Đảm nhận vị trí Tổng đạo diễn cho chương trình nghệ thuật “Vinh quang thầm lặng 2024”, Mai Thanh Tùng cho biết anh nhận “đề bài” vô cùng khó từ phía Ban Cơ yếu Chính phủ.

Đạo diễn Mai Thanh Tùng: Tâm huyết và sáng tạo với 'Vinh quang thầm lặng 2024'  第1张 Đạo diễn Mai Thanh Tùng.

Dấu son đầy tự hào

Chương trình nghệ thuật Vinh quang thầm lặng 2024 diễn ra tối 6/9 tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia đã để lại ấn tượng tốt trong lòng công chúng. Chương trình được tổ chức với mục đích tri ân những đóng góp to lớn của ngành Cơ yếu Việt Nam trong suốt 79 năm qua; chào mừng 80 năm thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam và 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân.

Chương trình là sự kiện văn hóa đặc sắc, góp phần tôn vinh những thành tựu và cống hiến của ngành Cơ yếu Việt Nam, Quân đội Nhân dân Việt Nam và phong trào Quốc phòng toàn dân.

Đạo diễn Mai Thanh Tùng cho biết, đây là lần đầu tiên trong suốt 79 năm hình thành và phát triển, lần đầu tiên ngành Cơ yếu Việt Nam có một chương trình nghệ thuật truyền hình trực tiếp nên sự chờ đợi, kỳ vọng của ban tổ chức cũng như tất cả cán bộ, chiến sĩ trong ngành rất lớn, điều này khiến anh gặp khó và áp lực.

“Khó bởi lẽ, Cơ yếu là ngành đặc trưng có những yếu tố tuyệt mật với những thông tin được mã hóa tiêu chuẩn để đảm bảo an ninh quốc gia mà không phải ai cũng có cơ hội được tìm hiểu.

Độ khó càng tăng lên khi làm sao trong 120 phút, chương trình phải nêu bật được những đóng góp rất vinh quang và vô cùng thầm lặng ấy của cán bộ, chiến sĩ ngành Cơ yếu trong lịch sử 79 năm, tiến tới dấu mốc 80 năm đầy tự hào bằng yếu tố mềm mại và lay động lòng người của nghệ thuật“, đạo diễn Mai Thanh Tùng chia sẻ.

Đạo diễn Mai Thanh Tùng: Tâm huyết và sáng tạo với 'Vinh quang thầm lặng 2024'  第2张 Đạo diễn Mai Thanh Tùng đau đáu để tìm ra những ý tưởng xuyên suốt cho chương trình nghệ thuật chứa nhiều kỳ vọng này.

Đây là sự kiện quan trọng góp phần tôn vinh ngành Cơ yếu Việt Nam, giúp công chúng được hiểu thêm về trọng trách lớn lao và những đóng góp của ngành với đất nước. Đồng thời, chương trình còn là nguồn động viên, khích lệ niềm tự hào, tận hiến với những nhiệm vụ khó khăn mà cán bộ, chiến sĩ của ngành đã, đang và sẽ tiếp tục thực hiện trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Nhận nhiệm vụ khó như vậy nhưng bằng sự kính trọng, lòng yêu mến và khâm phục trước những đóng góp của ngành Cơ yếu, đạo diễn Mai Thanh Tùng đau đáu để tìm ra những ý tưởng xuyên suốt cho chương trình nghệ thuật chứa đựng nhiều kỳ vọng này.

Trong thời kỳ kháng chiến, đã có hàng triệu bức điện mật mang nội dung lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước và lực lượng vũ trang được lực lượng Cơ yếu mã hóa, dịch mã và truyền đưa một cách bí mật và kịp thời, phục vụ thắng lợi nhiều chiến dịch lớn như: Chiến dịch Việt Bắc năm 1947; Chiến dịch Biên giới Thu - Đông và Chiến dịch Trần Hưng Đạo năm 1950; Chiến dịch Hoàng Hoa Thám đầu năm 1951; Chiến dịch Hòa Bình năm 1951-1952; Chiến dịch Thượng Lào năm 1953, đặc biệt trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử…

Đạo diễn Mai Thanh Tùng: Tâm huyết và sáng tạo với 'Vinh quang thầm lặng 2024'  第3张 Chương trình “Vinh quang thầm lặng 2024“ sự kết hợp nhuần nhuyễn các loại hình nghệ thuật đặc sắc như âm nhạc, múa, thơ ca, phóng sự, giao lưu.

Trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, ngành Cơ yếu đã tiếp thu thành tựu khoa học - công nghệ mật mã trên thế giới để xây dựng nền khoa học - công nghệ mật mã Việt Nam từng bước hiện đại, phục vụ đắc lực sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, chỉ huy của lực lượng vũ trang. 

Đặc biệt là cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, sự ra đời của máy tính lượng tử và các công nghệ mới mở ra nhiều cơ hội nhưng cũng xuất hiện nhiều nguy cơ mất an toàn thông tin đối với tất cả các quốc gia. Việc sử dụng mật mã để bảo mật thông tin bí mật nhà nước, góp phần bảo vệ chủ quyền, an ninh quốc gia được các nước trên thế giới đặc biệt coi trọng và ưu tiên triển khai.

Trọng trách, yêu cầu của đất nước đặt lên vai ngành Cơ yếu rất lớn. Nhưng bằng sự quả cảm, sáng tạo, mưu trí, dũng cảm và niềm tự hào vô bờ với những dấu son mà lớp lớp thế hệ đi trước đã tạo dựng cho ngành Cơ yếu trong lịch sử đất nước, cán bộ, chiến sĩ Ngành vẫn tiếp bước đầy tự tin để luôn xuất sắc hoàn thành nhiệm vụ của mình. 

Bắt được “mạch” sáng tạo ấy, Mai Thanh Tùng và ê-kíp đã nhanh chóng hình thành nên ý tưởng xuyên suốt chương trình. Anh cũng hạnh phúc, tự hào khi được đóng góp công sức nhỏ bé của mình để làm nên chương trình, đóng góp cho dấu mốc quan trọng của ngành Cơ yếu Việt Nam.

Trên cơ sở đó, không gian tổ chức của chương trình đẳng cấp sang trọng với sức chứa hơn 3.500 chỗ của Trung tâm Hội nghị Quốc gia là địa điểm lý tưởng và xứng đáng với tầm vóc và ý nghĩa của Vinh quang thầm lặng 2024

Bên cạnh đó, điểm nhấn của chương trình chính là sân khấu cũng đã được thực hiện với những ý tưởng mới lạ, hoành tráng và hiện đại là phông nền để tái hiện hành trình 79 năm miệt mài với rất nhiều chặng đường gian khó và đầy tự hào.

Kết nối tinh tế giữa quá khứ - hiện tại - tương lai

Đối với một ngành có bề dày và chiến công đầy vinh quang nhưng thầm lặng như Cơ yếu Việt Nam thì truyền thống của ngành là rất quan trọng. Sứ mệnh lịch sử thiêng liêng và truyền thống vẻ vang “Trung thành, Tận tụy, Đoàn kết, Kỷ luật, Sáng tạo” của ngành Cơ yếu Việt Nam luôn được Mai Thanh Tùng và ê-kíp sáng tạo đặt lên hàng đầu, như một câu “khẩu quyết” và yêu cầu cho cả chương trình.

Phải tái hiện được quá khứ vẻ vang, hiện tại hào hùng và tương lai đầy bản lĩnh của ngành Cơ yếu Việt Nam, song hành với sự phát triển của khoa học công nghệ hiện đại của đất nước và thế giới. Phải kết nối được sự trung thành, tận tụy với nhiệm vụ của cán bộ, chiến sĩ trong ngành dựa trên sự đoàn kết, kỷ luật và sáng tạo không ngừng để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ với Tổ quốc.

Trong dòng chảy đó, nghệ thuật là chất xúc tác đồng thời lại đóng vai trò là sợi dây liên kết, tạo nên một bức tranh trọn vẹn, đầy cảm xúc để nêu bật hành trình gần 80 năm đầy ắp những thành tựu rất đáng tự hào, đầy vinh quang nhưng cũng hết sức thầm lặng mà cán bộ, chiến sĩ trong ngành miệt mài cống hiến suốt lịch sử hình thành và phát triển.

Chính bởi vậy, chương trình Vinh quang thầm lặng 2024 sự kết hợp nhuần nhuyễn các loại hình nghệ thuật đặc sắc như âm nhạc, múa, thơ ca, phóng sự, giao lưu cùng các thủ pháp sân khấu hiện đại nhằm vinh danh và tô đậm lòng tự hào của lực lượng Cơ yếu. Đồng thời, chương trình đã làm sống lại những năm tháng gian khó và rất đỗi hào hùng và mang đến tầm nhìn, khát vọng trong thời kỳ mới, trong hành trình vẻ vang tiếp theo của ngành Cơ yếu Việt Nam. 

Chương trình nghệ thuật Vinh quang thầm lặng 2024 được chia làm 3 chương cũng chính là “bức chân dung” toàn cảnh về ngành Cơ yếu Việt Nam được chắp cánh bằng các loại hình nghệ thuật đa dạng và ngập tràn sắc màu: Sứ mệnh lịch sử; Những chiến công thầm lặng; Hành trình vinh quang.

Trong đó, hoạt cảnh thơ múa Vinh quang thầm lặng tái hiện tầm vóc ý nghĩa của hành trình 79 năm hình thành, xây dựng, chiến đấu và trưởng thành của ngành Cơ yếu từ mùa thu lịch sử năm 1945, qua những dấu mốc quan trọng của đất nước.

Kể từ mốc son lịch sử ấy, các thế hệ cán bộ, nhân viên cơ yếu đã cùng nhau bước vào một hành trình gian lao, thử thách, nhiều hiểm nguy nhưng cũng thật vinh quang.

Lửa thử vàng, gian nan thử sức, ngành Cơ yếu Việt Nam đã trải qua các giai đoạn rất khốc liệt, các cuộc đấu trí, đấu lực giữa một bên là nền khoa học kỹ thuật mật mã Việt Nam còn non trẻ với các thế lực đế quốc, thực dân hùng mạnh về kỹ thuật, trang thiết bị thu tin, mã thám tinh vi, hiện đại. Thế nhưng, thực tế đã chứng minh, kỹ thuật nghiệp vụ mật mã Việt Nam dưới bàn tay, khối óc của những người làm công tác cơ yếu đã bảo đảm độ tin cậy, bí mật tuyệt đối, làm thất bại nhiều âm mưu, thủ đoạn xảo quyệt của kẻ thù để giành độc lập dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Với đặc thù nhiệm vụ cơ mật trọng yếu, những chiến công của ngành cũng được “mã hóa”, thầm lặng hòa vào cùng dòng chảy cách mạng. Lịch sử và dân tộc đã trao cho ngành sứ mệnh thiêng liêng. Những cống hiến, hy sinh lặng thầm cứ thế hoá thân vào dáng hình đất nước. 

Các tác phẩm Hồ Chí Minh đẹp nhất tên Người, Khát vọng đã viết nên ý chí, tâm nguyện của toàn ngành khi thực hiện lời dạy và mong muốn của Bác với các cán bộ, chiến sĩ thực hiện sứ mệnh cơ mật, đảm bảo an toàn thông tin cho đất nước.

Những chiến công thầm lặng được thể hiện qua phóng sự Những bức điện mật lịch sử tái hiện vai trò quan trọng của công tác mật mã trong thắng lợi của các chiến dịch quân sự lớn như Chiến dịch Điện Biên Phủ, Chiến dịch Hồ Chí Minh, Chiến dịch Biên giới phía Bắc...

Toàn ngành Cơ yếu Việt Nam có gần 1.000 liệt sĩ hy sinh, trong đó, nhiều tấm gương đã hy sinh anh dũng để bảo đảm an toàn tuyệt đối tài liệu, kỹ thuật mật mã không để rơi vào tay kẻ thù. Sự hy sinh ấy là “tự nguyện” như lời hát thiết tha “là người tôi sẽ chết cho quê hương”, bởi “ai cũng chọn việc nhẹ nhàng gian khổ sẽ dành phần ai” (bài Một đời người, một rừng cây), tạo nên Màu cờ tôi yêu và vì sự Linh thiêng Tổ quốc Việt Nam.

Để những hy sinh ấy được khắc họa đậm nét, phần giao lưu với các nhân chứng lịch sử đã khiến khán giả phần nào thấu hiểu và kính trọng trước sự sáng tạo, dũng cảm với những nhiệm vụ tối mật và vô cùng quan trọng mà họ đã trải qua. 

Chiến lược phát triển ngành Cơ yếu Việt Nam đến năm 2030 và định hướng đến năm 2045 đã xác định: Phải có chủ trương, giải pháp đột phá nhằm bảo đảm tuyệt đối bí mật thông tin lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước. Xây dựng ngành Cơ yếu Việt Nam cách mạng, chính quy, tiến thẳng lên hiện đại là giải pháp then chốt, quyết định. Đây là nhiệm vụ cơ bản, cấp thiết, là trách nhiệm của toàn Đảng và cả hệ thống chính trị, trong đó, lực lượng cơ yếu giữ vai trò nòng cốt.

Chính vì vậy, phần 3 Hành trình vinh quang mang đến những phóng sự, màn giao lưu để khán giả có cái nhìn đầy thuyết phục về sự phát triển của ngành, đón đầu những xu thế của thế giới, xuất sắc hoàn thành các nhiệm vụ được giao với niềm tự hào tiếp bước cha anh. 

Đó là bởi trong mỗi cán bộ, chiến sĩ ngành Cơ yếu Việt Nam luôn có “Khát vọng tuổi trẻ”, “Tự hào tôi là tương lai Việt Nam”…

Tất cả các loại hình nghệ thuật đặc sắc cùng xuất hiện trên sân khấu của Vinh quang thầm lặng 2024, dưới bàn tay của Tổng đạo diễn Mai Thanh Tùng đã cùng nhau tạo nên những lớp lang hình tượng và ý nghĩa, truyền đi thông điệp sâu sắc của chương trình, khắc sâu vào lòng khán giả niềm xúc động, tin tưởng và tự hào về Ngành Cơ yếu Việt Nam.

Bên cạnh đó, những giọng hát giàu nội lực và được khán giả yêu mến như: Tùng Dương, Minh Quân, NSƯT Vũ Thắng Lợi, Nguyễn Thu Thủy, Nguyễn Ngọc Anh, Viết Danh, Ngọc Ký, Lê Anh, Lê Trang, Minh Đức, Nguyễn Minh Quân, Tuấn Ngọc, Thái Sơn, Thuý Nga… là bảo chứng cho một chương trình nghệ thuật thành công và đầy sức sống, thu hút khán giả mọi lứa tuổi.

“Tôi đã dồn rất nhiều tâm huyết và sự sáng tạo vào Vinh quang thầm lặng 2024. Bởi đây cũng chính là món quà mà tôi và ê-kíp cùng tập thể nghệ sĩ muốn gửi tới ngành Cơ yếu Việt Nam nhằm tri ân những đóng góp của ngành với lịch sử đất nước, để cho mỗi chúng ta được hưởng cuộc sống hòa bình, ổn định và hạnh phúc như ngày nay. Đồng thời mong rằng, thông qua chương trình, các cán bộ, chiến sĩ của ngành được tiếp thêm động lực và niềm tự hào, tiếp tục vững bước hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ mà Đảng và Nhà nước giao phó”, đạo diễn Mai Thanh Tùng chia sẻ.

Đạo diễn Mai Thanh Tùng sinh ra và lớn lên tại Nam Định. Bén duyên với nghệ thuật từ 20 năm qua. Anh là “cha đẻ” của những chuỗi chương trình: Gala Tết quê hương, Ơn nghĩa sinh thành và những sự kiện: Festival Chí Linh – Hải Dương, Linh thiêng Đình Chèm, Hào khí Đông A...

Cẩm Tú
Ảnh: BTC

Đạo diễn Mai Thanh Tùng: Tâm huyết và sáng tạo với 'Vinh quang thầm lặng 2024'  第4张 Ca sĩ Minh Quân gây chú ý khi trở lại sân khấuMinh Quân cùng các ca sĩ Tùng Dương, Vũ Thắng Lợi, Ngọc Anh đã tạo nên đêm nghệ thuật "Vinh quang thầm lặng 2024" nhiều dấu ấn, khắc họa hành trình thầm lặng nhưng đầy vinh quang của ngành Cơ yếu Việt Nam.