'Nghỉ Tết sớm, dài ngày để người lao động có thời gian mua sắm, về quê... thay vì 29 tháng chạp mới ùa ra cửa ngõ như chim vỡ tổ'.
"Tôi thấy hiện nay kinh tế của nước ta cũng đã phát triển hơn, đời sống người dân nâng cao hơn, nên việc bổ sung thêm khoảng hai, ba ngày nghỉ lễ là cần thiết để tái tạo sức lao động, cũng như thúc đẩy tiêu dùng, dịch vụ. Theo tôi, nên bổ sung ngày nghỉ cho kỳ nghỉ Tết Nguyên đán là phù hợp nhất, vì lý do sau:
Hiện nay, số ngày nghỉ Tết chính thức đang là năm ngày, cộng thêm đan xen vào hai ngày nghỉ cuối tuần, nên thường người lao động sẽ có kỳ nghỉ khoảng bảy ngày. Quỹ thời gian nghỉ ít nên năm nào Chính phủ cũng phải cân nhắc xem nên nghỉ mấy ngày trước Tết, mấy ngày sau Tết, người dân cũng khó sắp xếp lịch của gia đình trong kỳ nghỉ.
Dịp Tết Nguyên đán theo truyền thống văn hóa của nước ta là dịp để đoàn viên, thăm hỏi, chúc Tết nhau, nên cũng cần nhiều thời gian. Nhất là đặc điểm nước ta có địa hình trải dài, người dân thường đi làm xa quê nên việc di chuyển, đi lại về thăm quê cũng mất khá nhiều thời gian. Do đó, việc bổ sung ngày nghỉ vào Tết Nguyên đán là rất cần thiết".
Đó là quan điểm của độc giả Anh Tu xung quanh đề xuất nghỉ Tết Ất Tỵ chín ngày của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội. Cụ thể, người lao động sẽ nghỉ hai ngày trước và ba ngày sau Tết, từ 26 tháng chạp năm Giáp Thìn đến hết mùng 5 tháng giêng Ất Tỵ, tức từ thứ bảy ngày 25/1 đến hết chủ nhật 2/2/2025. Nếu phương án được thông qua, công chức, lao động cả nước sẽ nghỉ lễ kéo dài chín ngày gồm năm ngày nghỉ chính thức và bốn ngày nghỉ cuối tuần của hai tuần liên tiếp.
>> 'Nghỉ Tết bảy ngày để người Việt thảnh thơi'
Nhấn mạnh những lợi ích khi tăng ngày nghỉ dịp Tết Nguyên đán, bạn đọc Bình Luận phân tích: "Nên nghỉ bắt đầu từ 28 âm lịch để người lao động còn sắp xếp thời gian mua sắm, dọn dẹp, về quê... chứ cứ sáng 29 mới tất bật, rồi chiều lại ùa ra cửa ngõ như chim vỡ tổ thì chẳng bao giờ hết tắc, hết mệt. Nói chung người Việt đang thiếu ngày nghỉ nên mỗi khi trước kỳ nghỉ thì vừa làm vừa đợi, sau kỳ nghỉ lại vừa làm vừa chán.
Theo tôi, mỗi năm nên có ba kỳ nghỉ dài khoảng bốn, năm ngày để thanh niên kết nối bạn bè hay về quê phụng dưỡng cha mẹ, người lớn đưa gia đình đi chơi hoặc ở nhà tăng gắn kết với con cái, trẻ con được nghỉ xả hơi trước kỳ thi cuối kỳ... Khi chất lượng cuộc sống tăng lên thì năng suất lao động và học tập cũng sẽ tỷ lệ thuận. Kỳ nghỉ nào các tỉnh du lịch cũng thu về cả nghìn tỷ đồng chứ đâu phải nền kinh tế đứng yên".
Thành Lê tổng hợp
- 'Nghỉ Tết sớm không làm người Việt nghèo đi'
- Sao phải cố dè sẻn ngày nghỉ Tết?
- 'Nghỉ Tết sớm để người lao động bớt khổ'
Đăng thảo luận