GDP 2026 có thể giảm 0,03% do tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với bia lên 70-80%, theo tính toán của Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế trung ương (CIEM).

Hiện, mức thuế tiêu thụ đặc biệt với bia là 65%, rượu 35-65% tùy độ cồn dưới hay trên 20 độ. Theo dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi), nhà chức trách đưa ra hai phương án tăng thuế với rượu, bia. Cụ thể, rượu từ 20 độ trở lên tăng theo lộ trình từ mức 65% hiện nay lên 90% hoặc 100% vào 2030. Mức thuế tối đa với rượu dưới 20 độ là 60% hoặc 70% trong giai đoạn 2026-2030.

Tương tự, thuế suất với bia tăng từ 65% hiện nay lên 90% hoặc 100% đến 2030.

Tại tọa đàm "Đối thoại chính sách: Phục hồi tăng trưởng – triển vọng và thách thức" của Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR), ngày 15/10, TS Nguyễn Minh Thảo, Trưởng ban Môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh (Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế trung ương, CIEM) cho rằng, việc tăng thuế này tác động tiêu cực tới ngành sản xuất bia trong nước.

Bà Thảo ước tính, 2026 - năm đầu tiên dự kiến tăng thuế với bia - giá trị tăng thêm ngành này giảm 1.163-3.489 tỷ đồng, tùy phương án thuế suất tăng lên 70% hoặc 80% (tức thêm 5% và 15% so với hiện tại).

Tác động tới nền kinh tế, bà cho hay GDP 2026 có thể giảm 0,01-0,03% với từng phương án tăng thuế. Với doanh nghiệp, lợi nhuận trước thuế có thể giảm 510-1.530 tỷ đồng, ứng với từng phương án. Bên cạnh đó, thu nhập của người lao động trong nền kinh tế cũng giảm khoảng 1.818 tỷ đồng. "Tăng thuế tiêu thụ đặc biệt cần nhìn vào toàn ngành để doanh nghiệp tồn tại và phát triển", bà Thảo nói.

Chưa kể, theo chuyên gia từ CIEM việc điều chỉnh thuế này còn khiến thuế thu nhập doanh nghiệp chịu tác động, bởi khi đó các công ty sản xuất bia buộc cắt giảm sản lượng, kéo theo các lĩnh vực phụ trợ (bao bì, đóng gói), logistics bị ảnh hưởng.

CIEM: GDP 2026 giảm 0,03% nếu tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với bia  第1张

TS Nguyễn Minh Thảo, Trưởng ban Môi trường kinh doanh và Năng lực cạnh tranh, CIEM phát biểu tại tọa đàm, ngày 15/10. Ảnh: Anh Kiệt

Bia chiếm 98,6% thị phần ngành đồ uống có cồn. Sabeco, Heineken Việt Nam, Habeco, Carlsberg là những doanh nghiệp nắm giữ gần 95% thị phần và tổng sản lượng ngành. Ngoài Heineken Việt Nam, Sabeco tăng trưởng âm về sản lượng, doanh thu, lợi nhuận từ năm 2021. Hãng hiện có 26 nhà máy ở 20 tỉnh thành, hầu hết nhà máy trong hệ thống gặp khó khăn do chi phí đầu vào tăng 20-40%, trong khi giá bán không tăng. Còn với Habeco, năm ngoái lượng bán của doanh nghiệp này giảm 30% so với năm 2019, nộp ngân sách giảm 10% và phải cắt giảm 25% lao động.

"Trong bối cảnh doanh thu các nhà sản xuất suy giảm, nên để họ phục hồi chứ chưa nên tăng thuế", ông Nguyễn Văn Thân – Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa đề nghị.

Dẫn kinh nghiệm từ quốc tế, ông Bùi Ngọc Tuấn – Phó tổng giám đốc Deloitte Việt Nam – cho biết năm 2010 Australia điều chỉnh tăng thuế tiêu thụ đặc biệt hằng năm với bia rượu. Tỷ trọng tăng nhỏ đối chiếu theo chỉ số giá tiêu dùng (CPI) để người dân khó cảm nhận rõ nét. Nhiều quốc gia áp thuế theo nồng độ cồn nguyên chất, hướng tới sức khỏe của người tiêu dùng.

"Tăng thuế cần đảm bảo hai mục tiêu gồm định hướng hành vi của người tiêu dùng, sau đó mới là thu ngân sách", ông Tuấn nói, cho rằng phương án tại dự thảo luật chưa có nhiều phân tích rộng rãi tới chuỗi giá trị lan tỏa sang các ngành khác như dịch vụ, khách sạn.

Ông Hoàng Văn Cường, Ủy viên Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội gợi ý nhà chức trách có thể cân nhắc tránh tăng thuế sốc. Ví dụ năm đầu tiên tăng khoảng 10%, sau đó dừng lại vài năm rồi điều chỉnh tiếp. Lộ trình tăng thuế cũng cần phù hợp để doanh nghiệp thích nghi, chuyển đổi quy trình sản xuất.

"Không nên tăng đều đặn như 'ru ngủ' vì người tiêu dùng sẽ khó cảm nhận được sự khác biệt để thay đổi hành vi", ông Cường góp ý.

Tuy vậy, trong các lần giải trình trước đây, Bộ Tài chính - cơ quan soạn thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) giữ quan điểm tăng thuế với bia, rượu trên 20 độ lên tối đa 100% vào 2030. "Phương án này sẽ giảm tiêu dùng rượu, bia, cũng như các tác hại liên quan do việc lạm dụng đồ uống có cồn gây ra", Bộ Tài chính đánh giá.

Với lộ trình này, giá bia, rượu sẽ tăng 20% vào năm 2026 và thêm khoảng 2-3% mỗi năm tiếp theo. Mức này đảm bảo giá sản phẩm tăng tương ứng theo lạm phát, thu nhập. Mặt khác, ngân sách có thêm khoảng 10.700 tỷ đồng từ thuế tiêu thụ đặc biệt với bia. Mức này tăng khoảng 23% so với số dự kiến thu về trong năm 2025 (khi chưa điều chỉnh thuế). Từ 2027-2030, khoản thu thuế tăng thêm khoảng 3.500 tỷ đồng mỗi năm. Với rượu, thu thuế tăng thêm gần 230 tỷ đồng vào 2026 và gần 80 tỷ đồng mỗi năm sau đó.

Dự kiến, Quốc hội sẽ xem xét, thảo luận dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) tại kỳ họp thứ 8, khai mạc vào 21/10.

Đức Mạnh