Phim điện ảnh Cám khai thác đề tài văn hóa dân gian gần gũi người Việt, chú trọng tạo hình tạo hình nhân vật nhưng đôi chỗ còn rời rạc, chưa kết nối.
Phim Cám do Trần Hữu Tấn đạo diễn, là dị bản kinh dị của truyện Tấm Cám. Tác phẩm lấy bối cảnh đầu thế kỷ 19, cuối thời nhà Lê - đầu nhà Nguyễn, ghi hình ở Quảng Trị, Thừa Thiên Huế. Nội dung xoay quanh gia đình trưởng làng Hai Hoàng (Quốc Cường đóng). Ông cùng vợ đầu quá cố có một con gái - Tấm (Rima Thanh Vy). Sau đi bước nữa, ông và vợ kế (Thúy Diễm) sinh Cám (Lâm Thanh Mỹ). Biến cố ập tới khi Cám bị một nhóm người lạ bắt đi.
Trước đây, kịch bản kinh dị Việt thường làm lại từ nước ngoài hoặc khai thác chủ đề đương đại. Vài năm nay, nhà làm phim chọn đề tài văn hóa dân gian, điển hình là đạo diễn Trần Hữu Tấn, với dự án truyền hình ăn khách Tết ở làng địa ngục hoặc bản điện ảnh Kẻ ăn hồn... Hướng đi này đáng trân trọng, cho thấy nỗ lực của biên kịch, đạo diễn và êkíp.
Một cảnh trong phim "Cám". Ảnh: Production Q
Đề tài dân gian có ưu thế gần gũi người Việt, nhưng được làm mới qua góc nhìn điện ảnh và sức sáng tạo của biên kịch, đạo diễn. Yếu tố này phần nào lôi kéo khán giả đến rạp. Cũng nhờ đó, Cám cùng loạt phim trước đó của Trần Hữu Tấn đạt doanh thu khả quan.
Tuy nhiên, khai thác và làm mới đến mức nào là yếu tố cần bàn. Sáng tạo kịch bản dựa trên cổ tích Tấm Cám đặt ra cho êkíp những thách thức không nhỏ bởi khán giả khá quen mô típ thiện - ác. Ít người nghĩ khác về tình tiết, bản chất liên quan cặp nhân vật Tấm - Cám. Đó cũng là nguyên nhân Cám gây tranh cãi thời gian qua.
Nguời xem có thể thấy các chi tiết quen thuộc như nắm xôi trong ca dao về thằng Bờm, cá bống dưới giếng hay làm mắm... Những chi tiết đó được tái tạo, làm mới, lồng ghép yếu tố kinh dị.
Điểm cộng của dự án là sự công phu, kỹ lưỡng trong tạo hình nhân vật - từ gương mặt dị dạng của Cám đến trang phục từng nhân vật. Tôi đánh giá cao diễn xuất dàn diễn viên, trong đó Lâm Thanh Mỹ chuyển tải tốt thay đổi tâm lý của Cám.
Dù vậy, xét riêng yếu tố nghệ thuật, Cám khá nhiều sạn. Đoàn phim không đủ kinh phí dàn dựng đại cảnh hoành tráng, chẳng hạn đoạn thử giày hay hoàng tử có rất ít người hầu. Yếu tố kinh dị thể hiện qua cảnh máu me, la hét hay bộ mặt dị dạng. Do đó, tác phẩm chưa bứt phá so với loạt phim trước của Trần Hữu Tấn.
Đôi chỗ mạch phim rời rạc, chưa kết nối. Với bộ mặt đỏ, tạo hình Bạch Lão khá giống nhân vật trong tuồng cổ, chưa thấy chất kinh dị, rùng rợn. Đặc biệt phần kết phim nhanh, hụt hẫng, khiến khán giả không "đã mắt".
Nếu chỉ dừng lại ở cảnh tráo đổi thân phận giữa Tấm - Cám và để cái kết ngỏ, hứa hẹn mở ra phần tiếp theo tạo thành series thì dự án nhiều khả năng tiếp tục thu hút khán giả. Dĩ nhiên, Cám hoàn toàn có thể có phần tiếp theo, vì bản thân truyện Tấm Cám còn nhiều yếu tố để khai thác.
Phim điện ảnh Cám dán nhãn T18 (không dành cho người dưới 18 tuổi).
Hà Thanh Vân
Đăng thảo luận