Cho trẻ ăn giặm quá sớm, không cho trẻ tập nhai, chỉ cho ăn nước mà không ăn rau, cho trẻ xem phim, điện thoại khi ăn và ép buộc trẻ ăn… là sai lầm thường gặp của nhiều gia đình khi chăm sóc trẻ nhỏ.

Đừng mắc sai lầm: Cho con ăn giặm quá sớm, vừa xem điện thoại  第1张

Viện Dinh dưỡng quốc gia ký biên bản ghi nhớ hợp tác về chăm sóc dinh dưỡng 1.000 ngày đầu đời cho trẻ trong khuôn khổ hội thảo - Ảnh: D.LIỄU

Đây là chia sẻ của ông Trần Thanh Dương, viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia, tại "Hội thảo chuyên đề Nhật Bản - Việt Nam về cải thiện thực hành ăn giặm trong 1.000 ngày đầu đời cho trẻ em Việt Nam", diễn ra tại Hà Nội ngày 28-9. 

Hội thảo do Viện Dinh dưỡng quốc gia phối hợp cùng các đơn vị tổ chức.

Sai lầm thường gặp khi cho trẻ ăn giặm

Theo viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia, dinh dưỡng trong 2 năm đầu đời đóng góp tới 80% trọng lượng não bộ và dự phòng các bệnh mạn tính khi trưởng thành.

Nếu giai đoạn này trẻ được nuôi dưỡng tốt có thể sẽ tăng chiều cao từ 25cm trong 12 tháng đầu và 10cm/năm trong năm tiếp theo.

Do đó trong 2 năm đầu đời, em bé có thể tăng chiều cao tới 35cm. Chiều cao của trẻ giai đoạn này sẽ bằng 1⁄2 chiều cao lúc trưởng thành. Vì vậy, cha mẹ nên xây dựng một chế độ dinh dưỡng hợp lý, bổ sung vitamin, vi chất qua bữa ăn hằng ngày để giúp trẻ khỏe mạnh trong tương lai.

Theo ông Dương, sai lầm nhiều gia đình gặp phải khi cho trẻ ăn giặm là cho trẻ ăn quá sớm vì nghĩ là sữa mẹ không đủ, ăn sớm cho cứng cáp.

Xay nhuyễn thực phẩm sợ trẻ hóc, không tập cho trẻ nhai nên hình thành thói quen ngậm. Nhiều gia đình không cho trẻ ăn rau sớm, hoặc chỉ cho húp nước không cho ăn cái (thiếu chất xơ). Không kiên nhẫn tập cho trẻ ăn thức ăn đa dạng hoặc kiêng một số loại thực phẩm, dẫn đến trẻ kén ăn, biếng ăn.

Đặc biệt, không tập trung cho trẻ ăn, cho trẻ xem phim, dùng điện thoại khi ăn và ép buộc trẻ ăn dẫn đến các vấn đề tâm lý ở trẻ (sợ ăn).

  • Đừng mắc sai lầm: Cho con ăn giặm quá sớm, vừa xem điện thoại  第2张

    Nên bắt đầu cho bé ăn giặm ở độ tuổi nào?ĐỌC NGAY

"Các nhà dinh dưỡng học đã khuyến nghị trẻ em phải được ăn bổ sung từ 6 tháng và song song với bú mẹ cho đến 24 tháng tuổi.

Chế độ ăn phải từ loãng đến đặc, ăn từ ít đến nhiều, từ đơn giản ít loại đến đa dạng loại thực phẩm. 

Đặc biệt, trong quá trình ăn cần động viên khuyến khích trẻ và không ép trẻ", ông Dương khuyến cáo.

Ông cũng cho rằng mặc dù đã được giáo dục về chăm sóc trẻ trong 1.000 ngày đầu đời, tuy nhiên tỉ lệ chăm sóc trẻ đúng cách chưa được cao.

Điều này khiến Việt Nam đang phải đối phó đồng thời 3 gánh nặng về dinh dưỡng, bao gồm thiếu dinh dưỡng, thừa dinh dưỡng và thiếu vi chất dinh dưỡng.

Hãy cho trẻ ăn theo nhu cầu

Trao đổi với Tuổi Trẻ Online bên lề hội thảo, bà Chiharu Tsutsumi - giảng viên khoa dinh dưỡng và sức khỏe, Trường đại học Nữ Sagami (Nhật Bản) - cho hay cha mẹ cần chú ý đến nhu cầu của trẻ khi cho trẻ bắt đầu ăn giặm.

Đừng mắc sai lầm: Cho con ăn giặm quá sớm, vừa xem điện thoại  第3张

Các chuyên gia khuyến cáo cho trẻ ăn giặm từ 6 tháng tuổi và theo nhu cầu của trẻ - Ảnh minh họa: NAM TRẦN

"Trước đây, ở Nhật Bản có giai đoạn cho rằng "ăn nhiều, nuôi lớn" là điều tốt và từng tổ chức cuộc thi trao giải thưởng cho các em bé béo.

Tuy nhiên sau đó vấn đề gia tăng bệnh tật liên quan đến lối sống (bệnh không truyền nhiễm, NCDs), đã làm thay đổi nhận thức về tầm quan trọng của việc "ăn uống hợp lý".

Trong đó lượng ăn thích hợp phụ thuộc vào thể chất và mức độ hoạt động của từng đứa trẻ, do đó được xác định bằng việc cân nặng và chiều cao của trẻ có tăng theo đường cong tăng trưởng hay không.

Do vậy nếu cân nặng và chiều cao của trẻ tăng theo đường cong tăng trưởng thì không cần thiết phải tăng hay giảm chế độ ăn của trẻ", bà Chiharu Tsutsumi chia sẻ.

Ngoài ra, bà Chiharu Tsutsumi cũng khuyến cáo nếu cố gắng ép trẻ ăn thì sẽ làm bữa ăn của trẻ trở nên khó chịu. 

Giai đoạn này, điều quan trọng cần dạy cho trẻ "ăn uống là niềm vui", điều này tạo cho trẻ có hứng thú "muốn ăn", từ đó hình thành tinh thần "tích cực khám phá những thứ mới" trong tương lai.

Ông Trần Thanh Dương cũng khuyến cáo các bà mẹ chỉ nên bắt đầu cho trẻ ăn bổ sung khi trẻ tròn 6 tháng tuổi (đủ 180 ngày), sử dụng đa dạng nguồn thực phẩm dinh dưỡng với ít nhất 4 trong 7 loại nhóm thực phẩm và dầu mỡ hằng ngày.