mọi thứ công khai, minh bạch, lao động trẻ biết bản thân sẽ nhận được gì ở công ty, tình trạng 'ngại việc, chán việc' sẽ không còn", chuyên gia nói.
Quỳnh Nguyễn
Đăng thảo luận