Hưng YênNgười đàn ông 52 tuổi bị viên gạch rơi vào chân khi xây tường phòng lũ, có vết thương nhỏ nên xử lý băng bó bình thường, 6 ngày sau cứng hàm.
Ngày 25/9, bác sĩ Trương Tư Thế Bảo, khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, cho biết bệnh nhân khó há miệng, khó nuốt, bụng cứng do uốn ván, được Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hưng Yên điều trị ban đầu rồi chuyển đến. Vết thương ở chân phải kích thước nhỏ chỉ 0,5 cm, đóng vảy, không bị sưng hay viêm mủ.
Các bác sĩ tiêm huyết thanh cho bệnh nhân để điều trị uốn ván và xử lý độc tố trong máu. Tiên lượng bệnh nhân phải điều trị dài ngày do tình trạng nặng.
Vết thương nhỏ ở bàn chân khiến người đàn ông bị uốn ván suýt chết. Ảnh: Bệnh viện cung cấp
Uốn ván là bệnh nhiễm trùng cấp tính do ngoại độc tố của trực khuẩn uốn ván (Clostridium tetani) gây ra, ngay cả khi vết thương đã lành. Có 4 giai đoạn gồm ủ bệnh, khởi phát, toàn phát và lui bệnh. Uốn ván là bệnh nguy hiểm do thời gian điều trị kéo dài (có thể vài tuần đến vài tháng), chi phí điều trị rất tốn kém.
Nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời, bệnh nhân nguy cơ tử vong rất cao do suy hô hấp, ngừng tim đột ngột, nhiễm trùng toàn thân, xuất huyết. Thời gian ủ bệnh càng ngắn, tình trạng bệnh càng nặng, diễn biến xấu rất nhanh. Tiêm huyết thanh phòng uốn ván (SAT) là biện pháp đơn giản và hiệu quả ngăn ngừa bệnh khi có vết thương ngoài da.
Bác sĩ khuyến cáo khi lao động nên trang bị an toàn như giày bảo hộ, găng tay chống cắt, đồ bảo hộ. Khi không may bị thương, cần xử lý vết thương đúng cách, rửa bằng nước sạch, sát trùng bằng cồn, dùng băng vô khuẩn băng bó, sau đó đến cơ sở y tế để khám và tiêm phòng uốn ván.
Thúy Quỳnh
Đăng thảo luận