Xác định chuyển đổi số (CĐS) là xu thế tất yếu, động lực tạo đột phá trong phát triển KT-XH của tỉnh, nhiều ngành, lĩnh vực đã và đang “đi tắt đón đầu” trong việc ứng dụng CĐS vào hoạt động chỉ đạo, điều hành và trong đời sống hằng ngày.

Những thành công đạt được trong việc ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT), CĐS là minh chứng cho thấy tư duy và tầm nhìn chiến lược của tỉnh, góp phần phục vụ người dân, doanh nghiệp ngày càng tốt hơn.

Với phương châm “người dân, doanh nghiệp là trung tâm của quá trình CĐS”, thời gian qua, hoạt động ứng dụng CNTT, CĐS trên địa bàn tỉnh đã được triển khai đồng bộ, hiệu quả ở cả 3 cấp, sát với tình hình thực tế của tỉnh. Từ đây, tư duy, nhận thức của các cấp, ngành và người dân về CĐS cũng thay đổi theo hướng tích cực.

Nhiều lĩnh vực đời sống KT-XH cho thấy sự đổi thay sâu sắc, toàn diện nhờ được đầu tư, ứng dụng CĐS như khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế bằng thẻ Căn cước công dân (CCCD) gắn chip; thay thế sổ hộ khẩu, sổ tạm trú bằng giấy sang hình thức điện tử; chi trả bảo hiểm xã hội, lương hưu qua tài khoản ngân hàng…

Đến nay, toàn tỉnh có 100% đơn vị trường học triển khai giải pháp không dùng tiền mặt qua các đơn vị trung gian và thu hộ; 100% cơ sở khám, chữa bệnh công lập trực thuộc Sở Y tế triển khai thanh toán không dùng tiền mặt; toàn tỉnh có 10.823/42.547 người hưởng chế độ lương hưu và trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng không dùng tiền mặt…

Bên cạnh đó, tỉnh triển khai nhiều mô hình CĐS trong hoạt động chỉ đạo, điều hành, phục vụ nhu cầu của người dân, doanh nghiệp hiệu quả như Công an tỉnh triển khai nhân rộng mô hình thông báo lưu trú ASM tại 960 cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú trên toàn tỉnh với 61.225 lượt check-in và thông báo lưu trú; mô hình thu phí dịch vụ đón, trả khách bằng hình thức không dùng tiền mặt qua Hệ thống phần mềm Quản lý vận tải xe ra/vào bến của Ban Quản lý bến xe khách được nhiều đơn vị vận tải trong và ngoài tỉnh ứng dụng...

Vĩnh Phúc: Chuyển đổi số để nâng cao năng lực phục vụ người dân, doanh nghiệp  第1张 Công tác cải cách hành chính gắn với chuyển đổi số được Bảo hiểm xã hội tỉnh tập trung thực hiện nhằm nâng cao chất lượng phục vụ, đảm bảo quyền lợi của người tham gia bảo hiểm xã hội. Ảnh: Nguyễn Lượng

Đặc biệt, tỉnh thể hiện quyết tâm và xác định chỉ có ứng dụng CNTT là con đường ngắn nhất, nhanh nhất, phục vụ đắc lực cho công tác cải cách hành chính và quản lý, điều hành của cấp ủy, chính quyền. Sự quyết liệt này được cụ thể hóa bằng các đề án, cơ chế, chính sách, văn bản chỉ đạo, điều hành để tạo môi trường pháp lý cho CĐS, là tiền đề quan trọng để xây dựng, phát triển chính quyền điện tử, hướng tới chính quyền số.

Nổi bật như Nghị quyết số 39 của HĐND tỉnh thông qua Đề án hoàn thiện chính quyền điện tử hướng tới chính quyền số tỉnh Vĩnh Phúc, giai đoạn 2021-2025; Chỉ thị số 23 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường công tác lãnh đạo của Đảng đối với quá trình CĐS trên địa bàn tỉnh; Quyết định số 18 của UBND tỉnh về việc ban hành Quy định trách nhiệm người đứng đầu cơ quan Nhà nước tỉnh trong việc thực hiện nhiệm vụ CĐS…

Đến nay, toàn tỉnh có 1.865 thủ tục hành chính (TTHC) dịch vụ công (DVC) trực tuyến toàn trình và một phần; đã đồng bộ 1.294 DVC trực tuyến tích hợp trên Công DVC quốc gia; số lượng hồ sơ, TTHC được tiếp nhận trực tuyến ngày càng tăng.

Nền tảng chia sẻ, tích hợp dùng chung của tỉnh được xây dựng hoàn thành, cài đặt, vận hành tại Trung tâm Hạ tầng thông tin tỉnh, kết nối với Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia và Trục liên thông văn bản quốc gia, bảo đảm sẵn sàng kết nối đến các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu của các bộ, ngành Trung ương và các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh.

100% các sở, ngành của tỉnh đã thực hiện ứng dụng chữ ký số trong tất cả các nhiệm vụ chuyên môn như ký số ban hành văn bản, công tác phí, lệ phí; ứng dụng chữ ký số trong giải quyết TTHC...; duy trì áp dụng, cải tiến áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO 9001:2015 vào hoạt động cơ quan, đơn vị.

Đồng thời triển khai hệ thống lưu trữ nhật ký, cảnh báo sự kiện an toàn thông tin tập trung bằng phần mềm nguồn mở; ngăn chặn 100% các trường hợp tin tặc sử dụng các máy chủ để điều khiển, phát tán mã độc, thư rác vào các hệ thống thông tin của tỉnh.

Đến hết tháng 8/2024, Vĩnh Phúc có tổng điểm 77,9 điểm, xếp thứ 25/63 tỉnh, thành phố trong cả nước theo kết quả đánh giá Bộ chỉ số phục vụ người dân và doanh nghiệp đối với các bộ, ngành, địa phương được công bố công khai trên Cổng DVC quốc gia.

Nâng cao hiệu quả công tác CĐS phục vụ người dân, doanh nghiệp, các cấp chính quyền trong tỉnh tiếp tục đẩy mạnh triển khai DVC trực tuyến mức độ 3, mức độ 4, nhất là đối với các DVC thiết yếu.

Tích cực tuyên truyền, hướng dẫn cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và công dân thực hiện DVC trực tuyến trên môi trường điện tử thay cho phương thức truyền thống.

Bảo đảm các điều kiện hạ tầng, dữ liệu và nền tảng số, chuẩn bị sẵn sàng điều kiện để bảo đảm kết nối liên thông giữa các cơ sở dữ liệu chuyên ngành, hệ thống thông tin với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; hoàn thiện hệ sinh thái phục vụ kết nối, khai thác, làm giàu dữ liệu và các tiện ích phục vụ người dân, doanh nghiệp.

Chú trọng công tác đào tạo, nâng cao năng lực CNTT, trang bị kỹ năng số cần thiết cho cán bộ, nhân viên thích ứng với môi trường mạng để vận hành, phát triển các hệ thống, phục vụ ngày càng tốt hơn yêu cầu của người dân, doanh nghiệp.

 Theo Ngọc Lan (Báo Vĩnh Phúc)