YênBái - Sau gần 10 năm thi hành, Luật Bảo vệ và Kiểm dịch thực vật (BV&KDTV) đã đi vào cuộc sống, đáp ứng yêu cầu của thực tiễn sản xuất, tạo cơ sở pháp lý, có ý nghĩa và tầm quan trọng trong việc phòng trừ sâu bệnh, ngăn chặn kịp thời dịch hại, bảo vệ an toàn sản xuất trên địa bàn tỉnh Yên Bái.

Yên Bái: Kết quả sau gần 10 năm thi hành Luật Bảo vệ và Kiểm dịch thực vật  第1张 Viên chức Trung tâm Dịch vụ, Hỗ trợ phát triển nông nghiệp huyện Văn Chấn (bên trái) trao đổi với người dân về cách phòng trừ sâu keo mùa thu gây hại trên cây ngô.

Từ ngày 1/1/2015, Luật BV&KDTV có hiệu lực thi hành. Đồng chí Nguyễn Đức Điển - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh cho biết: "UBND tỉnh đã ban hành 5 văn bản về lĩnh vực BV&KDTV, chỉ đạo cơ quan chuyên môn, các đơn vị liên quan tăng cường công tác phòng chống các đối tượng dịch hại trên cây trồng. Từ năm 2015 đến nay, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh đã ban hành trên 430 văn bản chỉ đạo, điều hành về BV&KDTV" 
Việc thực thi công tác chuyên môn gắn với thực hiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới, an toàn sức khỏe cộng đồng và người sản xuất, an toàn thực phẩm... góp phần nâng cao ý thức của các tổ chức, cá nhân chấp hành pháp luật về BV&KDTV, phòng, chống sinh vật gây hại, kinh doanh và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. 
Những năm qua, nhiều địa phương đã xuất hiện và phát triển các đối tượng dịch hại nguy hiểm, điển hình như bệnh khảm lá virus hại trên cây sắn, sâu keo mùa thu gây hại trên cây ngô, bệnh vàng lá thối rễ trên cây cam… gây hại trên diện rộng, khó kiểm soát. 
Hàng năm, ngành nông nghiệp đã tổ chức nhiều đợt kiểm tra, ban hành nhiều văn bản chỉ đạo bảo vệ sản xuất; hướng dẫn các địa phương thực hiện tốt việc theo dõi, kiểm tra diễn biến tình hình sinh vật gây hại, thời tiết, sinh trưởng của cây trồng để kịp thời đưa ra dự tính, dự báo, khuyến cáo, hướng dẫn người dân chủ động phòng trừ hiệu quả. Nhờ đó, từ năm 2015 đến nay, trên địa bàn tỉnh chưa xảy ra tình hình dịch hại phải công bố dịch theo quy định. 
Ngoài ra, các đối tượng dịch hại chính trên cây lúa, cây ngô, cây chè, cây ăn quả có múi đều được phòng trừ kịp thời, hiệu quả, giảm đến mức thấp nhất thiệt hại do sâu bệnh gây ra, không có diện tích nhiễm gây ảnh hưởng trên 70% năng suất. Tuy nhiên, bệnh vàng lá thối rễ trên cây cam, bệnh thối thân, thối củ trên cây sắn gây hại nặng vẫn trong quá trình nghiên cứu nhưng hiện tại việc phòng, chống chưa đạt hiệu quả triệt để. 
Ngành nông nghiệp, các địa phương đã hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, người dân đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất cây trồng; xây dựng, nhân rộng các mô hình ứng dụng SRI, IPM, IPHM gắn sản xuất với bảo quản, chế biến, tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị; tăng cường mở rộng ứng dụng kỹ thuật giảm giá thành trong sản xuất. 
Đồng thời ứng dụng khoa học kỹ thuật về các loại giống cây trồng có năng suất, chất lượng cao, chống chịu sâu bệnh, phù hợp điều kiện tự nhiên và phổ biến tiến bộ kỹ thuật, công nghệ mới trong phòng trừ sinh vật gây hại đến nông dân. 
Các dự án nghiên cứu khoa học về bảo vệ thực vật trên địa bàn tỉnh đã được áp dụng, nhân rộng và đạt kết quả tốt. Tiêu biểu như phương pháp phòng trừ hiệu quả bệnh khô lá vườn ươm, bệnh phấn trắng trên cây quế rừng trồng; châu chấu tre chày xanh, bệnh thối măng do nấm… hại cây tre măng Bát độ và đã áp dụng, mở rộng vào thực tiễn sản xuất. 
Ngăn chặn, kiểm soát các đối tượng kiểm dịch thực vật có nguy cơ gây hại cho sản xuất trồng trọt, ngành chức năng của tỉnh đã phối hợp với các địa phương, doanh nghiệp thực hiện tốt công tác kiểm dịch thực vật nội địa; điều tra, giám sát sinh vật gây hại trên giống cây trồng mới; điều tra, theo dõi sinh vật gây hại vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật; giám sát hoạt động xử lý vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật. 
Bên cạnh đó, đã phối hợp đẩy mạnh xây dựng mã số vùng trồng trên các cây trồng chủ lực có tiềm năng xuất khẩu, đáp ứng quy định kiểm dịch thực vật của nước nhập khẩu. 
Tính đến 25/4/2024, đã thiết lập, xây dựng được 41 mã số vùng trồng với tổng diện tích 874,7 ha. Mặt khác, công tác quản lý thuốc bảo vệ thực vật, thanh tra và kiểm tra, nhất là hoạt động phối hợp chỉ đạo thực hiện công tác BV&KDTV đảm bảo thường xuyên, đồng bộ, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về BV&KDTV tại địa phương.
Luật BV&KDTV đã góp phần tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước về công tác bảo vệ thực vật, KDTV và quản lý thuốc bảo vệ thực vật; sử dụng hiệu quả các nguồn tài nguyên, bảo vệ môi trường sinh thái, phòng chống hiệu quả các đối tượng sinh vật gây hại trên cây trồng trong điều kiện biến đổi khí hậu; đảm bảo sinh kế, nâng cao thu nhập, chất lượng cuộc sống cho nông dân, góp phần thúc đẩy tăng trưởng, phát triển kinh tế, ổn định xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh trên địa bàn tỉnh.
Nguyễn Thơm

Tags 10 năm Luật Bảo vệ và Kiểm dịch thực vật